Đó là mong muốn của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Cục Tần số Vô tuyến điện (8/6/1993 - 8/6/2023).
Sáng 10/6, Cục Tần số Vô tuyến điện - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập (8/6/1993 - 8/6/2023). Tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng mong muốn Cục Tần số vô tuyến sẽ tạo ra một giai đoạn phát triển mới. Trong 10 năm tới, Cục Tần số vô tuyến điện có thể sẽ viết một trang sử mới huy hoàng trong lịch sử phát triển của mình, đó chính là bảo đảm tần số cho hạ tầng số.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho Cục Tần số vô tuyến điện.
Trong suốt 30 năm qua, Cục Tần số Vô tuyến điện đã trải qua một hành trình đầy nỗ lực và cam kết để hoàn thiện thể chế và quản lý tần số vô tuyến điện, thúc đẩy quá trình số hóa truyền hình, giải phóng tần số để phát triển di động, đảm bảo tần số cho mục tiêu quốc phòng, an ninh và xây dựng quỹ đạo cho các vệ tinh Việt Nam. Đồng thời, Cục đã xây dựng mạng lưới hợp tác quốc tế để góp phần vào sự phát triển và sự hợp tác toàn cầu.
Bước vào một giai đoạn mới, Bộ trưởng nhấn mạnh sứ mệnh mới của ngành viễn thông, đó là xây dựng một hạ tầng số hiện đại, bao gồm cả hạ tầng viễn thông và hạ tầng dữ liệu. Đây là một bước tiến quan trọng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về kết nối và truyền thông trong xã hội số.
Việc đảm bảo tần số cho di động, băng thông siêu rộng và phổ cập tần số với tiêu chí “ xanh, mở, thông minh và an toàn” là nhiệm vụ cấp bách của Cục Tần số Vô tuyến điện.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.
Cục Tần số Vô tuyến điện đã trải qua 30 năm, 10 năm đầu của Cục gắn với sự xuất hiện rất sớm của điện thoại di động tại Việt Nam. 10 năm tiếp theo gắn với phân bổ tần số để tạo ra cạnh tranh, phổ cập điện thoại cho toàn dân và 10 năm gần đây là gắn với băng rộng di động. Chiếc điện thoại di động thông minh đã trở thành công cụ vạn năng đối với mọi người dân. Trong 10 năm tới, bảo đảm tần số cho hạ tầng số là nhiệm vụ cấp bách, đây sẽ vừa là đóng góp của Cục cho sự phát triển của đất nước, vừa là lời cảm ơn đối với các thế hệ đi trước, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trong 30 năm đó Cục cũng đã nỗ lực hoàn thiện thể chế, quản lý tần số vô tuyến điện, số hoá truyền hình, giải phóng tần số cho phát triển di động, đảm bảo tần số cho quốc phòng, an ninh, đảm bảo tần số và quỹ đạo cho các vệ tinh Việt Nam và xây dựng tổ chức hợp tác quốc tế…
Bộ trưởng cho rằng, trước đây tần số chỉ đơn thuần là kỹ thuật, nhưng giờ nó còn là vấn đề kinh tế kỹ thuật khi việc đấu giá băng tần mang lại nhiều giá trị tổng thể, vừa nộp ngân sách nhà nước, vừa phủ sóng đến tận thôn, bản với tốc độ cao. Hay như trước đây, tần số là vấn đề kỹ thuật chuyên sâu của một số chuyên gia. Nhưng nay tần số đã ảnh hưởng đến mọi mặt của kinh tế - xã hội. Vì vậy, Cục Tần số Vô tuyến điện cần phải thay đổi cách nhìn nhận bằng cách phổ cập hóa kiến thức về tần số để tạo ra sự phát triển mới.
Việc đổi mới lần thứ 2 trong ngành viễn thông là chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, hạ tầng của nền kinh tế số. Điều này đòi hỏi ngành viễn thông phải xây dựng hạ tầng số hiện đại, bao gồm hạ tầng viễn thông và hạ tầng dữ liệu, với dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, mở, thông minh và an toàn.
Cục Tần số Vô tuyến điện có nhiệm vụ quan trọng trong việc đảm bảo tần số cho di động, băng thông siêu rộng và phổ cập tần số với tiêu chí "xanh, mở, thông minh và an toàn". Đồng thời, trong quá trình chuyển đổi số, Cục cần thực hiện đổi mới các quy trình vận hành và sử dụng công nghệ số để tạo ra nền tảng và công cụ làm việc hiệu quả cho nhân viên. Cục cũng phải tập trung vào việc giá trị hoá dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu về tần số và việc sử dụng tần số, phân tích dữ liệu để tối ưu hóa cấp phát tần số và các hoạt động khác.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ quan trọng của Cục Tần số Vô tuyến điện trong năm 2023 là đấu giá tần số 4G và 5G. Điều này nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ di động và giảm chi phí đầu tư hạ tầng. Bộ trưởng nhấn mạnh đấu giá tần số thành công năm 2023 là một nhiệm vụ chính trị, trọng tâm của Cục.
Cục Tần số Vô tuyến điện cũng phải đảm bảo sự hài hoà giữa việc sử dụng tần số cho phát triển kinh tế - xã hội và đáp ứng yêu cầu về quốc phòng và an ninh. Quy định về sử dụng tần số lưỡng dụng đã được Quốc hội thông qua, do đó, Cục cần lưu ý phát triển kinh tế - xã hội để đóng góp vào sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh và bảo vệ Tổ quốc.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, để đảm bảo thành công trong sứ mệnh này, Cục Tần số Vô tuyến điện cần phải có tri thức xuất sắc về tần số và nắm vững các vấn đề liên quan.
Chia sẻ tại Lễ kỷ niệm, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện Lê Văn Tuấn đã cam kết lĩnh hội đầy đủ và hiểu rõ những chỉ đạo, định hướng từ đồng chí Tư lệnh Ngành Thông tin và Truyền thông. Ông sẽ quyết tâm triển khai thực hiện các chỉ đạo này một cách hiệu quả.
Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện Lê Văn Tuấn. Ảnh Lê Dũng
Ông Lê Văn Tuấn nhận định, từ bản sắc văn hóa, giá trị cốt lõi cội nguồn đã được dựng xây 30 năm qua, thế hệ người tần số hôm nay vẫn khát khao cháy bỏng, với tinh thần như câu nói của Steve Jobs “stay hungry, stay foolish” và luôn đau đáu trong lòng câu hỏi “Làm gì để đóng góp tốt hơn cho xã hội, cho Ngành?”.
Theo Cục trưởng, Cục Tần số Vô tuyến điện và các thế hệ người tần số luôn ghi nhớ khởi nguồn của quyết sách xin cơ chế và không xin tiền của lãnh đạo ngành. Cục Tần số Vô tuyến điện đã là đơn vị quản lý nhà nước đầu tiên có cơ chế tài chính đặc thù, đóng góp quan trọng vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất hiện nay.
Cục trưởng Lê Văn Tuấn cam kết "Mỗi người của thế hệ tần số hôm nay hãy cùng nhau khát vọng, cùng nhau xây dựng, cùng nhau quyết tâm tạo nên những giá trị thành tựu mới. Đó cũng là cách để thể hiện sự đền đáp, tri ân xứng đáng với các thế hệ đi trước".