IPO tại Hồng Kông tăng bùng nổ
Sau nhiều năm ảm đạm, thị trường IPO tại Hồng Kông đang trở lại mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi làn sóng niêm yết từ các công ty Trung Quốc giữa bối cảnh dòng vốn đổ dồn về phía Nam, chính sách thuận lợi từ Bắc Kinh và nỗi lo hủy niêm yết khỏi thị trường Mỹ.
![]() |
Lễ niêm yết CATL tại Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông. Ảnh: Getty. |
IPO tăng tám lần, Hồng Kông trở lại đường đua toàn cầu
Theo dữ liệu từ Dealogic, trong nửa đầu năm 2025, tổng giá trị các thương vụ niêm yết tại Hồng Kông đã đạt khoảng 14 tỷ USD, tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2024. Đây là con số cao nhất kể từ năm 2021 và chưa tính đến các thương vụ SPAC.
Nếu đà này được duy trì, thành phố có thể vượt qua Nasdaq và Sở giao dịch chứng khoán New York để trở thành thị trường IPO sôi động nhất thế giới trong năm nay. PwC ước tính sẽ có tới 100 thương vụ IPO tại Hồng Kông với tổng giá trị vượt 25,5 tỷ USD.
Theo ông Steven Sun, trưởng bộ phận chiến lược cổ phiếu Trung Quốc tại HSBC, làn sóng niêm yết hiện tại là kết quả của nhiều yếu tố kết hợp: tốc độ phê duyệt IPO trong nước chậm lại, nỗi lo bị hủy niêm yết tại Mỹ, tính thanh khoản cao, cùng các chính sách điều tiết hỗ trợ từ Bắc Kinh.
Ông nói: “Ngày càng nhiều công ty sử dụng số tiền huy động để phục vụ chiến lược toàn cầu hóa. Việc niêm yết bằng đồng đô la Hồng Kông mang lại khả năng chuyển đổi cao hơn so với đồng nhân dân tệ".
Cổ phiếu Trung Quốc tăng mạnh từ tháng 9 năm ngoái nhờ kỳ vọng kích thích kinh tế, trong đó sự xuất hiện của mô hình AI DeepSeek đã tạo niềm tin vào khả năng đổi mới công nghệ nội địa. Điều này thúc đẩy định giá cổ phiếu, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các đợt IPO.
Theo bà Lorraine Tan, Giám đốc nghiên cứu tại Morningstar, các công ty hướng đến người tiêu dùng và ít bị ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị đang được các nhà đầu tư săn đón. Ngoài ra, việc Bắc Kinh “bật đèn xanh” cho phép các công ty niêm yết ở nước ngoài, kết hợp với việc HKEX mở “kênh doanh nghiệp công nghệ” vào tháng 5, càng đẩy mạnh xu hướng này.
Một yếu tố không thể bỏ qua là làn sóng đầu tư từ đại lục vào cổ phiếu Hồng Kông. Theo Wind Information, dòng vốn ròng qua kênh Stock Connect từ Trung Quốc sang Hồng Kông đã lập kỷ lục mới trong quý II.
Trong khi chỉ số CSI 300 hầu như không tăng trong năm nay, thì chỉ số Hang Seng đã tăng 21%, trở thành một trong những chỉ số có hiệu suất tốt nhất toàn cầu. Ông Sun ước tính nhà đầu tư đại lục hiện chiếm gần 50% giá trị giao dịch cổ phiếu hàng ngày tại Hồng Kông.
Xu hướng “niêm yết kép A-H” tiếp tục lan rộng. Điển hình là nhà sản xuất pin Contemporary Amperex Technology (CATL), đã huy động được hơn 5 tỷ USD trong đợt niêm yết thứ cấp tại Hồng Kông vào tháng 5 - thương vụ IPO lớn nhất thế giới tính đến nay trong năm 2025.
Trong số hơn 200 công ty đang chuẩn bị niêm yết trên HKEX, có hơn 40 công ty đã niêm yết tại sàn giao dịch Trung Quốc đại lục. Các cái tên lớn khác bao gồm chuỗi trà sữa Mixue, Guming Holding, và nền tảng gọi xe Caocao Inc.
Ông Eugene Hsiao từ Macquarie nhận định: “Nhu cầu huy động vốn bằng đô la Hồng Kông phản ánh xu hướng các công ty đại lục mở rộng ra toàn cầu, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trong nước và căng thẳng thương mại leo thang với Mỹ.”
Lo ngại bị hủy niêm yết khỏi sàn giao dịch Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã thúc đẩy nhiều công ty Trung Quốc tìm đến Hồng Kông như một “phương án dự phòng an toàn”.
Ông Perris Lee từ Dealogic cho rằng, chiến lược niêm yết kép giờ không chỉ là lựa chọn tăng trưởng, mà là một biện pháp phòng vệ trong bối cảnh bất ổn địa chính trị leo thang. “Các công ty Trung Quốc niêm yết ở Mỹ đã chuẩn bị kế hoạch B, và Hồng Kông là điểm đến tự nhiên nhất.”
Thế Kiên