Ngày 8/3, Chương trình giao lưu sinh viên Việt Nam - Nhật Bản - Hàn Quốc trong lĩnh vực Công nghệ Bán dẫn đã diễn ra trong không khí vui tươi, thắm tình đoàn kết, giao lưu và chia sẻ. Đây là chương trình đặc biệt nhằm nâng cao tình hữu nghị và được tổ chức bởi Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội và Hiệp hội Vi mạch và Hệ thống IEEE (IEEE CAS) .
Chương trình giao lưu sinh viên Việt Nam - Nhật Bản - Hàn Quốc trong lĩnh vực Công nghệ Bán dẫn đã diễn ra trong không khí vui tươi, thắm tình đoàn kết, giao lưu và chia sẻ. Ảnh: Thế Kiên.
Ngành Vi mạch và Bán dẫn ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Việt Nam đã thu hút một lượng lớn các doanh nghiệp hàng đầu thế giới đến đầu tư và phát triển trong lĩnh vực này. Cùng với sự hỗ trợ của chính phủ và các cơ quan quản lý, ngành công nghiệp Vi mạch và Bán dẫn tại Việt Nam có tiềm năng vô cùng lớn để phát triển mạnh mẽ cả về cơ sở hạ tầng cũng như năng lực nghiên cứu. Các trường đại học ở Việt Nam hiện cũng đang đẩy mạnh xây dựng các chương trình đào tạo và phát triển nghiên cứu trong lĩnh vực này nhằm đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn tốt đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
GS Trần Xuân Tú phát biểu khai mạc chương trình giao lưu sinh viên Việt Nam - Nhật Bản - Hàn Quốc trong lĩnh vực Công nghệ Bán dẫn ngày 8/3 tại Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội - Ảnh: Thế Kiên
Chương trình là hoạt động nhằm tạo ra cơ hội giao lưu cho sinh viên đang học hoặc có đam mê với Công nghệ Vi mạch và Bán dẫn giữa các nước Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc. Bên cạnh đó, đây còn là cơ hội cho để các nhà khoa học trong lĩnh vực Vi mạch và Bán dẫn có thể gặp gỡ, trao đổi, giới thiệu về các công trình nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội hợp tác, giới thiệu các giải pháp kỹ thuật và công nghệ trong lĩnh vực nói trên.
Cũng trong dịp này, Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, GS Trần Xuân Tú đã gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới chương trình giao lưu, sự kiện này đánh dấu đậm nét tình hữu nghị giữa Việt Nam - Nhật Bản - Hàn Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực lĩnh vực Công nghệ Bán dẫn. Từ thành công này, chúng ta sẽ có những bước tiến lớn trong sự phát triển lĩnh vực đột phá Công nghệ Bán dẫn, kết nối, sẻ chia và cùng thành công hơn nữa trong các chương trình tiếp theo. Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, trong không khí vui tươi phấn khởi, viện trưởng cũng không quên gửi những lời chúc tới các sinh viên nữ trong chương trình nói riêng và phụ nữ các nước nói chung lời chúc hạnh phúc, thành công và luôn rực rỡ xinh tươi.
Một số hình ảnh trong chương trình giao lưu sinh viên Việt Nam - Nhật Bản - Hàn Quốc
Phần phát biểu của GS. Yoshifumi Nishio, Đại học Tokushima, Nhật Bản.
Giao lưu sinh viên Việt Nam – Nhật Bản – Hàn Quốc trong lĩnh vực Công nghệ bán dẫn.
Các Giáo sư tới từ Nhật Bản và Hàn Quốc tham dự chương trình
Thông tin cụ thể về chương trình VJK Student meeting
Chương trình giao lưu sinh viên Việt Nam – Nhật Bản – Hàn Quốc được tổ chức bởi Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội
Thời gian: Từ 7/3/2024 đến 9/3/2024. Phiên khai mạc vào sáng ngày 8/3/2024
Địa điểm: Phòng 505, nhà E3, Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội
VJK Student meeting vinh dự mời được các chuyên gia đến từ các trường đại học nổi tiếng trình bày báo cáo và sinh viên tham gia giao lưu:
GS. Hiroo Sekiya và GS. Kien Nguyen, Đại học Chiba, Nhật Bản
GS. Yoshifumi Nishio, Đại học Tokushima, Nhật Bản
GS. Minkyu Je, Viện Khoa Học và Công Nghệ Tiên Tiến Hàn Quốc (KAIST), Hàn Quốc
GS. Trần Xuân Tú và TS. Bùi Duy Hiếu, Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội
VJK Student meeting cũng vinh dự được đón hơn 30 sinh viên, học viên từ Nhật Bản và Hàn Quốc đến giao lưu cùng với sinh viên Việt Nam.
Viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội
Viện Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia Hà Nội là một viện nghiên cứu thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, được thành lập từ năm 2001. Viện Công nghệ Thông tin có sứ mệnh đào tạo chuyên gia chất lượng cao ở bậc tiến sỹ, tham gia đào tạo đại học và sau đại học thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin tại các trường đại học và các đơn vị trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội; nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng, tư vấn và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin – Truyền thông nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, bồi dưỡng, nâng cao trình độ khoa học, công nghệ, phổ cập công nghệ mới cho các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước.
Viện Công nghệ Thông tin hiện có 5 đơn vị nghiên cứu và phát triển công nghệ: Cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin; An toàn hệ thống thông tin; Công nghệ mạng và truyền thông; Công nghệ nhận dạng và xử lý ngôn ngữ tự nhiên; Trung tâm Nghiên cứu tiên tiến quốc tế về Trí tuệ nhân tạo ứng dụng.
Đội ngũ các nhà khoa học của Viện Công nghệ Thông tin đang triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu, đề tài, dự án cấp nhà nước, cấp bộ ngành, cấp ĐHQGHN và quốc tế liên quan đến các vấn đề công nghệ quan trọng như: khoa học dữ liệu; trí tuệ nhân tạo (AI); thực tại ảo/thực tại tăng cường (VR/AR); xử lý ảnh/video; an toàn thông tin; blockchain; Internet vạn vật (IoT); hệ thống nhúng; thiết kế vi mạch và FPGA, thiết kế bảo mật cho RFID… Một số sản phẩm khoa học công nghệ tiêu biểu như: Hệ thống nhận dạng phân loại trạng thái cảm xúc khuôn mặt người; Giải pháp nền tảng phần cứng – phần mềm cho hệ thống thiết bị IoT an toàn; Hệ tư vấn và hỗ trợ chẩn đoán bệnh theo tiếp cận tính toán mờ; Phần mềm chẩn đoán bệnh viêm quanh cuống trên ảnh X-quang nha khoa…
Viện Công nghệ Thông tin có mạng lưới hợp tác chặt chẽ với các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp khoa học công nghệ trong nước và quốc tế (Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia…). Trong thời gian qua, các nhà khoa học của Viện Công nghệ Thông tin đã triển khai nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ hợp tác với các đối tác quốc tế, công bố nhiều công trình khoa học chung với các học giả quốc tế.