Phát huy vai trò của trí thức khoa học công nghệ trong kỷ nguyên mới
Trong bối cảnh thế giới đang trải qua những biến động lớn và nhanh chóng, vai trò của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ ngày càng trở nên quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế là tổ chức nòng cốt trong việc tập hợp, đoàn kết và phát huy trí tuệ sáng tạo của đội ngũ tri thức Việt Nam.
Sáng 21/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo Đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính Trị, nhìn nhận những đóng góp cụ thể trong tiến trình phát triển đất nước, đồng thời kiến nghị các cơ chế, chính sách mới nhằm phát huy hiệu quả vai trò của đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với chuyển đổi số và hội nhập toàn cầu.
![]() |
PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu khai mạc. Ảnh: HC |
Thế giới hiện nay đang chứng kiến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ lượng tử và sinh học. Những tiến bộ công nghệ này đang tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội và tạo ra cả thời cơ lẫn thách thức cho các quốc gia.
![]() |
Trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới với những kỳ vọng lớn về phát triển nhanh và bền vững, việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ (KH&CN) trở thành một yêu cầu cấp thiết. Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Bộ Chính trị, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam – tổ chức đại diện cho lực lượng trí thức KH&CN trong và ngoài nước – đã và đang khẳng định vị trí nòng cốt trong việc kết nối tri thức, tham mưu chính sách và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Việt Nam, sau gần 40 năm đổi mới, đã nâng cao đáng kể cơ đồ, tiềm lực và vị thế quốc tế, hiện thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình cao. Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Tuy nhiên, đất nước vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Nguy cơ tụt hậu xa hơn về công nghệ, kinh tế và khả năng rơi vào "bẫy thu nhập trung bình" vẫn hiện hữu. Ba "điểm nghẽn" quan trọng nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, trong đó thể chế được xác định là "điểm nghẽn của điểm nghẽn".
![]() |
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: HC |
Trong bối cảnh đó, Liên hiệp Hội Việt Nam đảm nhận vai trò quan trọng trong việc tập hợp, đoàn kết và phát huy trí tuệ sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ (KH&CN) người Việt Nam ở trong và ngoài nước. Tổ chức này không chỉ chủ động tham mưu cho Đảng và Nhà nước những vấn đề lớn của đất nước, ngành, lĩnh vực và địa phương, mà còn đóng vai trò quan trọng trong phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, nghiên cứu, ứng dụng, phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia.
![]() |
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH&CN, ĐMST và CĐS quốc gia do Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp làm trưởng Ban chỉ đạo đã xác định phát triển KH&CN, ĐMST và CĐS là yếu tố quyết định phát triển quốc gia và là điều kiện tiên quyết để nước ta phát triển trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Liên hiệp Hội Việt Nam xác định rõ trí thức KH&CN sẽ là lực lượng đi đầu trong đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Họ sẽ trực tiếp triển khai nghiên cứu, ứng dụng, phát triển các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, chuyển giao công nghệ, đổi mới dây chuyền sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất lao động.
Mục tiêu tổng quát là xây dựng Liên hiệp Hội Việt Nam từ trung ương đến địa phương thành tổ chức nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết và phát huy trí tuệ sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN, chủ động tham mưu những vấn đề quan trọng của đất nước.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Liên hiệp Hội Việt Nam xác định một số nhiệm vụ và giải pháp then chốt như tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, đặc biệt là các nội dung liên quan đến phát triển KH&CN; đẩy mạnh công tác tập hợp, đoàn kết và vận động trí thức; tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan trung ương; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng đề xuất, tham mưu cho Đảng và Nhà nước về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước.
Tại Hội thảo, để phát huy tốt hơn nữa vai trò của đội ngũ trí thức KH&CN, Liên hiệp Hội Việt Nam đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị quan trọng:
Thứ nhất, kính đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị mới về Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trên cơ sở tổng kết 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW và sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 93-KL/TW.
Thứ hai, đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên phối hợp đặt hàng Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên, tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn khoa học về những vấn đề quan trọng của đất nước.
Thứ ba, nghiên cứu xây dựng và sớm thông qua Luật về các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ cùng với Luật Phổ biến kiến thức, Luật Kỹ sư hành nghề để bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động của Liên hiệp Hội.
Thứ tư, xác định rõ bản chất, cơ chế các nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao cho Liên hiệp Hội Việt Nam ở trung ương và địa phương, xây dựng quy định, cơ chế, chính sách cụ thể về mô hình tổ chức, công tác cán bộ và chế độ chính sách.
Trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc phát huy tối đa vai trò của đội ngũ trí thức KH&CN thông qua tổ chức nòng cốt là Liên hiệp Hội Việt Nam. Đây là lực lượng sẽ góp phần then chốt trong việc thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.