Hà Nội cấm xe máy xăng từ vành đai 1: Mỗi lần ra phố phải đi hai xe?
Lộ trình cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại Hà Nội đang được đẩy nhanh, bắt đầu từ khu vực trong vành đai 1 từ tháng 7/2026. Tuy nhiên, quy định này cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi về hạ tầng, phương tiện thay thế và sinh kế của người dân.
![]() Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ban hành chỉ thị về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ... |
![]() |
Phần lớn người dân sử dụng xe máy chạy xăng. |
Hà Nội đang tiến những bước đầu tiên để thực hiện lộ trình cấm xe máy xăng tại nội đô theo tinh thần của Chỉ thị 20/CT-TTg, trong đó nhấn mạnh việc "xanh hóa" giao thông đô thị bằng cách loại bỏ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Cụ thể, từ ngày 1/7/2026, xe mô tô, xe gắn máy chạy xăng sẽ bị cấm lưu thông trong khu vực vành đai 1. Đến năm 2030, phạm vi cấm sẽ mở rộng tới vành đai 3.
"Cấm xe xăng, nhưng gửi xe ở đâu?"
Dù mục tiêu rõ ràng là nhằm giảm ô nhiễm môi trường và xây dựng một thành phố hiện đại, văn minh, chính sách này đang khiến không ít người dân và chuyên gia băn khoăn về khả năng thực thi và tác động tới đời sống thường nhật.
Ông Nguyễn Hồng Minh - Tổng Thư ký Hiệp hội vận tải TP. Hà Nội - lo ngại, việc chỉ cấm xe máy xăng trong phạm vi vành đai 1 có thể tạo ra sự xung đột về phương tiện. “Người dân sống ở ngoài khu vực này sẽ phải di chuyển bằng xe xăng đến gần vành đai 1, rồi gửi xe để đi tiếp bằng xe điện hoặc phương tiện công cộng. Vấn đề là: Hà Nội đã chuẩn bị bãi đỗ xe đủ rộng và thuận tiện ở rìa vành đai 1 chưa?” – ông Minh đặt vấn đề.
Câu hỏi của ông Minh phản ánh một thực tế: nếu thiếu sự đồng bộ về hạ tầng, người dân sẽ phải “đi hai xe” mỗi lần vào nội đô, điều gây bất tiện, tốn kém và có thể làm giảm hiệu quả chính sách.
Tác động tới sinh kế người dân
Không chỉ vấn đề hạ tầng, bài toán kinh tế cũng là rào cản lớn trong việc hiện thực hóa kế hoạch cấm xe máy xăng.
Ông Trần Văn Thái, cư dân quận Hà Đông, chia sẻ: gia đình ông sống bằng nghề buôn bán rau, mỗi ngày đều phải vào các chợ dân sinh trong vành đai 1 bằng xe máy chở hàng. “Xe điện vừa đắt, vừa không chở được nhiều. Nếu cấm xe xăng mà không hỗ trợ đổi xe, chúng tôi không biết lấy gì mưu sinh”, ông nói.
Tình trạng này không phải hiếm, khi mà tại Hà Nội hiện nay còn hàng vạn hộ dân sống dựa vào xe máy để làm nghề giao hàng, bán hàng rong, thu mua ve chai, thậm chí là chạy xe ôm.
Cũng theo người dân, việc phải sắm hai chiếc xe điện bây giờ khá đắt đỏ, theo bảng giá xe điện VinFast 07/2025 thì trung bình một chiếc VinFast Feliz Neo cũng xấp xỉ 1000 USD. Vậy mà giờ phải sắm bù hai chiếc cho gia đình lên tới hơn 2000 USD, và cũng chỉ từ giá này thì chiếc xe ít nhất mới đảm bảo vận hành chở thêm chút hàng hóa có trọng lượng tương đối một chút.
Cập nhật giá bán mới nhất khi mua xe máy điện VinFast 07/2025
Tên xe máy điện | Giá thành (VNĐ) |
VinFast Motio | 12.000.000Đ |
VinFast Evo Lite Neo | 14.400.000Đ |
VinFast Evo Neo | 17.800.000Đ |
VinFast Feliz Neo | 22.400.000Đ |
VinFast Drgnfly | 29.690.000đ |
VinFast Klara Neo | 28.800.000Đ |
VinFast Vento Neo | 32.000.000Đ |
VinFast Theon S | 56.900.000Đ |
Hà Nội đã sẵn sàng?
Theo PGS.TS. Bùi Thị An – nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, việc loại bỏ xe máy xăng là một xu thế không thể đảo ngược. Tuy nhiên, để thành công, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về kỹ thuật, kinh tế và xã hội. “Không thể để người dân bị bỏ lại phía sau trong cuộc chuyển đổi này,” bà nhấn mạnh.
Thực tế, từ năm 2017, Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 04, đặt mục tiêu dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành vào năm 2030. Dù vậy, tiến độ xây dựng các bãi đỗ xe, phát triển xe buýt công cộng, hệ thống metro hay hỗ trợ đổi xe vẫn còn chậm.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố đang nghiên cứu các chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện, đầu tư thêm trạm sạc, nâng tiêu chuẩn an toàn và mở rộng mạng lưới vận tải công cộng.
Tuy nhiên, những chính sách này cần phải cụ thể, rõ ràng và có lộ trình minh bạch để người dân tin tưởng và chủ động chuyển đổi.
Từ chủ trương đến thực tiễn: Vẫn còn khoảng cách
Chuyển đổi xanh trong giao thông là điều cần thiết, đặc biệt tại một thành phố thường xuyên đứng top ô nhiễm như Hà Nội. Nhưng để chính sách phát huy hiệu quả mà không gây “sốc” cho người dân, cần sự chuẩn bị kỹ càng và đồng bộ.
Nếu không có giải pháp về bãi gửi xe, giá xe điện, sinh kế và giao thông công cộng, e rằng việc cấm xe máy xăng sẽ khiến người dân rơi vào cảnh “mỗi lần ra phố phải đi hai xe”, vừa bất tiện, vừa kém hiệu quả.
Thế Kiên