Thách thức sản xuất truyền hình trực tiếp tại Việt Nam

15:52 | 20/05/2025

Các đài truyền hình tại Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn từ nền tảng số. Công nghệ điện toán đám mây mang lại hiệu quả rõ rệt cho ngành truyền hình thế giới nhưng chưa phổ biến trong nước. Khó khăn về tài chính, tâm lý e ngại rủi ro và thói quen làm việc theo lối cũ khiến nhiều đơn vị chần chừ áp dụng, dù hạ tầng mạng Việt Nam đã đáp ứng đủ yêu cầu kỹ thuật.

Theo ông Nguyễn Tuấn Hải, đại diện hãng Vizrt Khu vực Châu á – Thái Bình dương (APAC), quan điểm truyền thống tại các đài truyền hình ở Việt Nam vẫn nặng về việc sử dụng xe truyền hình lưu động (xe màu) cho các sự kiện lớn. "Tâm lý 'càng hoành tráng càng tốt' vẫn phổ biến, dù điều này đồng nghĩa với chi phí vận hành và hậu cần cao hơn rất nhiều", ông Hải nhận xét.

Thách thức sản xuất truyền hình trực tiếp tại Việt Nam
Xe truyền hình lưu động của Đài Phát thanh Truyền hình Bắc Ninh. Ảnh: Alpha Communications

Việc sử dụng xe màu gặp nhiều hạn chế trong thực tế. Chi phí vận chuyển thiết bị đến hiện trường rất tốn kém, đặc biệt tại các địa điểm vùng sâu, vùng xa hoặc hải đảo. Điển hình như trường hợp VTV phải vận chuyển xe màu từ đất liền ra Côn Đảo cho sự kiện đặc biệt dịp Lễ Kỷ niệm 50 năm Giải phóng Côn Đảo (1/5/1975 - 1/5/2025), đòi hỏi kế hoạch hậu cần phức tạp và chi phí lớn. Thêm vào đó, một ekip sản xuất phải di chuyển và ở lại hiện trường nhiều ngày, phát sinh thêm chi phí lưu trú, ăn uống và phụ cấp công tác.

Thách thức sản xuất truyền hình trực tiếp tại Việt Nam
Xe truyền hình lưu động VTV được vận chuyển ra Côn Đảo thực hiện Lễ Kỷ niệm 50 năm Giải phóng Côn Đảo (1/5/1975 - 1/5/2025). Ảnh: chụp màn hình

Tâm lý ngại chịu trách nhiệm khi áp dụng công nghệ mới cũng là rào cản lớn. "Nhiều người quản lý sợ những rủi ro tiềm ẩn của việc chuyển đổi sang nền tảng đám mây. Nếu có sự cố, họ sẽ phải chịu trách nhiệm. Đây là tâm lý dễ hiểu nhưng cần thay đổi để không bỏ lỡ cơ hội phát triển", vị chuyên gia giải thích.

Đồng thời, nhiều kỹ thuật viên tại các đài truyền hình tỏ ra e ngại với công nghệ thông tin. Họ quen thuộc với thiết bị truyền thống và cảm thấy bất an khi phải làm việc trên môi trường đám mây. Nhiều người cho rằng công nghệ mới quá phức tạp, trong khi thực tế, nếu được đào tạo bài bản, việc sử dụng các nền tảng sản xuất trên đám mây không khó hơn nhiều so với thiết bị truyền thống.

Hạ tầng số tại Việt Nam có phù hợp?

Một trong những lo ngại lớn nhất khi chuyển sang sản xuất trên đám mây là chất lượng kết nối Internet tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất từ công ty phân tích Ookla, tốc độ Internet cáp quang và 4G/5G tại Việt Nam năm 2025 đã đạt mức cao, tiệm cận các nước phát triển trong khu vực.

Thị trường truyền dẫn phát sóng: Chọn nhà cung cấp nào? Thị trường truyền dẫn phát sóng: Chọn nhà cung cấp nào?

Internet cáp quang (đặc biệt của VNPT) và mạng 5G (đặc biệt của Viettel) đều ghi nhận tốc độ vượt trội, giúp Việt Nam lần đầu lọt top 40 thế giới về chất lượng kết nối Internet. Theo dữ liệu công bố từ nền tảng i-Speed của Trung tâm Internet Việt Nam, trong tháng 4/2025, tốc độ mạng băng rộng di động của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam đồng loạt được cải thiện. Trong đó, Viettel có chất lượng mạng di động tốt nhất, với tốc độ tải xuống đạt 88,97 Mbps và tải lên đạt 27,98 Mbps.

Những thông số này hoàn toàn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cho việc sản xuất truyền hình trực tiếp trên đám mây, thậm chí ở định dạng 4K. Điều này đồng nghĩa với việc hạ tầng kỹ thuật của Việt Nam đã sẵn sàng, nhưng tư duy của con người vẫn chưa theo kịp.

Thay đổi tư duy lãnh đạo là chìa khóa chuyển đổi số ngành truyền hình

Theo chuyên gia Nguyễn Tuấn Hải, yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của quá trình chuyển đổi số trong ngành truyền hình là tư duy của lãnh đạo. "Nếu ban lãnh đạo không có tầm nhìn và quyết tâm chuyển đổi số, mọi nỗ lực áp dụng công nghệ mới sẽ gặp khó khăn. Cần có sự đầu tư đúng mức vào đào tạo nhân lực và thay đổi quy trình làm việc để áp dụng hiệu quả những công nghệ tiên tiến như điện toán đám mây hay trí tuệ nhân tạo....", ông nhấn mạnh

Thách thức sản xuất truyền hình trực tiếp tại Việt Nam
Ảnh minh họa. Nguồn: businesslawtoday

Hiện nay, các đài truyền hình tại Việt Nam đứng trước nguy cơ mất khán giả vào tay các nền tảng số như YouTube, Facebook và TikTok. Khảo sát của Điện tử và Ứng dụng cho thấy thị trường sản xuất truyền hình trực tiếp trên đám mây ngày càng đa dạng với nhiều giải pháp từ Vizrt, Atomos, TVU Networks, NEP Group và Alpha Cloud Production... Các giải pháp này phù hợp với nhiều quy mô và nhu cầu khác nhau, nhưng đều mang lại lợi ích chung: giảm chi phí, tăng hiệu quả vận hành và chất lượng chương trình.

Nguồn nhân lực báo chí số: Cần đổi mới trong đào tạo và nghiên cứu Nguồn nhân lực báo chí số: Cần đổi mới trong đào tạo và nghiên cứu

Để thành công trong kỷ nguyên số, các đài truyền hình ở Việt Nam cần đầu tư đúng mức vào đào tạo nhân lực và thay đổi quy trình làm việc. Ông Hải khuyến nghị các đài nên áp dụng từng bước, bắt đầu với các dự án nhỏ để nhân viên làm quen với công nghệ mới trước khi triển khai đại trà.

Với đặc thù địa lý và điều kiện thiên nhiên của Việt Nam, việc sản xuất trên đám mây mang lại nhiều lợi thế. Các đài địa phương ở vùng sâu vùng xa có thể kết nối dễ dàng với đài trung ương, phát sóng các sự kiện địa phương với chất lượng cao nhưng chi phí thấp. Đặc biệt trong mùa mưa bão, công nghệ đám mây giúp đảm bảo sự liên tục của hoạt động phát sóng khi thiết bị được lưu trữ an toàn tại các trung tâm dữ liệu.

VTVgo sẽ hiện diện trên TV và điều khiển của TV Samsung VTVgo sẽ hiện diện trên TV và điều khiển của TV Samsung

Đây là hợp tác mới vừa được ký kết giữa Samsung Việt Nam và Đài truyền hình Việt Nam với mục tiêu giúp người dùng ...

VTVratings: Sự bứt phá trong công nghệ đo lường khán giả VTVratings: Sự bứt phá trong công nghệ đo lường khán giả

VTVratings được xem là bước đột phá trong công nghệ đo lường khán giả, đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của VTV trong kỷ ...

Siết chặt quản lý quảng cáo của người có ảnh hưởng trên mạng Siết chặt quản lý quảng cáo của người có ảnh hưởng trên mạng

Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử yêu cầu chấm dứt tình trạng người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm mà không ...

Tấn Phong

Đường dẫn bài viết: https://dientuungdung.vn/thach-thuc-san-xuat-truyen-hinh-truc-tiep-tai-viet-nam-9318.html

In bài biết

Bản quyền thuộc Tạp chí Điện tử và Ứng dụng.