Đòn bẩy tài chính hiệu quả giúp người trẻ sở hữu nhà

09:20 | 27/06/2025

Nhằm chia sẻ các giải pháp tài chính hiệu quả và định hướng chính sách hỗ trợ phù hợp giúp người trẻ mua được nhà, ngày 26/6, báo Thanh tra tổ chức hội thảo “Đòn bẩy tài chính hiệu quả - Người trẻ sở hữu nhà” tại Hà Nội.

'Ngày sở hữu nhà quốc gia 2025': Giới thiệu giải pháp sở hữu nhà ở cho mọi người Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị Vùng Thủ đô Thích ứng với áp lực tái cấu trúc hệ thống khu công nghiệp Việt Nam

Hội thảo quy tụ các chuyên gia tài chính, đại diện ngân hàng, đơn vị phát triển bất động sản và các nhà hoạch định chính sách nhằm mang đến góc nhìn toàn diện về khả năng tiếp cận nhà ở của thế hệ trẻ.

Cơ hội an cư cho người trẻ

Việt Nam đang bước vào giai đoạn đô thị hóa nhanh và cơ cấu dân số trẻ chiếm tỷ trọng lớn, vấn đề nhà ở cho người trẻ trở thành một chủ đề có ý nghĩa kinh tế - xã hội đặc biệt quan trọng.

Với quy mô dân số khoảng hơn 101 triệu dân, tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 45% và đến năm 2030 mục tiêu đạt trên 50%, như vậy dựa trên tăng trưởng dân số và mục tiêu đô thị hóa đến năm 2030, Việt Nam cần xây thêm khoảng 500.000 đơn vị nhà ở/năm tại các đô thị, không kể số nhà ở cần thay thế do xuống cấp.. Việc bảo đảm nguồn cung nhà ở đầy đủ và giá cả phù hợp cho thế hệ trẻ có ý nghĩa quyết định đối với mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm.

Đòn bẩy tài chính hiệu quả giúp người trẻ sở hữu nhà

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra gói tín dụng 120.000 tỷ đồng nhằm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và nhà ở thương mại giá phù hợp, mở ra cơ hội an cư rõ rệt hơn cho người trẻ Việt Nam.

Từ đầu năm 2025, Ngân hàng Nhà nước thông báo lãi suất gói vay còn 6,6% với chủ đầu tư và 6,1% với người mua nhà, nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng và tăng nguồn cung nhà ở dành cho người thu nhập thấp, đặc biệt là người trẻ.

Bên cạnh đó, còn có gói tín dụng ưu đãi dành cho người trẻ dưới 35 tuổi, mức lãi suất chỉ từ 5–6,5%/năm, được triển khai thông qua nhiều ngân hàng, đơn cử Agribank và các ngân hàng thương mại cổ phần khác.

Đây là bước tiến đáng kể trong nỗ lực giảm áp lực tài chính, hỗ trợ thế hệ trẻ hiện thực hóa ước mơ an cư. Tuy vậy, các chuyên gia cũng khuyến nghị cần kéo dài thời gian ưu đãi lãi suất để tạo động lực ổn định lâu dài.

Còn nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ

Theo Ls. Trương Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, bất động sản là một trong những "thước đo" cho sự phát triển KTXH, trong đó nhà ở xã hội phải là một trụ cột chứ không thể chỉ dừng lại ở khẩu hiệu.

a-tuan
Ls. Trương Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

“Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy phân khúc nhà ở xã hội vẫn gặp nhiều rào cản. Từ năm 2021 đến nay, cả nước mới chỉ có 679 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô khoảng 623.051 căn, đạt khoảng 48% mục tiêu đề ra đến năm 2025. Một trong những nguyên nhân lớn nhất là các địa phương chưa lồng ghép chỉ tiêu nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và 5 năm, cùng với đó là hàng loạt bất cập về cơ chế, chính sách chưa được tháo gỡ. Tuy nhiên, nhiều điểm nghẽn cản trở nhà ở xã hội phát triển”, Ls. Trương Anh Tuấn cho biết.

Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, điểm nghẽn đầu tiên là cơ chế ưu đãi chưa đủ lực hút. Cụ thể, việc quy định lợi nhuận 10% dành cho nhà đầu tư phát triển nhà ở xã hội là quá thấp trong bối cảnh chi phí đầu vào như nguyên vật liệu, nhân công liên tục biến động.

Ngoài ra, nhiều dự án bị chậm tiến độ do vướng mắc pháp lý, chưa được địa phương hỗ trợ về giải phóng mặt bằng hay đầu tư hạ tầng. Một số tỉnh thành chưa ban hành chính sách hỗ trợ nhà đầu tư như bố trí ngân sách cho bồi thường, tái định cư, hoặc hỗ trợ vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu.

a-hung
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng.

Phân tích những trở ngại khiến người trẻ khó mua được nhà, Ths. Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nhận định: “Nhà ở cho người trẻ là một bài toán vừa cấp bách trước mắt, vừa chiến lược lâu dài đối với sự phát triển của Việt Nam. Thực trạng phân tích cho thấy người trẻ nước ta có nhu cầu rất lớn về sở hữu nhà ở nhưng đang gặp nhiều trở ngại từ thu nhập, giá nhà đến cơ chế, thị trường”.

Theo Ths. Hà Quang Hưng, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhân văn nhằm hỗ trợ người dân nói chung và lớp trẻ nói riêng có chỗ ở ổn định – từ Chiến lược nhà ở quốc gia, các gói tín dụng ưu đãi, đến các đề án phát triển nhà ở xã hội quy mô lớn. Vấn đề mấu chốt hiện nay là triển khai hiệu quả và đồng bộ những chính sách đó, đồng thời liên tục cập nhật, hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn mới.

Nhìn chung, theo nhìn nhận của các chuyên gia tại hội thảo, cùng với các gói tín dụng quan trọng đang được triển khai, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng đang thúc đẩy các địa phương đẩy nhanh quy trình phê duyệt dự án nhà ở xã hội, rút ngắn thủ tục hành chính và mở rộng thêm danh mục dự án đủ điều kiện vay vốn. Đây là nỗ lực mang tính hệ thống, không chỉ tăng cung – giảm giá nhà, mà còn tạo điều kiện để người trẻ có thể vay vốn mua nhà với chi phí tài chính hợp lý và lãi suất ổn định.

La Giang

Đường dẫn bài viết: https://dientuungdung.vn/don-bay-tai-chinh-hieu-qua-giup-nguoi-tre-so-huu-nha-10002.html

In bài biết

Bản quyền thuộc Tạp chí Điện tử và Ứng dụng.