Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị Vùng Thủ đô

15:27 | 16/05/2025

Sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng giao thông và công nghiệp hóa chính là hai lực đẩy làm thay đổi cục diện đầu tư bất động sản (BĐS) tại các đô thị Vùng Thủ đô.

Bất động sản Hà Nội, nhiều động lực khôi phục niềm tin của người mua nhà Bất động sản Hà Nội, nhiều động lực khôi phục niềm tin của người mua nhà
Những vấn đề đặt ra và giải pháp phát triển bền vững thị trường bất động sản Việt Nam Những vấn đề đặt ra và giải pháp phát triển bền vững thị trường bất động sản Việt Nam
Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị Vùng Thủ đô 'Chuyển đổi xanh cho thị trường bất động sản Việt Nam giai đoạn 2025 - 2027'

Chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính đang được gấp rút triển khai không chỉ là cuộc cải cách thông thường mà là bước đi chiến lược nhằm hướng tới mục tiêu tạo ra không gian phát triển mới; tăng cường hiệu năng, hiệu lực bộ máy để các địa phương tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới. Quá trình đó sẽ đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa; theo đó, thị trường BĐS được dự báo sẽ có sự chuyển mình mạnh mẽ.

Để có cái nhìn toàn diện và sâu sắc về vấn đề này, ngày 15/5 tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội thảo "Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị Vùng Thủ đô".

Tiềm năng thị trường bất động sản Vùng Thủ đô

Vùng Thủ đô là khu vực liên kết phát triển kinh tế - xã hội gồm thành phố Hà Nội và các tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên. Vùng Thủ đô được định hướng phát triển thành Vùng có tầm quan trọng quốc gia, là đô thị hạt nhân - trung tâm chính trị, văn hóa - lịch sử, khoa học, giáo dục - đào tạo và du lịch lớn của cả nước; phát triển năng động, có nền kinh tế thịnh vượng và đổi mới; có chất lượng đô thị và nông thôn cao, môi trường sống tốt cho cộng đồng; có hệ thống giao thông thuận lợi và kết nối tốt; có môi trường cảnh quan chất lượng cao, hòa vào thiên nhiên Đồng bằng sông Hồng và Trung du và miền núi phía Bắc; sáng tạo và đặc thù, có đặc trưng riêng và giàu bản sắc.

Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị Vùng Thủ đô
PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường).

Luật Thủ đô 2024 đã quy định về mục tiêu, nguyên tắc liên kết, phát triển vùng của Vùng Thủ đô, không chỉ giới hạn trong phạm vi 10 tỉnh, thành phố như hiện nay mà còn bao hàm cả việc liên kết, phát triển với các địa phương khác trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng trung du miền núi phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác.

Do vậy, quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội không thể chỉ nhìn Hà Nội như một trung tâm đơn lẻ mà cần đặt trong tổng thể liên kết vùng với các tỉnh lân cận. Đây là động lực để hình thành mạng lưới đô thị đa cực, chia sẻ áp lực dân số, nhà ở, giao thông cho Thủ đô.

Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị Vùng Thủ đô
KTS Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam.

Theo KTS Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, từ năm 2008 khi mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, rồi tiếp đến là Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô năm 2011, định hướng phát triển đô thị vùng Thủ đô đã được đặt nền móng với các hành lang kinh tế trọng điểm như: trục Nhật Tân - Nội Bài, trục đường vành đai 4, đường sắt đô thị và các tuyến cao tốc kết nối liên tỉnh. Đặc biệt, vùng Thủ đô mới vừa được Chính phủ phê duyệt quy hoạch gồm 10 tỉnh, thành phố, trong đó Hà Nội đóng vai trò trung tâm, mở ra không gian phát triển rộng tới gần 25.000 km² và dân số hơn 22 triệu người vào năm 2050.

Thực tế tại nhiều địa phương vùng Thủ đô cho thấy sức hút đầu tư bất động sản đang chuyển dịch rõ rệt. Hạ tầng giao thông được đẩy mạnh đầu tư, như tuyến Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đang giải phóng mặt bằng, dự kiến hoàn thành vào năm 2027, sẽ tạo hành lang phát triển mới, nối từ Hưng Yên - Hà Nội - Bắc Ninh - Vĩnh Phúc. Song song đó, các tuyến cao tốc như Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lạng Sơn, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội… đều góp phần thu hẹp thời gian di chuyển, giảm lệ thuộc vào nội đô.

Xu hướng phát triển đô thị thông minh, bền vững

Việc quy hoạch và phát triển đô thị Vùng Thủ đô không thể nằm ngoài xu hướng phát triển đô thị thông minh và bền vững. Hà Nội đang tiên phong áp dụng mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng) nhằm tận dụng hiệu quả quỹ đất quanh các tuyến metro, xe buýt nhanh.

Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị Vùng Thủ đô
Hội thảo: "Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị Vùng Thủ đô" doTạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức.

Theo PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), để khai thác được và tạo ra một Vùng Thủ đô xanh, sạch, đẹp, các nước trên thế giới đã quy hoạch và làm tốt mô hình TOD. Nguyên tắc quy hoạch trên thế giới là phải tiếp cận theo thị trường, có nghĩa là tiếp cận theo quy hoạch đô thị và quy hoạch đô thị vệ tinh.

“Vì vậy, tôi hy vọng thời gian tới, chúng sẽ làm tốt quy hoạch đô thị và đô thị vệ tinh theo mô hình kết nối giao thông - TOD. Nếu như chúng ta khai thác được yếu tố này thì khả năng chuyển dịch GDP lên 8% trở lên là có thể đạt được. Các nỗ lực của chúng ta hiện tại nếu chỉ dựa vào đầu tư công thì cũng sẽ bị giới hạn, không đáp ứng được mục tiêu tăng trưởng GDP đặt ra”, PGS. TS. Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh.

Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị Vùng Thủ đô
TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, việc quy hoạch lại vùng và sáp nhập đơn vị hành chính mở ra cơ hội đồng bộ hóa không gian phát triển, rút ngắn quá trình tiếp cận các khu chức năng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư mạnh mẽ hơn vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

“Đáng chú ý, sự quyết liệt từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng hàng loạt nghị quyết, chính sách cải cách thể hiện tư duy đổi mới, khí thế hành động đang lan tỏa mạnh mẽ trong đó, người dân là điểm tựa và cũng là động lực quan trọng cho tiến trình chuyển đổi này. Đặc biệt, thời gian qua, các chính sách xã hội, nhất là về nhà ở xã hội đã được chú trọng hơn bao giờ hết. Lần đầu tiên, hệ thống pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản và quy hoạch đô thị được sửa đổi một cách đồng bộ, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho thị trường phát triển minh bạch, ổn định”, TS. Nguyễn Văn Khôi khẳng định.

La Giang

Đường dẫn bài viết: https://dientuungdung.vn/trien-vong-dau-tu-bat-dong-san-tai-cac-do-thi-vung-thu-do-9247.html

In bài biết

Bản quyền thuộc Tạp chí Điện tử và Ứng dụng.