Siết chặt quản lý sàn TMĐT: Giải pháp toàn diện bảo vệ người tiêu dùng và thị trường
"Sàn thương mại điện tử (TMĐT) cần chuyển vai trò từ 'người vận hành nền tảng' sang 'người đồng hành bảo vệ người tiêu dùng'".
![]() |
Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bắc Giang làm việc với Nguyễn Văn Khánh. |
Hàng giả len lỏi trên sàn thương mại điện tử
Trong thời đại số hóa mạnh mẽ, thương mại điện tử (TMĐT) đã trở thành kênh mua sắm phổ biến với hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích vượt trội, tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên các sàn TMĐT đang đặt ra nhiều lo ngại. Trách nhiệm của các sàn trong việc kiểm soát chất lượng hàng hóa được bày bán đang là vấn đề gây tranh cãi và cần được làm rõ.
Chỉ với vài cú nhấp chuột, người tiêu dùng có thể tìm thấy vô số sản phẩm "thời thượng" với mức giá rẻ giật mình trên các sàn như Shopee, Lazada, Tiki hay TikTok Shop. Tuy nhiên, không ít trong số đó là hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Theo phản ánh từ người dùng, nhiều sản phẩm được quảng cáo là chính hãng nhưng khi nhận lại là hàng giả, hàng "made in China" không rõ nguồn gốc.
![]() |
|
Mới đây, Công an tỉnh Bắc Giang vừa triệt phá một cơ sở sản xuất, buôn bán số lượng lớn mỹ phẩm giả tại huyện Lạng Giang, Bắc Giang, điều đáng nói, cơ sở này cũng bán hàng chủ yếu qua TikTok, Shopee và thu lời hàng tỷ đồng. Trước đó, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bắc Giang đã phát hiện các tài khoản Shopee "Bn Store 2024", "Bibo Comesticc", "Nhungnguyen010798", "Vliwwfo6-r" và các tài khoản Tiktok "Sare Comesticc", "Coca Beauty" có hoạt động quảng cáo, rao bán các loại mỹ phẩm như khử mùi cơ thể, serum trị mụn, trắng da… nghi sản xuất giả.
Vai trò, trách nhiệm của sàn TMĐT và cơ quan quản lý
Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc, Công ty Luật TNHH TGS (Thuộc Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội), trong thời gian gần đây, hàng loạt vụ sản xuất và buôn bán hàng giả với quy mô lớn bị lực lượng chức năng triệt phá đã khiến dư luận không khỏi lo ngại. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm giả - từ mỹ phẩm, thực phẩm chức năng đến thuốc chữa bệnh - được tiêu thụ dễ dàng qua các nền tảng thương mại điện tử như TikTok Shop, Shopee.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết: "Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024), các sàn TMĐT có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và xử lý thông tin về hàng hóa được phân phối trên nền tảng. Đồng thời, theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Nghị định 85/2021/NĐ-CP, sàn TMĐT phải có cơ chế phát hiện, ngăn chặn hàng giả, và chịu trách nhiệm liên đới nếu để hàng hóa vi phạm lưu hành."
![]() |
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc, Công ty Luật TNHH TGS (Thuộc Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội). |
Chống hàng giả trên môi trường số
Ngày 29/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTg phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Đề án đưa ra 6 nhóm giải pháp quan trọng bao gồm: hoàn thiện quy định pháp lý về TMĐT và bảo vệ người tiêu dùng; xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung; phát triển hạ tầng đảm bảo an ninh thông tin; nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ thực thi; tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về pháp luật TMĐT.
Mục tiêu của Đề án nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, ngành, người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng, tạo niềm tin trong giao dịch mua bán trực tuyến, đồng thời đảm bảo hoạt động TMĐT minh bạch, lành mạnh.
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, từ khi triển khai Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 4.000 vụ liên quan đến thương mại điện tử, xử phạt vi phạm hành chính gần 63 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm gần 40 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra 3 vụ.
![]() |
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh giới thiệu các đặc điểm nhận diện hàng hóa chính hãng và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ảnh: Baotintuc |
Tăng cường giám sát bằng công nghệ
Để ngăn chặn tình trạng hàng giả trên môi trường số, ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương) cho biết, các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái có nhiều thủ đoạn rất tinh vi. Nghị định 85 đã quy định về việc quản lý để thúc đẩy hạn chế hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên môi trường TMĐT, trong đó nhiều quy định buộc các sàn TMĐT phải có trách nhiệm nhiều hơn trong việc quản lý chủ thể xây dựng gian hàng.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng Phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số) bổ sung: "Để ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại và buôn bán hàng giả trên môi trường số, cần đẩy mạnh xây dựng hạ tầng công nghệ chuyển đổi số cho công tác quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung giữa các cơ quan chức năng để phối hợp hiệu quả."
Siết chặt xử lý vi phạm
Tình trạng vi phạm trên các sàn TMĐT ngày càng gia tăng cả về số lượng và tính chất phức tạp. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, số lượng vụ vi phạm về chất lượng hàng hóa trên sàn thương mại điện tử trong năm 2024 đã tăng tới 266% so với năm 2023, phản ánh tình trạng ngày càng phức tạp của vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên môi trường số.
Trước tình hình đó, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Tổ trưởng Tổ Công tác 334 Trần Hùng cho biết, phải siết chặt quản lý với các sàn bán hàng online và xác định rõ ràng trách nhiệm của chủ sàn giao dịch. Theo Nghị định 124/2015/NĐ-CP, chủ sàn giao dịch nếu cố tình vi phạm khi cho phép các hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng rao bán trên website sẽ bị phạt nặng với mức cao nhất lên tới 100 triệu đồng. Nếu tái phạm, sẽ đóng cửa sàn vĩnh viễn.
Bên cạnh đó, theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử sẽ bị xử phạt từ 10 - 100 triệu đồng nếu không đăng ký giấy phép sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của Nghị định 185/2013/NĐ-CP và Nghị định 98/2020/NĐ-CP.
Quản lý sàn TMĐT xuyên biên giới
Một vấn đề đáng chú ý hiện nay là sự gia tăng của các sàn TMĐT xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam. Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đã trả lời những vấn đề liên quan đến việc quản lý các sàn TMĐT xuyên biên giới như Temu, Shein. Ông khẳng định các sàn TMĐT hoạt động tại Việt Nam đều được cấp phép và quản lý thuế chặt chẽ.
Về phía quản lý thuế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết, lũy kế đến thời điểm hiện tại đã có 116 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký kê khai nộp thuế qua Cổng TTĐT dành cho nhà cung cấp nước ngoài với số thu lũy kế là 20.174 tỷ và tính riêng trong năm 2024 số thu này là 8.600 tỷ, tăng 25,7% so với bình quân của 10 tháng năm 2023.
Tiếp tục tăng cường quản lý, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế. Trong đó, quy định trách nhiệm của tổ chức là nhà quản lý các sàn TMĐT bao gồm các sàn TMĐT trong nước và nước ngoài có chức năng thanh toán phải khấu trừ, nộp thuế thay, khai nghĩa vụ thuế thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn.
Nâng cao trách nhiệm của các sàn TMĐT
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cho hay thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường sẽ hướng tới việc xây dựng đội ngũ chuyên trách về thương mại điện tử. Lực lượng này sẽ nâng cao trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội trong việc sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin và các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom) đưa ra giải pháp: "Để ngăn chặn nguy cơ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, cần khuyến khích thanh toán online khi mua hàng qua sàn TMĐT do các giao dịch này sẽ được chủ sàn TMĐT quản lý. Ngoài ra, phải tăng cường trách nhiệm của chủ sở hữu các sàn giao dịch TMĐT, thay vì buông lỏng như thời gian qua."
![]() |
ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Lâm Hiển |
Thúc đẩy chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội đã kiến nghị bổ sung quy định bắt buộc về chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước có liên quan trên nền tảng số dùng chung, cùng với chế tài trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ này. Ông cho rằng dự thảo Luật còn thiếu quy định về cơ chế bắt buộc chia sẻ dữ liệu quản lý giữa các bộ, ngành, địa phương và thiếu quy định xử lý trách nhiệm đối với cơ quan không kịp thời cảnh báo rủi ro về hàng hóa kém chất lượng, hàng giả.
Tổng cục Thuế đã chính thức vận hành Cổng thông tin TMĐT từ ngày 15/12/2022 để tiếp nhận thông tin từ các sàn giao dịch TMĐT. Tính đến ngày 6/2/2023 đã có 258 sàn giao dịch TMĐT cung cấp thông tin trên Cổng thông tin với thông tin chi tiết về 14.883 tổ chức và 53.212 cá nhân đăng ký bán hàng trên sàn giao dịch TMĐT.
Bài học từ kinh nghiệm quốc tế
Việc Việt Nam xây dựng tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ, cùng với cam kết cải thiện giám sát thương mại điện tử, là bước tiến quan trọng hướng đến một môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch hơn. Để các biện pháp này đi vào thực chất, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành, địa phương và sự tham gia tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp.
Các chuyên gia nhận định, ngoài việc siết chặt quản lý sàn TMĐT, người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình. Mục tiêu đặt ra là 100% người tiêu dùng được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền lợi của mình khi mua sắm trên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, 100% các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn ký cam kết không kinh doanh hàng giả; và 100% các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT lớn được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về thương mại điện tử.
Giải pháp tổng thể cho tương lai
Theo luật sư Nguyễn Văn Tuấn, để quản lý hiệu quả, các cơ quan nhà nước cần: "Tăng cường hậu kiểm định kỳ, kiểm tra đột xuất các sản phẩm đăng bán trên nền tảng; Ứng dụng công nghệ mã định danh, truy xuất QR, AI để phát hiện bất thường; Xây dựng cơ sở dữ liệu cảnh báo sớm về hàng hóa vi phạm, chia sẻ liên ngành."
Để bảo vệ người tiêu dùng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, cần xây dựng khung khổ pháp luật về cung cấp, lưu trữ, bảo mật các loại giấy tờ có liên quan trong giao dịch điện tử, cùng với các giấy tờ liên quan như giấy bảo đảm chất lượng, giấy chứng nhận sản phẩm.
"Trên không gian số, nếu không có rào chắn pháp lý đủ mạnh, hàng giả sẽ hoành hành và bào mòn niềm tin thị trường. Đã đến lúc sàn TMĐT cần chuyển vai trò từ 'người vận hành nền tảng' sang 'người đồng hành bảo vệ người tiêu dùng' - như một phần tất yếu của trách nhiệm pháp lý và đạo đức kinh doanh", luật sư Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh.
Có thể nói, việc siết chặt quản lý sàn thương mại điện tử trở thành nhiệm vụ cấp bách trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái tràn lan trên không gian số. Giải pháp cần mang tính tổng thể, từ hoàn thiện hành lang pháp lý, ứng dụng công nghệ số trong giám sát, xây dựng đội ngũ chuyên trách, đến tăng cường phối hợp liên ngành và trách nhiệm của các sàn TMĐT. Chỉ khi các giải pháp này được triển khai đồng bộ, quyền lợi người tiêu dùng mới thực sự được bảo vệ, niềm tin vào thương mại điện tử mới được củng cố, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số phát triển bền vững.
Hải Thủy