Gen Z mong muốn được đồng hành thay vì kiểm soát trong môi trường số
Tại tọa đàm “Thiếu niên nói về An toàn số và Sức khỏe số” diễn ra ngày 18/5 tại Hà Nội, nhiều bạn trẻ Gen Z bày tỏ mong muốn được đồng hành, hướng dẫn thay vì bị kiểm soát, cấm đoán khi sử dụng mạng xã hội.
Tiến tới làm việc 100% trên môi trường số trong năm 2023 Lần đầu chia sẻ về thúc đẩy môi trường số an toàn, TikTok nói gì? 100% quy trình, nghiệp vụ của Quốc hội được thực hiện trên môi trường số |
Sự kiện do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD – United Way Việt Nam) phối hợp cùng TikTok tổ chức, thu hút hơn 120 đại biểu là thiếu niên, phụ huynh, chuyên gia và nhà sáng tạo nội dung.
Thanh thiếu niên muốn được lắng nghe và trao quyền
Phát biểu khai mạc tọa đàm, bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD - United Way Việt Nam) nhấn mạnh: “Thanh thiếu niên không chỉ là đối tượng cần được bảo vệ, mà còn là những chủ thể có năng lực, tiếng nói và sáng kiến trong việc xây dựng môi trường số an toàn, tích cực. Chúng tôi mong muốn tạo thêm nhiều diễn đàn để các em được thể hiện chính kiến, được tôn trọng và đồng hành".
![]() |
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phát biểu tại tọa đàm. |
Theo bà Linh, xây dựng sức khỏe số không chỉ là câu chuyện công nghệ hay quản lý, mà còn là sự đối thoại liên thế hệ, dựa trên niềm tin và sự trao quyền giữa người lớn và người trẻ.
Tại tọa đàm, gần 50 thiếu niên từ các trường THCS tại Hà Nội đã chia sẻ trải nghiệm cá nhân về việc sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok. Các em cho biết từng gặp phải các vấn đề như bắt nạt trực tuyến, thông tin giả, nội dung phản cảm… nhưng cũng khẳng định mạng xã hội là nơi để học hỏi, sáng tạo và thể hiện bản thân.
“Chúng em không muốn bị giám sát hay cấm đoán, mà mong người lớn đồng hành, hướng dẫn. Tụi em có thể là người dùng thông minh và có trách nhiệm nếu được tin tưởng” - bạn B.G.H, 14 tuổi chia sẻ.
![]() |
Em B.G.H đại diện các bạn học sinh chia sẻ tiếng nói. |
Nhiều đề xuất đã được đưa ra như: nâng cấp bộ lọc nội dung theo độ tuổi, thêm phụ đề cho người khiếm thính, phát triển chatbot hỗ trợ sức khỏe tinh thần và tăng cường công cụ báo cáo nội dung tiêu cực.
Gia đình – tuyến phòng vệ đầu tiên trong môi trường số
Nhấn mạnh vai trò của cha mẹ trong việc đồng hành cùng con ở giai đoạn vị thành niên bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế nhấn mạnh: “Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng không chỉ là nhiệm vụ của Chính phủ, mà cần sự tham gia tích cực của mỗi gia đình - đặc biệt là phụ huynh.
Cha mẹ chính là 'vắc xin số' đầu tiên của con - người giúp con hình thành kỹ năng nhận diện rủi ro, tự bảo vệ bản thân và phát triển lành mạnh trong thế giới số”.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế. |
Trong khi đó, nhiều phụ huynh tham dự cho biết họ còn thiếu hiểu biết về các công cụ kiểm soát, như chế độ “Family Pairing” trên TikTok, cũng như chưa biết cách giao tiếp hiệu quả với con khi xảy ra xung đột liên quan đến mạng xã hội.
Tọa đàm cũng là nơi các nhà sáng tạo nội dung trẻ chia sẻ về hành trình tạo ra giá trị tích cực từ mạng xã hội
Ngọc Ánh - chủ kênh TikTok “Anh sắc Ánh” cho biết cô dùng nền tảng này như một cuốn “nhật ký trưởng thành”, truyền cảm hứng qua các video nhẹ nhàng, nhân văn.
![]() |
Toàn cảnh tọa đàm. |
Trong khi đó, chị Vũ Quỳnh Trang chủ kênh “Hoa hậu Vỉa hè” nhắn gửi phụ huynh “Thay vì cấm đoán, hãy cùng con khám phá mạng xã hội. Khi cha mẹ và con có cùng ngôn ngữ, sự đồng hành sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.”
TikTok đẩy mạnh công cụ bảo vệ người dùng trẻ
Ông Đặng Kim Long - Giám đốc Chính sách công TikTok Việt Nam cho biết nền tảng này đang nỗ lực triển khai nhiều tính năng an toàn dành cho người dùng trẻ như : Thiết lập tài khoản mặc định theo độ tuổi; Giới hạn tương tác như tin nhắn riêng, phát trực tiếp; Cập nhật hướng dẫn sử dụng an toàn; Tăng cường truyền thông hợp tác với tổ chức xã hội và chuyên gia giáo dục.
![]() |
Ông Đặng Kim Long - Quản lý chính sách công, TikTok Việt Nam phát biểu. |
“Mạng xã hội có thể là nơi học hỏi, sáng tạo và kết nối nếu thanh thiếu niên được đồng hành đúng cách từ cha mẹ, giáo viên và cộng đồng” - ông Long khẳng định.
Tọa đàm “Thiếu niên nói về An toàn số và Sức khỏe số” là hoạt động tiêu biểu hưởng ứng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5) và Tháng Hành động quốc gia vì trẻ em 2025.
Sự kiện nhấn mạnh vai trò của việc trao quyền cho thanh thiếu niên, và thúc đẩy đối thoại đa chiều giữa các thế hệ để xây dựng một môi trường số an toàn, lành mạnh và sáng tạo.
La Giang