Ngày 8/9/2023, tại Hà Nam, UBND tỉnh Hà Nam đã có buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) bàn giải pháp phối hợp công tác đầu tư xây dựng các dự án, công trình điện trên địa bàn tỉnh Hà Nam.
Đảm bảo cung cấp đủ điện cho tỉnh Hà Nam
Hiện tại, tỉnh Hà Nam được cấp điện từ TBA 220kV Phủ Lý (2x250MVA), Thanh Nghị (2x250MVA) và các đường dây 110kV liên kết với lưới điện các tỉnh Ninh Bình, Nam Định và Hưng Yên. Mức mang tải của các TBA 220kV trên địa bàn tỉnh Hà Nam khoảng (70-75)%.
Tỉnh Hà Nam có tốc độ tăng trưởng phụ tải trung bình của miền Bắc, sản lượng điện thương phẩm năm 2023 dự kiến đạt 3,98 tỷ kWh, tăng 4,33% so với năm 2022. Luỹ kế 8 tháng đầu năm 2023, điện thương phẩm đạt khoảng 2,6 tỷ kWh, tăng 2,82% so với cùng kỳ, trong đó tỷ trọng cấp điện cho công nghiệp-xây dựng chiếm 80%.
Toàn cảnh buổi làm việc giữa UBND tỉnh Hà Nam với EVN và các đơn vị trực thuộc
Trong những năm vừa qua, EVN đã đảm bảo cung cấp điện cho các phụ tải trên địa bàn tỉnh Hà Nam, trong đó có phụ tải tại các KCN Châu Sơn, Thanh Liêm, Đồng Văn 1,2; Đồng Văn 3, Đồng Văn 4, Hòa Mạc, Thái Hà…, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo dự thảo Quy hoạch tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Hà Nam dự kiến có thêm 14 khu công nghiệp và mở rộng 13 cụm công nghiệp. Theo đó, nhu cầu công suất và sản lượng điện của phụ tải của tỉnh Hà Nam đến 2025 dự kiến tăng cao.
Với phụ tải đăng ký thêm thì 2 TBA 220kV hiện có không đủ năng lực để cấp điện, cần phải đưa vào vận hành các TBA 220kV Đồng Văn, Lý Nhân và các đường dây 220kV-110kV đấu nối.
Để đảm bảo cung cấp điện cho phát triển phụ tải trên địa bàn tỉnh Hà Nam, EVNNPT và EVNNPC đang thực hiện đầu tư các dự án lưới điện 500-220-110kV trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, EVNNPT đang triển khai công tác đầu tư xây dựng các công trình lưới điện truyền tải trên địa bàn tỉnh Hà Nam như sau: Đường dây 500/220kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín (phấn đấu hoàn thành trong năm 2023); Đường dây 220kV Thái Bình - Thanh Nghị (dự kiến khởi công quí III/2026, đóng điện Quí IV/2027); Trạm biến áp 220kV Lý Nhân và đường dây đấu nối (dự kiến khởi công quý I/2025 và hoàn thành đóng điện quý II/2026).
Lưới điện phân phối 110kV, EVNNPC đã và đang đầu tư 24 dự án lưới điện 110kV trong đó đã hoàn thành 10 dự án và đang triển khai 14 dự án.
Ông Trương Quốc Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam phát biểu tại buổi làm việc
Nhiều vướng mắc khi triển khai các dự án
Trong quá trình triển khai thực hiện công tác đầu tư xây dựng các dự án tại Hà Nam, EVN và các đơn vị thành viên gặp phải các khó khăn, vướng mắc như: Các dự án nguồn, lưới truyền tải mới trong Quy hoạch điện VIII chưa có cơ sở triển khai do chưa có Kế hoạch thực hiện và chưa được giao nhà đầu tư.
Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được thẩm định, trong đó, tại dự thảo Quyết định phê duyệt đã có danh mục các công trình lưới điện (bao gồm quy mô và tiến độ cho các giai đoạn 2021-2030 và 2031-2050). Tuy nhiên, để có cơ sở triển khai các bước đầu tư tiếp theo, cần bổ sung sơ đồ nguyên lý mạng lưới điện và nêu rõ phương án đấu nối các nhánh rẽ vào các TBA 110kV trên địa bàn tỉnh (dự thảo quyết định chưa nêu rõ nhánh rẽ đấu nối vào ĐD nào).
Về chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư thực hiện dự án: Theo Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, với các dự án đầu tư xây dựng các công trình lưới điện mà có đề nghị Nhà nước giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu thì đều phải trình chủ trương đầu tư lên UBND cấp tỉnh (với các dự án trên địa bàn 01 tỉnh) hoặc Thủ tướng Chính phủ (với các dự án trên địa bàn từ 02 tỉnh trở lên). Trong quá trình Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, một trong các điều kiện hồ sơ được thông qua là dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư theo quy định tại Luật số 61.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai, EVN và các đơn vị cũng gặp một số vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư như đánh giá tác động môi trường, thỏa thuận hướng tuyến, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, bồi thường giải phóng mặt bằng… ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ các công trình, cần có sự hỗ trợ rất lớn từ UBND tỉnh, các sở ban ngành, UBND các huyện để có thể đảm bảo được tiến độ yêu cầu.
Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương phát biểu tại buổi làm việc
Để thực hiện được chương trình đầu tư các dự án điện theo quy hoạch được duyệt, hoàn thành nhiệm vụ cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, Phó Tổng giám đốc EVN Phạm Hồng Phương đề nghị UBND tỉnh Hà Nam tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ EVN và các đơn vị thành viên trong công tác đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch.
Đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Công Thương, các đơn vị của EVN trong công tác lập, trình, thẩm định Quy hoạch tỉnh và xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Hà Nam (trong đó có danh mục các dự án điện, kế hoạch sử dụng đất,...) trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để có căn cứ thực hiện, trong đó đề xuất các có cơ chế để thuận tiện trong quá trình triển khai, hạn chế phải điều chỉnh quy hoạch.
Hỗ trợ EVNNPT, EVNNPC trong công tác chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư đối với các dự án lưới điện theo quy định của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14. Chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện tạo điều kiện và hỗ trợ EVNNPT/EVNNPC trong công tác thỏa thuận hướng tuyến đường dây và vị trí TBA, bồi thường GPMB theo mục tiêu tiến độ yêu cầu, đảm bảo đủ quỹ đất cho các công trình điện để thực hiện đầu tư theo quy hoạch được duyệt.
Đối với các dự án lưới điện truyền tải, ông Nguyễn Ngọc Tân - Thành viên HĐTV EVNNPT đề nghị UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo các sở, ngành, địa phương cập nhật hướng tuyến điều chỉnh Đường dây 500/220kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín để không chồng lấn dự án trong quá trình thực hiện. Sau khi đơn vị tư vấn trình hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng đến Sở NN&PTNT, đề nghị Sở xem xét sớm báo cáo UBND tỉnh và Bộ NN&PTNT thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
Đối với Đường dây 220kV Thái Bình - Thanh Nghị đề nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp, hỗ trợ EVNNPT, đơn vị tư vấn sớm thỏa thuận điều chỉnh hướng tuyến để có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.
Đối với Trạm biến áp 220kV Lý Nhân và đường dây đấu nối đề nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo các sở, ngành, địa phương sớm thỏa thuận điều chỉnh hướng tuyến của ĐD 220kV Thanh Nghị - Thái Bình nên ĐD 220kV đấu nối TBA 220kV Lý Nhân để có cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.
Ông Nguyễn Ngọc Tân - Thành viên HĐTV EVNNPT phát biểu và nêu kiến nghị tại buổi làm việc
Các sở, ngành địa phương phải coi triển khai dự án điện là trách nhiệm của tỉnh
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, ông Trương Quốc Huy - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam ghi nhận và cảm ơn những nỗ lực của EVN và các đơn vị trong thời gian qua đã đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hà Nam. Tỉnh Hà Nam có được thành công như hiện nay có sự đóng góp to lớn của ngành Điện và trong thời gian tới rất mong ngành Điện tiếp tục quan tâm, đầu tư cho tỉnh Hà Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu các sở, ngành, địa phương trong tỉnh phải coi phát triển hạ tầng điện là nhiệm vụ trọng điểm, phải coi đó là công việc và trách nhiệm của địa phương chứ không phải việc của riêng ngành Điện.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu Sở KH&ĐT phối hợp với các đơn vị thành viên EVN nghiên cứu đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến dự án điện, đồng thời mong muốn EVN và các đơn vị chia sẻ kinh nghiệm những cách làm hay, hiệu quả từ các địa phương khác để tỉnh Hà Nam học hỏi nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tư xây dựng các dự án điện trên địa bàn tỉnh.
Đối với các dự án điện, các Sở ngành liên quan trong tỉnh đưa vào quy trình kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất để đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Riêng đối với dự án Đường dây 500/220kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tính, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu EVNNPT phối hợp chặt chẽ với các sở ngành địa phương trong tỉnh, đơn vị tư vấn khảo sát kỹ càng từng vị trí điều chỉnh để sớm hoàn thành dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nâm yêu cầu Sở Công Thương, Văn phòng UBND tỉnh là đầu mối để phối hợp với đơn vị ngành Điện báo cáo sớm những khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh các dự án điện.
Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam cũng đề nghị EVN và các đơn vị khẩn trương cùng đơn vị tư vấn lên hướng tuyến, vị trí để xây dựng trạm biến áp, đường dây. Rà soát các hạng mục dự án điện từ nay đến 2027 thì phải chi tiết trong bản đồ quy hoạch của tỉnh nên sẽ có nhiều thuận lợi khi triển khai và đề nghị EVN phối hợp chặt chẽ. Lãnh đạo tỉnh Hà Nam mong ngành Điện tiếp tục ủng hộ tỉnh Hà Nam để đẩy mạnh quá trình CNH-HĐH của tỉnh.