Nguồn nhân lực báo chí số: Cần đổi mới trong đào tạo và nghiên cứu
Tại Hội thảo, PGS.TS Đặng Hoài Bắc cho biết, Học viện Công nghệ Bưu chính và Viễn thông (PTIT) hiện là một trong Top 5 Trường đại học đào tạo hàng đầu về ICT cũng là đơn vị đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành truyền thông và báo chí số cho xã hội. Việc hội tụ cả hoạt động đào tạo nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ và lĩnh vực truyền thông báo chí đã giúp Học viện có những lợi thế nhất định trong mạng lưới các trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc.
PGS.TS Đặng Hoài Bắc - Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: MT
PGS.TS Đặng Hoài Bắc cũng bày tỏ sự quyết tâm đổi mới và tiên phong trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực báo chí của Học viện trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Ông dẫn chứng, Học viện đã có những sản phẩm lai ghép nghiên cứu về lĩnh vực báo chí có ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là công nghệ AI trong sản xuất tin tức và video tự động dựa trên từ khóa. Ví dụ như các công nghệ DeepFake, công nghệ AR, VR,… Ngoài ra Học viện cũng có giải pháp lắng nghe mạng xã hội Social Listening, phục vụ cho các hoạt động quản trị truyền thông của đơn vị.
Đồng quan điểm về vấn đề này, TS.Trần Quang Diệu - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho hay, để thực thi tốt hoạt động của tòa soạn số, cần quan tâm, chú trọng phát triển nguồn nhân lực báo chí truyền thông vừa “hồng” vừa “chuyên”.
TS.Trần Quang Diệu nêu quan điểm: "Các cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành báo chí tập trung cập nhật kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường báo chí số trong các chương trình đào tạo cho sinh viên hệ đại học và các hệ sau đại học".
Bên cạnh đó, TS.Trần Quang Diệu cũng nhấn mạnh, cần xây dựng kế hoạch, chiến lược đào tạo và đào tạo lại đối với nhà báo theo nhiều hình thức khác nhau theo hướng tăng cường về mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo bám sát sự phát triển và xu thế của báo chí hiện đại, tập trung vào trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên ngành, nâng cao tính chủ động và kỹ năng của nhà báo.
Cần đào tạo kỹ năng số cho đội ngũ nhà báo
Ở môi trường tác nghiệp báo chí thực tế, Nhà báo Nguyễn Vũ Hoàng, Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số, Đài Truyền hình Việt Nam đưa ra vấn đề: "Khi chuyển đổi số thường gặp phải sự khó khăn và thay đổi lớn, việc tạo động lực và cam kết của đội ngũ nhân sự là điều vô cùng quan trọng. Lãnh đạo Đài đã tập trung vào việc xây dựng môi trường làm việc tích cực và truyền cảm hứng cho đội ngũ".
Nhà báo Nguyễn Vũ Hoàng dẫn chứng, Đài Truyền hình Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình đào tạo và phát triển nhân viên để nâng cao năng lực và kỹ năng số hóa, đồng thời tạo cơ hội thăng tiến và đánh giá hiệu suất công việc một cách công bằng. Kết quả là, đội ngũ nhân sự đã tin tưởng hoàn toàn vào tư duy chuyển đổi số và sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số một cách tích cực và nhiệt huyết.
Cũng tại Hội thảo, PGS, TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam nêu bật tầm quan trọng của nhân lực báo chí số khi thực hiện chuyển đổi số báo chí.
Điều kiện quan trọng hơn là các nền tảng, công cụ số đi kèm với nguồn nhân lực có khả năng sử dụng công cụ số và nền tảng số ấy. Đây là những vấn đề cốt yếu với cơ quan báo chí trong chuyển đổi từ nền báo chí truyền thống sang báo chí số hiện nay.
PGS, TS. Đỗ Thị Thu Hằng
Ở một góc nhìn khác, TS. Đồng Mạnh Hùng, Trưởng ban Ban Thư ký biên tập, Đài Tiếng nói Việt Nam nhận định, ở môi trường báo chí số, cần phải đầu tư phương tiện và đào tạo để từ cán bộ tới phóng viên, biên tập viên và kỹ thuật viên có thể thành thạo sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Chat GPT hoặc các ứng dụng như chuyển giọng nói sang văn bản hoặc ngược lại, các phầm mềm biên tập văn bản, âm thanh, hình ảnh và upload, đăng tải, khai thác... Kỹ thuật sẽ hỗ trợ một cách tích cực nhất cho nôi dung và quá trình vận hành trên môi trường báo chí số.
Điểm nổi bật của Hội thảo, chính là các nhà khoa học, các chuyên gia cùng bàn luận, làm rõ luận cứ khoa học của nội hàm “tòa soạn số”. Trong đó làm rõ các khái niệm về “tòa soạn số”, đặc biệt trong bối cảnh hội tụ và tích hợp dựa trên công nghệ số tại các cơ quan báo chí hiện nay. Đồng thời, bàn luận và chỉ ra những vấn đề mới đang đặt ra cần phải tiếp tục nghiên cứu đối với xây dựng tòa soạn số ở Việt Nam hiện nay.
Phát triển các mô hình tòa soạn số
Nhà báo Lê Quốc Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhận định một kỷ nguyên mới của báo chí số, công nghệ số, hội tụ công nghệ và hội tụ nội dung đã hình thành và đang phát triển mạnh mẽ. Hội tụ nội dung và hội tụ công nghệ được xem như là một chìa khóa để mở ra con đường mới cho các nhà báo, các tòa soạn hiện đại.
Điều tiên quyết để thực hiện được việc này, ông Minh chỉ ra cần có một sự “tích hợp” và “hội tụ” cả về nội dung lẫn hình thức xuất bản của một tờ báo, theo đó mô hình “tòa soạn số” trở thành xu thế tất yếu của các cơ quan báo chí thế giới nói chung, cơ quan báo chí Việt Nam nói riêng.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam điều hành chương trình Hội thảo. Ảnh: MT
Việc xây dựng tòa soạn số sẽ làm thay đổi toàn diện bộ mặt của ngành báo chí, đặc biệt là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, bám sát hơn với tình hình thực tiễn; chủ động nắm bắt các sự kiện, kịp thời thông tin, định hướng dư luận xã hội bảo đảm khách quan, chính xác, có trọng tâm, trọng điểm.
Tòa soạn số cũng là tiền đề để tiếp tục thực hiện nghiêm nguyên tắc một đầu mối trong chỉ đạo, định hướng thông tin, bảo đảm việc chỉ đạo, cung cấp thông tin thống nhất, kịp thời và thuyết phục, nhất là những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, để báo chí chính thống giữ vững vai trò định hướng, chi phối thông tin trong xã hội.
Trong số những công nghệ sẽ có tác động mạnh mẽ tới hoạt động báo chí, truyền thông hiện nay thì nổi bật là vấn đề ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và chuỗi khối (blockchain) trong quản lý tòa soạn số, trong tổ chức sản xuất sản phẩm cũng như phát hành các sản phẩm báo chí truyền thông.
Nhà báo Lê Quốc Minh đề nghị các nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan báo chí, các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, chỉ dẫn cụ thể về việc các cơ quan báo chí đã và đang triển khai ứng dụng công nghệ trong xây dựng và quản trị tòa soạn ở cơ quan báo chí của mình như thế nào.