Cải cách thủ tục hành chính năm 2023: Đổi mới và chất lượng

Cải cách thủ tục hành chính năm 2023: Đổi mới và chất lượng

Năm 2023 đang chứng kiến những nỗ lực đáng kể trong việc cải cách thủ tục hành chính tại Việt Nam. Việc này được coi là một bước đi quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu về sự linh hoạt, nhanh chóng và hiệu quả của thủ tục hành chính trở nên ngày càng cấp thiết.

Chính phủ đã chỉ rõ mục tiêu trọng tâm năm 2023 sẽ tập trung nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính của các thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, tạo đột phá trong cải cách hành chính năm 2023. Tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính. Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, chất lượng, hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 ban hành kèm theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ. Gắn kết công tác cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương với việc xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Bên cạnh các nhiệm vụ về công tác chỉ đạo, điều hành; xây dựng thể chế; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công, Ban Chỉ đạo xác định cải cách hành chính của Chính phủ xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và cải cách thủ tục hành chính năm 2023 gồm:

Tập trung triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ; Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt đông kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, có hiệu quả các nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu quả thực thi thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp tại Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 06/10/2022.

cai cach thu tuc hanh chinh cong

Rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trước ngày 30 tháng 9 hàng năm.

Tổ chức thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính tại Quyết định tiến số 1015/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước theo Kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2022.

Cập nhật đầy đủ, chính xác và công khai kịp thời quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, kết quả rà soát, chi phí tuân thủ, phương án cắt giảm, đơn giản hóa, thực hiện tham vấn các tổ chức, cá nhân, đối tượng chịu tác động về chính sách, quy định; tiếp nhận, tổng hợp, tiếp thu, giải trình, phản hồi, cập nhật kết quả xử lý đối với ý kiến góp ý, vướng mắc, đề xuất của tổ chức, cá nhân về chính sách, quy định thuộc phạm vi chức năng quản lý và công khai trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Lập đề nghị xây dựng Nghị định quy định thủ tục liên thông điện tử đối với 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông: "Đăng ký khai sinh – đăng ký thường trú – cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi"; "Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú – trợ cấp mai táng phí".

Về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Ban Chỉ đạo yêu cầu từ 1/6/2023, các bộ, ngành, địa phương, thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết đối với thủ tục hành chính thuộc phạm vi tiếp nhận của Bộ phận Một cửa cấp xã (trừ các xã vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo); 100% kết quả của các hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được cung cấp đồng thời cả bản điện tử có đầy đủ giá trị pháp lý cho người dân, doanh nghiệp.

Quý I năm 2023, các bộ, ngành, địa phương, hợp nhất Cổng Dịch vụ công với Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh thành Hệ thống thông tin giải quyết thu tục hành chính tập trung duy nhất của bộ, tỉnh; thiết lập, nâng cấp, hoàn thiện kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân; hoàn thành kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu kết quả giải quyết thủ tục hành chính từ Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên cổng Dịch vụ công quốc gia.

Các bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc xây dựng quy trình nội bộ, quy trình điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính; nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền giảm phí, lệ phí trong trường hợp thanh toán trực tuyến để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện; rà soát, chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa; đẩy nhanh việc thực hiện ký số trên thiết bị di động.

Quý I năm 2023, Bộ Công an tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu dân cư giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính.

Quý II năm 2023, Văn phòng Chính phủ xây dựng Khung Bộ chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.

Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư cho chuyển đổi số; thiết kế khung chương trình chuyển đổi số đảm bảo sự đồng bộ trong triển khai từ cấp trung ương đến địa phương và huy động sự tham gia của các doanh nghiệp trong phát triển các nền tảng số, dịch vụ số.

cải cách thủ tục hành chính

Tăng cường cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi trong thời gian tới

Ngày 22/5/2023, Chính phủ đã công bố toàn văn Báo cáo của Chính phủ, trong đó nhấn mạnh: Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho từng thành viên Chính phủ trực tiếp làm việc với các địa phương để nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phân cấp 699 thủ tục hành chính trên 100 lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành.

Các bộ, cơ quan ngang bộ đã thực thi phương án phân cấp 81 thủ tục hành chính tại 15 văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, đơn giản hóa đối với 59 nhóm TTHC trọng tâm ưu tiên trên 12 lĩnh vực); thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Chính phủ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (Các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2,2 nghìn quy định kinh doanh tại 175 văn bản quy phạm pháp luật; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa gần 1,1 nghìn quy định của 10 bộ, cơ quan; các bộ, ngành đã công khai, cập nhật hơn 17,8 nghìn quy định kinh doanh. Cung cấp hơn 4,4 nghìn dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Cổng Thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN đã thực hiện 250/261 dịch vụ công trực tuyến của 13 bộ, ngành với hơn 55 nghìn doanh nghiệp tham gia); sắp xếp, kiện toàn bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian.

Chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của đất nước, của Nhân dân. Chuyển đổi số quốc gia được đẩy mạnh ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực, nhất là Đề án 06 và xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia. Tuy nhiên, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tuy có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn.

Từ các kết quả đạt được cũng như những khó khăn, tồn tại về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Chính phủ đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới là: Tăng cường cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, thực hiện hiệu quả Đề án 06, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, tuyệt đối không ban hành chính sách, quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết cho doanh nghiệp, người dân. Thành lập, tổ chức hoạt động hiệu quả Tổ công tác đặc biệt do các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Tổ trưởng để tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí Điện tử và Ứng dụng số 06 tháng 06/2023).