Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) đã thông báo 5 nhà cung cấp dịch vụ Chứng thực chữ ký số công cộng (Chữ ký số) One-CA, Newtel-CA, LCS-CA, I-CA, Hilo-CA chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số Quý II/2023 theo quy định.
Theo NEAC, Việt Nam đang có 21 nhà cung cấp dịch vụ Chữ ký số. Tính đến 20/7/2023, ngoài 5 nhà cung cấp dịch vụ Chữ ký số nêu trên chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định Quý II/2023, có 16 nhà cung cấp dịch vụ Chữ ký số đã hoàn thành nghĩa vụ nộp phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số Quý II/2023 gồm: WIN-CA, CMC-CA, MISA-CA, EFY-CA, EasyCA, FPT-CA, CA2, SmartSign, NC-CA, MATBAO-CA, FastCA, BkavCA, VNPT-CA, Viettel-CA, Trust-CA, SAFE-CA.
Tính đến 20/7/2023, 5/21 nhà cung cấp dịch vụ Chứng thực chữ ký số công cộng chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số Quý II/2023 theo quy định gồm: One-CA, Newtel-CA, LCS-CA, I-CA, Hilo-CA
Thông báo cũng nêu rõ, Thông tư số 19/2022/TT-BTC ngày 23/3/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số. Cụ thể, người nộp phí kê khai, nộp phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số cho tổ chức thu phí theo quý, chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng đầu tiên của quý tiếp theo.
NEAC cũng cho biết, việc nộp chậm hoặc không nộp đầy đủ phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 112 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP và Điều 17, 18 Nghị định số 130/2018/NĐ-CP.
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không nộp phí hoặc nộp phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số chậm quá 15 ngày làm việc.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không nộp đầy đủ phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số trong 06 tháng.
3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không nộp đầy đủ phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số theo quy định trong 12 tháng.
4. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng từ 01 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này; Tước quyền sử dụng giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng từ 8 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số phí do nộp chậm hoặc nộp thiếu đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
Điều 17. Tạm đình chỉ giấy phép, tạm dừng cấp chứng thư số
1. Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng bị tạm đình chỉ giấy phép không quá 6 tháng khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Cung cấp dịch vụ sai với nội dung ghi trên giấy phép;
b) Không đáp ứng được một trong các điều kiện cấp phép quy định tại Điều 13 Nghị định này trong quá trình hoạt động cung cấp dịch vụ;
c) Không nộp đầy đủ phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số trong 06 tháng.
2. Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng phải tạm dừng cấp chứng thư số mới cho thuê bao thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng bị tạm đình chỉ theo khoản 1 Điều này;
b) Khi phát hiện các sai sót trong hệ thống cung cấp dịch vụ của mình có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi của thuê bao và người nhận.
3. Trong thời gian bị tạm đình chỉ giấy phép, nếu tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng khắc phục được lý do bị tạm đình chỉ, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cho phép tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng được tiếp tục cung cấp dịch vụ.
Điều 18. Thu hồi giấy phép
1. Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng bị thu hồi giấy phép khi xảy ra một trong các trường hợp sau:
a) Không triển khai cung cấp dịch vụ trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày được cấp phép mà không có lý do chính đáng;
b) Bị giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật có liên quan;
c) Giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng đã hết hạn;
d) Không nộp đầy đủ phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số trong 12 tháng;
đ) Không khắc phục được các điều kiện tạm đình chỉ quy định tại khoản 1 Điều 17 sau thời hạn tạm dừng ấn định bởi cơ quan nhà nước;
e) Doanh nghiệp không muốn tiếp tục cung cấp dịch vụ.
2. Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng bị thu hồi giấy phép có trách nhiệm thỏa thuận để bàn giao các cơ sở dữ liệu, hồ sơ có liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ và đảm bảo quyền lợi sử dụng dịch vụ của các thuê bao cho tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng khác đang hoạt động trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo bị thu hồi giấy phép.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông giám sát và hướng dẫn việc bàn giao giữa các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số để đảm bảo việc sử dụng dịch vụ không bị gián đoạn của các thuê bao.
Trong trường hợp không thỏa thuận được với các tổ chức khác về việc bàn giao các cơ sở dữ liệu, hồ sơ có liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ và đảm bảo việc sử dụng dịch vụ của các thuê bao, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ định một hoặc một số tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng thực hiện điều này. Tổ chức tiếp nhận thực hiện tiếp quyền và nghĩa vụ đối với các thuê bao và người nhận theo hợp đồng đã ký giữa thuê bao và tổ chức bị thu hồi giấy phép.
4. Chi phí tiếp nhận, duy trì cơ sở dữ liệu, hồ sơ liên quan và đảm bảo việc sử dụng dịch vụ của thuê bao được lấy từ tiền ký quỹ tại ngân hàng của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số bị thu hồi giấy phép.
5. Sau thời hạn 03 năm kể từ ngày bị thu hồi giấy phép trừ việc thu hồi quy định tại điểm c khoản 1 Điều này, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng được quyền đề nghị cấp lại giấy phép. Điều kiện và thủ tục cấp lại thực hiện theo các quy định như trường hợp cấp mới.