Bàn giải pháp chuyển đổi số toàn diện Liên hiệp Hội Việt Nam
Thực trạng chuyển đổi số của Liên hiệp Hội Việt Nam
Những năm qua, Liên hiệp Hội Việt Nam đã áp dụng một số công cụ công nghệ vào quản lý, như phần mềm kế toán, quản lý đảng viên và chữ ký số. Tuy nhiên, văn bản giấy vẫn chiếm phần lớn, chưa có phần mềm quản lý văn bản đồng bộ, dẫn đến nhiều khâu xử lý còn thủ công.
TS. Lê Công Lương, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban khoa học Công nghệ và Môi trường Liên hiệp Hội Việt Nam chia sẻ về thực trạng Chuyển đổi số tại Liên hiệp Hội. Ảnh: HC
Hệ thống máy tính của Liên hiệp Hội Việt Nam đã sử dụng nhiều năm, với tốc độ xử lý chậm và không đáp ứng được yêu cầu công việc hiện đại. Mạng LAN và Wifi, vốn được triển khai từ thập niên 2000, hiện xuống cấp, gây khó khăn cho các hoạt động trực tuyến.
Website chính thức ww.vusta.vn, dù thường xuyên cập nhật thông tin, vẫn chưa tối ưu về giao diện và chức năng, chưa phát huy được vai trò là kênh truyền thông chủ lực.
Hệ thống thiết bị họp trực tuyến cũng không đảm bảo kết nối ổn định, chỉ phù hợp cho các cuộc họp nội bộ nhỏ. Khi tham gia các hội nghị trực tuyến do cơ quan trung ương tổ chức, chất lượng đường truyền thường không đáp ứng yêu cầu.
Trong các hội nghị, tổ chức đã thử nghiệm mã QR để cung cấp tài liệu, giúp tiết kiệm chi phí in ấn và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp đơn lẻ, chưa thể hiện được tính đồng bộ trong chuyển đổi số toàn hệ thống.
Liên hiệp Hội Việt Nam cũng chưa tiến hành khảo sát tổng thể về mức độ chuyển đổi số và hạ tầng công nghệ trong mạng lưới các hội thành viên, khiến việc lập kế hoạch dài hạn gặp nhiều trở ngại.
Lãnh đạo: Nền tảng cho chuyển đổi số thành công
TS. Lê Doãn Hợp nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh vào vai trò của lãnh đạo và văn hóa số trong thành công của chuyển đổi số.
TS. Lê Doãn Hợp nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ra yếu tố Lãnh đạo và Văn hóa số là yếu tố then chốt cho chuyển đổi số thành công. Ảnh: HC
TS. Lê Doãn Hợp cho rằng sự quyết tâm và dẫn dắt từ các cấp lãnh đạo là yếu tố tiên quyết trong chuyển đổi số. Lãnh đạo không chỉ dừng lại ở việc ban hành các chính sách, mà còn phải trực tiếp tham gia vào quá trình triển khai và kiểm soát.
TS. Lê Doãn Hợp khẳng định, lãnh đạo cần: (1) Hiểu biết sâu về chuyển đổi số: Đây không chỉ là xu hướng công nghệ mà còn là thay đổi toàn diện trong cách vận hành tổ chức. Do đó, các lãnh đạo phải sẵn sàng học hỏi và cập nhật kiến thức. (2) Xây dựng tầm nhìn dài hạn: Chuyển đổi số không thể thực hiện một cách ngắn hạn, mà cần có chiến lược rõ ràng, gắn liền với mục tiêu phát triển bền vững. (3) Tạo môi trường đổi mới sáng tạo: Lãnh đạo cần khuyến khích các ý tưởng mới, tận dụng công nghệ để giải quyết vấn đề và không ngại thất bại trong thử nghiệm.
Bên cạnh vai trò lãnh đạo, TS. Lê Doãn Hợp đặt trọng tâm vào xây dựng văn hóa số trong tổ chức. Theo ông, đây là yếu tố giúp chuyển đổi số không chỉ là một dự án công nghệ mà trở thành một phong cách làm việc mới.
"Xây dựng văn hóa số không thể tách rời việc đảm bảo an toàn và đạo đức số. Mỗi tổ chức cần có các chính sách rõ ràng để bảo vệ quyền riêng tư và khai thác dữ liệu một cách trách nhiệm", TS. Lê Doãn Hợp lưu ý.
5 sáng kiến trọng điểm chuyển đổi số toàn diện Liên hiệp Hội Việt Nam
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang là xu thế không thể đảo ngược, Liên hiệp Hội Việt Nam xác định rõ nhiệm vụ hiện đại hóa toàn diện, đặt trọng tâm vào 5 trụ cột chiến lược.
PGS.TS Hoàn Hữu Hạnh, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số đưa ra giải pháp chuyển đối số toàn diện Liên hiệp Hội Việt Nam. Ảnh: HC
PGS.TS Hoàn Hữu Hạnh, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số cho rằng, Liên hiệp Hội Việt Nam sở hữu nguồn nhân lực và dữ liệu đa dạng, đủ để trở thành tổ chức tiên phong trong chuyển đổi số. Một số hội thành viên như Hội Tin học Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam, Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực này, trở thành mô hình tham khảo cho các đơn vị khác.
Tuy vậy, thực tế cho thấy nhận thức về chuyển đổi số trong toàn hệ thống chưa cao, thiếu sự thống nhất và chiến lược bài bản. Cơ sở hạ tầng công nghệ yếu kém cũng là rào cản lớn, ảnh hưởng đến việc tích hợp với trục liên thông văn bản quốc gia và tiếp cận các chỉ đạo từ trung ương.
Để khắc phục, Liên hiệp Hội Việt Nam cần xây dựng đề án chuyển đổi số tổng thể giai đoạn 2025–2030. Trong đó, cần tập trung số hóa dữ liệu, nâng cấp hạ tầng công nghệ, và tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ.
Ở mọi cấp độ, lãnh đạo là người truyền cảm hứng và định hình tư duy số cho toàn bộ tổ chức, từ cán bộ quản lý đến nhân viên.
TS. Lê Doãn Hợp
PGS.TS Hoàn Hữu Hạnh đã chỉ ra 5 trụ cột, 3 giai đoạn và 5 sáng kiến trọng điểm để chuyển đối số toàn diện Liên hiệp Hội Việt Nam.
Theo đó, 5 trụ cột chuyển đổi số cụ thể là: (1) Quản trị số: VUSTA định hướng xây dựng hạ tầng số hiện đại, hệ thống quản lý tập trung và các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin. Mục tiêu không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả điều hành mà còn đáp ứng yêu cầu của một nền quản trị thông minh, thích nghi với sự phát triển công nghệ; (2) Truyền thông và phổ biến kiến thức số: Tận dụng các nền tảng trực tuyến và mạng xã hội, VUSTA mở rộng khả năng truyền thông và đào tạo cộng đồng. Các khóa học trực tuyến cùng mạng lưới truyền thông rộng lớn sẽ là cầu nối đưa kiến thức khoa học đến với mọi đối tượng. (3) Nghiên cứu khoa học và quản lý khoa học số: Chuyển đổi số sẽ thúc đẩy hợp tác số hóa dữ liệu nghiên cứu, xây dựng cổng dữ liệu mở và tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững trong lĩnh vực khoa học. Điều này giúp cộng đồng dễ dàng tiếp cận các thành tựu nghiên cứu và tri thức khoa học. (4) Tư vấn, phản biện và giám định xã hội số: Việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động phản biện và giám định xã hội được kỳ vọng nâng cao chất lượng tư vấn chính sách, đồng thời gia tăng minh bạch trong giám sát. Các nền tảng phân tích chính sách và hệ thống phản biện trực tuyến sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. (5) Năng lực số: Phát triển đội ngũ cán bộ và hội viên với kỹ năng số vững vàng là nhiệm vụ cốt lõi. VUSTA chú trọng tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu, xây dựng tư duy số và ban hành chính sách hỗ trợ đội ngũ trí thức trong nước cũng như cộng đồng trí thức kiều bào.
PGS.TS Hoàn Hữu Hạnh nhận mạnh Lộ trình chuyển đổi số theo 3 giai đoạn tại Liên hiệp Hội Việt Nam, đó là: (1) Giai đoạn 1 (2025–2026): Đặt nền móng. Đây là bước khởi đầu để xây dựng lộ trình chi tiết, triển khai số hóa dữ liệu và hệ thống quản lý, đồng thời đào tạo đội ngũ cán bộ nòng cốt nhằm đảm bảo sự sẵn sàng cho chuyển đổi số. (2) Giai đoạn 2 (2026–2028): Tích hợp và mở rộng. VUSTA sẽ tập trung phát triển các công cụ hỗ trợ phản biện, phổ biến tri thức và hoàn thiện hệ thống thư viện số. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm mở rộng phạm vi hoạt động. (3) Giai đoạn 3 (2029–2030): Hoàn thiện và nâng cao. Trong giai đoạn này, toàn bộ hệ sinh thái số của VUSTA sẽ được đồng bộ hóa, tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data). VUSTA đặt mục tiêu trở thành trung tâm khoa học số hóa hàng đầu, góp phần dẫn dắt quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực khoa học và công nghệ tại Việt Nam.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp lãnh đạo, sự tham gia tích cực của đội ngũ trí thức và hỗ trợ từ Nhà nước sẽ là yếu tố quyết định. Nếu có chiến lược đúng đắn, Liên hiệp Hội Việt Nam không chỉ cải thiện hiệu quả hoạt động mà còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong hệ thống khoa học và công nghệ cả nước. Nếu lộ trình được thực hiện đúng hướng, Liên hiệp Hội Việt Nam không chỉ củng cố vai trò trung tâm trong hệ sinh thái khoa học và công nghệ Việt Nam mà còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trên quy mô toàn quốc.
PGS.TS Hoàn Hữu Hạnh, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số chỉ ra 5 sáng kiến trọng điểm để chuyển đối số toàn diện Liên hiệp Hội Việt Nam. Ảnh: HC
PGS.TS Hoàn Hữu Hạnh khẳng định 05 sáng kiến trọng điểm, Liên hiệp Hội Việt Nam cần đặt ra mục tiêu xây dựng một nền tảng số hóa thông minh, tối ưu hóa công tác quản lý và tạo ra một hệ sinh thái số kết nối toàn diện. Dữ liệu được xem là trung tâm của chuyển đổi số, với trọng tâm là khai thác hiệu quả để nâng cao chất lượng hoạt động và mở rộng phạm vi ảnh hưởng.
Thứ nhất, số hóa dữ liệu tổ chức và trí thức: Xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung từ thông tin hội viên, tổ chức đến các dự án khoa học, tạo nền tảng dữ liệu vững chắc để phục vụ các hoạt động chuyên môn.
Thứ hai, nền tảng phản biện và giám định trực tuyến: Ứng dụng AI và Big Data để hỗ trợ phân tích dữ liệu và tổ chức các diễn đàn phản biện trực tuyến, nâng cao hiệu quả giám định xã hội.
Thứ ba, thư viện số và cổng tri thức: Phát triển hệ thống lưu trữ tài liệu nghiên cứu, bài giảng trực tuyến và nền tảng e-learning, đưa kiến thức khoa học tới gần hơn với cộng đồng.
Thứ tư, chuyển đổi số trong quản lý nội bộ: Triển khai hệ thống quản lý hành chính trực tuyến, ứng dụng chữ ký số và lưu trữ tài liệu điện tử nhằm tối ưu hóa quy trình vận hành.
Thứ năm, đào tạo và nâng cao năng lực số: Tổ chức các khóa học chuyên sâu về AI, Big Data và quản lý thông tin, hướng tới xây dựng đội ngũ chuyên gia số hóa trong tổ chức.