Chiều 22/9, tại Hà Nội được sự chỉ đạo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng (HPREA), Trung tâm tư vấn và xúc tiến đầu tư VARS phối hợp với Recbook, VARS Tech tổ chức Hội nghị “Bất động sản Hải Phòng: Điểm sáng trong từng phân khúc”.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, thời gian qua, những nỗ lực của Chính phủ cùng các bộ, ngành trong việc quyết tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững bước đầu đã cho thấy hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, quá trình thực thi, hấp thụ chính sách và tiến trình vận động “mỗi nơi, mỗi khác”, dẫn đến kết quả phục hồi có sự khác khác nhau giữa các địa phương, khu vực.
Theo đó, địa phương nào nắm giữ lợi thế về quỹ đất, hạ tầng, chính sách đầu tư, địa phương đó sẽ có lợi thế cạnh tranh tốt, thị trường bất động sản cũng có khả năng hồi phục sớm.
Chủ tịch VARS TS Nguyễn Văn Đính phát biểu khai mạc Hội nghị.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Hải Phòng chính là một trong những điểm sáng hiếm hoi của thị trường bất động sản năm 2023 khi vẫn duy trì được nhịp tăng trưởng nhất định trong bối cảnh thị trường cả nước “đóng băng”. Hội tụ những tiềm năng về kinh tế biển, hạ tầng giao thông, công nghiệp, dịch vụ... cộng thêm việc triển khai một cách quyết liệt các công trình giao thông, dự án trọng điểm, thị trường bất động sản Hải Phòng sẽ sớm khởi sắc ngay từ quý 2/2023. Đây cũng sẽ là địa phương có tốc độ phục hồi giao dịch và nguồn cung bất động sản gần như nhanh và sớm nhất cả nước với sự hiện diện đa dạng phân khúc ở nhiều dự án mới”.
Tiềm năng hội tụ, bất động sản “cất cánh”
Phát biểu tại Hội nghị, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho biết, Hải Phòng là 1 trong 5 địa phương có quy mô công nghiệp lớn nhất cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, hạ tầng giao thông được đẩy mạnh đầu tư đồng bộ và hiện đại. Đồng thời cũng là một trong những trung tâm kinh tế, văn hoá, y tế, giáo dục lớn nhất tại khu vực phía Bắc và Duyên hải Bắc Bộ. Vì vậy, cùng với các chính sách thu hút đầu tư, Hải Phòng được đánh giá là vùng đất sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, xã hội nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.
TS. Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội phát biểu.
“Hải Phòng có nhiều lợi thế: Quỹ đất rộng và nguồn lao động nhập cư dồi dào tại các KCN; Mặt bằng giá bất động sản hiện còn thấp và tăng chậm; Những điều chỉnh quy hoạch Hải Phòng đang làm tăng tính hấp dẫn của thị trường BĐS nơi đây; Kế hoạch đẩy nhanh tiến độ đầu tư công chắc chắn có tác động tích cực đến thị trường BĐS; BĐS công nghiệp Hải Phòng đã lọt vào “mắt xanh” của nhiều nhà đầu tư quốc tế, khiến thu hút FDI vào Hải Phòng luôn tăng cao trong nhiều năm qua. Trong tương lai gần, Hải Phòng chắc chắn sẽ là thị trường BĐSsôi động, hấp dẫn giới đầu tư từ khắp cả nước” - TS Nguyễn Minh Phong nhận định.
Dưới góc độ doanh nghiệp đầu tư, phát triển bất động sản, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec, CĐT Khu Công nghiệp Nam Cầu Kiền chia sẻ, giữa tâm điểm thị trường còn nhiều biến động, bất động sản Hải Phòng vẫn một “điểm sáng” do liên tục nhận được nhiều tín hiệu tích cực trong thu hút đầu tư. Một loạt công trình dự án trọng điểm được khởi công triển khai xây dựng, từ các công trình giao thông tới các dự án nhà ở xã hội.
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec, CĐT Khu Công nghiệp Nam Cầu Kiền chia sẻ tại Hội nghị.
“Kết quả trên là nhờ sự quan tâm từ các cấp TW, những nỗ lực của thành phố trong công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị; nhờ các dự án lớn của các Tập đoàn kinh tế tên tuổi, khai thác, phát huy tiềm năng của thành phố cảng”, ông Điệp cho biết.
Cũng theo đại diện doanh nghiệp này, Hải Phòng có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong việc phát triển các khu, cụm công nghiệp. Vì vậy, chính quyền địa phương đã và đang tập trung các nguồn lực để phát triển phân khúc bất động sản công nghiệp thông qua hàng loạt các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc. Đồng thời đặt ra các giải pháp cụ thể để phát triển các khu, cụm công nghiệp; đẩy mạnh công tác quản lý, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.
Quy hoạch thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là phát triển Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp gắn với cảng biển hiện đại, thông minh, bền vững. Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trên cơ sở khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, mối tương quan, liên kết khu vực và kết nối quốc tế; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước.
Việc điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng được phê duyệt là tiền đề giúp thị trường bất động sản Hải Phòng vốn nhiều tiềm năng và thế mạnh sẽ bứt phá mạnh mẽ, để thu hút các nhà đầu tư bất động sản trong nước và quốc tế - ông Điệp nói thêm.
Lượng giao dịch ghi nhận hồi phục ở đồng loạt các phân khúc
Chia sẻ rõ hơn những chuyển biến tích cực của thị trường bất động sản Hải Phòng, ông Tô Hùng, CEO Recbook, Trưởng VPĐD VARS Hải Phòng cho biết, trong quý 3/2023, việc ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất, nới lỏng cho vay đầu tư bất động sản, cho phép vay “đảo nợ” ngân hàng khác,... phần nào tháo gỡ được các khó khăn về thanh khoản cho các nhà đầu tư, đồng thời kích thích nhu cầu mua của các nhà đầu tư có sẵn tiền mặt. Mặc dù mức giá chưa tăng nhiều nhưng thị trường bất động sản Hải Phòng đã ghi nhận lượng giao dịch diễn ra nhiều hơn ở đồng loạt các phân khúc. Thị trường đón nhận một lượng lớn môi giới, văn phòng, công ty, sàn giao dịch kinh doanh dịch vụ bất động sản quay trở lại “đường đua”. Thông tin các dự án thấp tầng sắp ra mắt cuối năm nay được kỳ vọng sẽ dẫn dắt, làm thị trường ấm trở lại hơn rất nhiều so với nửa đầu năm 2023.
Khảo sát tính thanh khoản thị trường bất động sản Hải Phòng trong 3 tháng tới, ông Hùng cho biết, có khoảng 55% các giao dịch chủ yếu đến từ các sản phẩm nhà, đất phục vụ tiêu dùng có giá trị từ 1 - 3 tỷ; 28% với các sản phẩm vùng ven có giá trị thấp từ 200 - 600 triệu và 17% đối với sản phẩm đầu tư sẽ có giao dịch với những sản phẩm cắt lỗ, giá thấp hơn so với thị trường hoặc các sản phẩm đầu tư tạo ra khai thác dòng tiền nhưng giá trị từ 3 - 10 tỷ.
Toàn cảnh hội nghị.
“Thời gian tới, những dự án quy mô được đầu tư phát triển bởi các chủ đầu tư uy tín, như Dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng (Dragon Ocean Đồ Sơn) của Tập đoàn Geleximco; Dự án Royal River City của Công ty CP đầu tư xây dựng Newland và Dự án Chung cư Hoàng Huy Commerce của Tập đoàn tài chính Hoàng Huy, hứa hẹn sẽ kéo theo làn sóng đầu tư, dẫn dắt tăng mặt bằng giá bất động sản Hải Phòng - vốn chưa cao và còn nhiều dư địa tăng trưởng trong tương lai”, ông Tô Hùng nói.
Nói riêng về giá bất động sản Hải Phòng, ông Lê Đình Chung, CEO SGO Homes cho biết, giá bất động sản Hải Phòng chưa có sự tương xứng, phù hợp với tiềm năng của bất động sản ở đây. Tính trong khu vực phía Bắc, Hải Phòng đóng góp GDP chỉ sau Hà Nội và Quảng Ninh nhưng giá bất động sản Hải Phòng lại có khoảng cách quá xa so với hai địa phương này.
Vì vậy, cùng với tiềm năng rộng mở, chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và mặt bằng giá chưa tăng cao, hiện tại đang là thời điểm vàng để nhà đầu tư đổ về thị trường bất động sản Hải Phòng.
Trước những ý kiến đánh giá tiềm năng của thị trường bất động sản Hải Phòng, ông Nguyễn Quang Văn, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Hải Phòng bày tỏ mong muốn chính quyền thành phố thời gian tới sẽ có những cơ chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung ứng dụng tốt khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, minh bạch quy hoạch và thông thoáng chính sách pháp luật, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý, cung cấp thông tin, tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư đến với Hải Phòng.
“Dù thị trường bất động sản đang và sẽ còn nhiều khó khăn nhưng cơ hội và triển vọng hồi phục vẫn luôn hiện hữu đối với bất động sản Hải Phòng”, ông Nguyễn Quang Văn nói.