Ba chủ đề năng lượng nóng bỏng tại hội thảo OPEC 2025
Hội thảo OPEC 2025 đã thu hút hơn 1.000 lãnh đạo cấp cao, chuyên gia và nhà báo đến Vienna để bàn luận về tương lai ngành dầu khí với ba chủ đề nổi bật gồm Chuyển đổi xanh, Triển vọng dầu mỏ và Năng lực sản xuất
![]() |
Các bộ trưởng đại diện cho các nước OPEC, các đồng minh và người tiêu dùng chính của họ đã tham gia cùng các giám đốc điều hành ngành dầu khí, các nhà hoạch định chính sách, nhà phân tích và báo chí. Ảnh: Getty. |
Ba chủ đề năng lượng được bàn luận sôi nổi tại hội thảo OPEC 2025
Chuyển đổi xanh, triển vọng dầu mỏ và năng lực sản xuất là ba trọng tâm chính tại hội thảo năng lượng lớn nhất hành tinh của OPEC, trong bối cảnh thế giới đứng trước những ngã rẽ đầy mâu thuẫn giữa bảo vệ khí hậu và đảm bảo an ninh năng lượng.
Hơn 1.000 bộ trưởng năng lượng, giám đốc điều hành, chuyên gia phân tích và nhà báo đã quy tụ tại Vienna để tham dự hội thảo hai năm một lần của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Đây là diễn đàn thảo luận các xu hướng lớn đang tái định hình thị trường năng lượng toàn cầu, từ tham vọng giảm phát thải cho tới nhu cầu tăng cao về dầu mỏ và thách thức đầu tư.
![]() |
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Getty. |
Chuyển đổi xanh: OPEC chọn “lối đi kép”
Chuyển đổi năng lượng tiếp tục là một trong những vấn đề được tranh luận gay gắt tại hội thảo năm nay. Nhiều bộ trưởng từ các nước OPEC một lần nữa khẳng định lập trường "song hành" – vừa thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, vừa tiếp tục đầu tư vào dầu khí để đảm bảo nguồn cung ổn định.
“Dầu khí sẽ vẫn là yếu tố thiết yếu, đặc biệt là trong giao thông vận tải, công nghiệp nặng và phát triển các nền kinh tế mới nổi”, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, phát biểu. Ông cũng nhấn mạnh việc nhiều quốc gia đang “đánh giá lại tiến độ và điều chỉnh chính sách” liên quan đến chuyển đổi xanh là dấu hiệu của một tư duy thực tế hơn.
Tổng thư ký OPEC Haitham al-Ghais thì thẳng thắn: “Thật vô lý khi thế giới không đầu tư vào tất cả các nguồn năng lượng. Chúng ta sẽ cần công nghệ để xử lý và giảm thiểu khí thải.”
Tuy nhiên, không ít ý kiến phê phán rằng cách tiếp cận này có thể là một hình thức “tẩy xanh”, nhất là khi UAE, một thành viên OPEC đã đăng cai Hội nghị COP28 của Liên Hợp Quốc. Giới quan sát cho rằng đây có thể là nỗ lực bảo vệ lợi ích của các quốc gia Trung Đông phụ thuộc lớn vào dầu mỏ.
Trong khi đó, lập trường của các cường quốc cũng đang thay đổi. Nếu như chính quyền Joe Biden từng chỉ trích OPEC+ vì thiếu hành động khí hậu, thì Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ hai lại ủng hộ mạnh mẽ “giải phóng năng lượng Mỹ” và kêu gọi tăng sản lượng dầu trong nước.
![]() |
Các chủ đề chính được thảo luận bao gồm quá trình chuyển đổi năng lượng, báo cáo Triển vọng dầu mỏ thế giới của OPEC và năng lực sản xuất dầu thô. Ảnh: Getty. |
Triển vọng dầu mỏ: Nhu cầu chưa hề suy giảm
Trong báo cáo "Triển vọng Dầu mỏ Thế giới 2050" công bố tại hội thảo, OPEC dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng thêm 18,2 triệu thùng dầu quy đổi mỗi ngày từ nay đến năm 2050. Các khu vực được xác định là động lực tăng trưởng gồm Ấn Độ, Trung Đông và châu Phi.
Bất chấp kỳ vọng dài hạn đó, bối cảnh ngắn hạn cũng rất được quan tâm. Ngày 5/7, tám thành viên chủ chốt của OPEC+ – bao gồm Ả Rập Xê Út, Nga, Iraq, UAE và các nước khác – đã đồng thuận tăng sản lượng thêm 548.000 thùng mỗi ngày vào tháng 8, viện dẫn tồn kho dầu thấp và triển vọng kinh tế toàn cầu ổn định.
“Thị trường sâu sắc hơn những gì người ta nhận thấy,” Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail al-Mazrouei nhận định. Ông khẳng định không lo ngại về nguy cơ dư cung, vì “ngay cả khi sản lượng tăng… lượng tồn kho không tăng đáng kể. Điều đó có nghĩa là thị trường cần những thùng dầu đó”.
Từ phía các nước tiêu thụ, Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Hardeep Singh Puri kêu gọi cần duy trì giá dầu ở mức ổn định và dễ dự đoán, nhằm bảo vệ người tiêu dùng toàn cầu và khuyến khích đầu tư vào ngành.
Năng lực sản xuất: Hụt hơi vì thiếu đầu tư
Một trong những cảnh báo đáng chú ý nhất tại hội thảo là về sự sụt giảm công suất dự phòng trong ngành dầu khí toàn cầu. OPEC ước tính cần đến 18.200 tỷ USD đầu tư từ nay đến năm 2050 để duy trì nguồn cung ổn định, bù đắp cho sự suy giảm tự nhiên ở các mỏ dầu hiện hữu.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đầu tư toàn cầu vào dầu mỏ dự kiến giảm 6% trong năm 2025 – mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2016. Đầu tư vào các nhà máy lọc dầu cũng được dự báo xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ.
Bộ trưởng Năng lượng Azerbaijan Parviz Shahbazov nhấn mạnh: “Với nhu cầu tăng cao, cần có hành động đầu tư phù hợp. Khoản đầu tư này nên được thực hiện ngay hôm nay.”
Ông al-Mazrouei của UAE thì cảnh báo: “Năng lực dự phòng của thế giới đang giảm dần qua từng năm. Nhiều quốc gia không còn khả năng sản xuất bằng mức của năm trước.”
Điều này không chỉ làm giảm tính linh hoạt của thị trường, mà còn tạo ra căng thẳng trong nội bộ OPEC+ về quyền hạn ngạch, khi các quốc gia có công suất cao hơn như UAE, Iraq hay Kazakhstan tìm cách gia tăng ảnh hưởng.
Thế Kiên