Nhiều người dùng Việt Nam không thể truy cập Telegram: Lý do và góc nhìn đa chiều

11:08 | 26/05/2025

Từ đêm qua, nhiều người dùng Việt Nam trên khắp cả nước phản ánh tình trạng không thể truy cập hoặc sử dụng ứng dụng nhắn tin Telegram. Tình hình này diễn ra đồng loạt trên các nhà mạng lớn và gây ra làn sóng bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội.

Giả mạo kênh của tổ chức quốc tế Oxfam để lừa người dùng trên telegram Brazil: Telegram sẽ phải nhận án phạt thích đáng vì hành vi tuyên truyền sai lệch Nhà mạng phải báo cáo việc chặn Telegram tại Việt Nam trước ngày 2/6/2025
Nhiều người dùng Việt Nam không thể truy cập Telegram: Lý do và góc nhìn đa chiều
Ảnh chụp màn hình

Phản ứng trái chiều của người dùng Telegram trên mạng xã hội

Trên các diễn đàn và mạng xã hội như Facebook, Twitter, nhiều người dùng đã chia sẻ tình trạng không thể kết nối Telegram. Trên nhiều group lớn, các thành viên cho biết: "thông tin các nhà mạng lớn đã chặn Telegram ở mức sâu, kể cả vượt qua Private DNS", Các thông tin chỉ xác nhận việc chặn Telegram đang được triển khai đồng loạt, nhưng không nêu chi tiết kỹ thuật cụ thể theo từng nhà mạng

Nhiều người dùng trên mạng xã hội bày tỏ bức xúc vì mất quyền truy cập đột ngột vào dữ liệu công việc, tài liệu quan trọng và các cuộc trò chuyện chưa kịp sao lưu. Một số khác lại tìm cách sử dụng VPN để tiếp tục truy cập dịch vụ này.

Nhiều người dùng Việt Nam không thể truy cập Telegram: Lý do và góc nhìn đa chiều
Ảnh chụp màn hình

"Tôi đang có rất nhiều tài liệu làm việc và dự án lưu trên Telegram. Việc đột ngột không truy cập được khiến công việc bị gián đoạn nghiêm trọng", một người dùng chia sẻ trên Facebook.

Tuy nhiên, phản ứng của cộng đồng mạng khá trái chiều. Trong khi một bộ phận người dùng tỏ ra hoang mang và bất tiện, nhiều người khác lại bày tỏ sự ủng hộ với quyết định này.

Nhiều người dùng Việt Nam không thể truy cập Telegram: Lý do và góc nhìn đa chiều
Người dùng DHS trên Facebook nêu quan điểm ủng hộ việc chặn ứng dụng tin nhắn Telegram. Ảnh chụp màn hình

Những người ủng hộ việc chặn Telegram

Nhiều người dùng trên mạng xã hội cho rằng việc chặn Telegram là cần thiết. H.A, sinh viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, một người dùng từng trung thành với Telegram, chia sẻ: "Tôi bị mời vào rất nhiều nhóm có nội dung độc hại như bạo lực, ấu dâm, hàng cấm. Nó giống như một phiên bản khác của dark web".

M.T, một người dùng thường xuyên khác, cũng nhận xét: "Phần lớn các nhóm trên Telegram liên quan đến nội dung khiêu dâm, đánh bạc, thậm chí môi giới mại dâm. Telegram đang bị biến tướng thành nơi hoạt động của các đường dây phạm pháp".

Theo Dantri đưa tin, ngày 29/4, Công an phường Hà Cầu, quận Hà Đông, nhận được đơn của anh M. (30 tuổi, ở quận Hà Đông) trình bày việc anh vào ứng dụng Telegram để xem phim đồi trụy và tìm dịch vụ "gái gọi".

Sau đó, anh M. được các đối tượng hướng dẫn nạp tiền để kích hoạt thẻ thành viên và nhận "hoa hồng" từ việc nạp tiền.

Tổng số tiền anh M. đã nạp là hơn 3,5 tỷ đồng nhưng sau đó nam thanh niên không rút được ra. Các đối tượng tiếp tục hướng dẫn anh phải làm thêm nhiệm vụ mới rút được tiền.

Biết mình đã rơi vào "bẫy", anh M. đến cơ quan công an trình báo.

Nguyên nhân người dùng không không thể truy cập hoặc sử dụng ứng dụng nhắn tin Telegram

Việc nhiều người dùng Việt Nam hiện không thể truy cập Telegram bắt nguồn từ công văn số 2312/CVT-CS ban hành ngày 21/5/2025 của Cục Viễn thông (Bộ Khoa học và Công nghệ). Văn bản yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông triển khai biện pháp kỹ thuật ngăn chặn hoạt động Telegram, với thời hạn báo cáo kết quả trước ngày 2/6.

Quyết định này xuất phát từ đề nghị của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) thuộc Bộ Công an. Cơ quan này báo cáo tình trạng nghiêm trọng về các vi phạm pháp luật trên nền tảng Telegram.

Theo thống kê từ cơ quan công an, trong tổng số 9.600 kênh và nhóm Telegram tại Việt Nam, có tới 68% bị đánh giá là "xấu độc". Các nhóm này liên quan đến lừa đảo, buôn bán dữ liệu cá nhân, ma túy, môi giới mại dâm, phát tán tài liệu chống phá, thậm chí có dấu hiệu liên quan đến khủng bố.

Thiệt hại kinh tế và xã hội từ Telegram

Báo cáo của cơ quan chức năng cho thấy thiệt hại từ các vụ lừa đảo trên Telegram đã lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, ảnh hưởng đến hơn 13.000 nạn nhân. Dữ liệu cá nhân của 23 triệu người dân Việt Nam đã bị rao bán công khai trên nền tảng này.

Nhiều chuyên gia an ninh mạng nhận định Telegram trở thành "thiên đường" của tội phạm mạng do thiết kế bảo mật cao, khả năng ẩn danh tuyệt đối và triết lý "bất hợp tác" với cơ quan chức năng.

Theo Viettimes thông tin, TS Võ Văn Khang, Phó chủ tịch Chi hội An toàn Thông tin phía Nam (VNISA) cho biết, tội phạm lừa đảo thường xuyên sử dụng các nền tảng xuyên biên giới, đặc biệt là Telegram với tính năng ẩn danh, thiết lập các hội nhóm có chức năng xóa dấu vết, kiểm soát người tham gia… Đây là những kẻ hở thuận tiện cho việc thực hiện hành vi bất hợp pháp, khiến cơ quan chức năng mất nhiều thời gian để phát hiện, xử lý.

Telegram vi phạm pháp luật Việt Nam

Telegram bị cáo buộc vi phạm nhiều quy định pháp luật Việt Nam. Từ đầu năm 2025, theo Nghị định 147/2024, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông xuyên biên giới phải thực hiện thủ tục thông báo. Tuy nhiên, Telegram đã bỏ qua yêu cầu này dù Cục Viễn thông đã nhiều lần nhắc nhở.

Nền tảng này cũng từ chối hợp tác kiểm tra, giám sát, loại bỏ nội dung vi phạm khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền. Theo Luật Viễn thông, hành vi lợi dụng hoạt động viễn thông để chống phá, xâm phạm an ninh quốc gia bị nghiêm cấm.

Telegram xác nhận đã nhận được yêu cầu chính thức từ phía Cục Viễn thông và đang trong quá trình xử lý. Theo thông tin từ ứng dụng này, họ "bất ngờ" với quyết định và đang nghiên cứu để phản hồi trước thời hạn ngày 27/5/2025. Hiện chưa rõ Telegram có thay đổi cách thức hoạt động tại Việt Nam hay không.

Trước đó, đại diện nền tảng cũng cho biết đã từng phản hồi đúng hạn các yêu cầu pháp lý từ phía Việt Nam, tuy nhiên không cung cấp thêm chi tiết về quá trình hợp tác hay việc tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam.

Nhiều người dùng Việt Nam không thể truy cập Telegram: Lý do và góc nhìn đa chiều
Ảnh chụp màn hình

Cảnh báo về các hướng dẫn vượt chặn tường lửa để truy cập Telegram trên mạng xã hội

Trước tình trạng không thể truy cập Telegram, trên các mạng xã hội như Facebook đã xuất hiện nhiều tài khoản chia sẻ cách "vượt tường lửa" để tiếp tục sử dụng ứng dụng này. Các hướng dẫn thường bao gồm việc tải VPN, cài đặt proxy hoặc sử dụng các link từ các nhóm không rõ nguồn gốc.

Nhiều người dùng Việt Nam không thể truy cập Telegram: Lý do và góc nhìn đa chiều

Ảnh chụp màn hình

Nhiều chuyên gia an ninh mạng cảnh báo người dùng cần thận trọng với các phương pháp này. Việc tải và sử dụng các ứng dụng VPN không rõ nguồn gốc, truy cập vào các link proxy từ những nhóm lạ có thể khiến thiết bị bị nhiễm mã độc, thông tin cá nhân bị đánh cắp hoặc rơi vào bẫy lừa đảo mới.

Nhiều người dùng Việt Nam không thể truy cập Telegram: Lý do và góc nhìn đa chiều
Ảnh chụp màn hình

"Khi người dùng tìm cách vượt chặn bằng các công cụ không an toàn, họ có thể trở thành mục tiêu dễ dàng của tin tặc. Các link proxy giả mạo, ứng dụng VPN có chứa mã độc đang được tội phạm mạng lợi dụng để thu thập thông tin cá nhân", nhiều chuyên gia an ninh mạng nhận định.

Thay vì tìm cách vượt chặn với những rủi ro không đáng có, người dùng nên tuân thủ quy định pháp luật và chờ đợi các quyết định chính thức từ cơ quan chức năng cũng như phản hồi từ Telegram trong thời gian tới.

Tác động và giải pháp thay thế ứng dụng nhắn tin Telegram

Việc nhiều người dùng Việt Nam hiện không thể truy cập Telegram gây ảnh hưởng lớn đến hàng triệu người, đặc biệt những người sử dụng để làm việc từ xa, giao dịch, theo dõi tin tức và tham gia cộng đồng trực tuyến.

Nhiều người dùng Việt Nam không thể truy cập Telegram: Lý do và góc nhìn đa chiều
Ảnh chụp màn hình

Trên group VOZ, một thành viên cho biết chia sẻ: "Telegam bị chặn rồi giờ dùng app gì các bác ? Mình tính chuyển qua bông sen vì thấy app do người việt làm ra vs lại nghe nói nó cũng tiện như telegam nữa, mấy bác nào dùng rồi cho xin ý kiến vs ae?"

Nhiều chuyên gia công nghệ khuyến nghị người dùng nên chuyển sang các ứng dụng nhắn tin khác như Viber, WhatsApp, Zalo hoặc Discord. Các nền tảng này có tính năng tương tự nhưng tuân thủ quy định pháp luật tốt hơn.

WhatsApp được đánh giá là lựa chọn tối ưu nhất với tính năng mã hóa đầu cuối cho tất cả cuộc trò chuyện. Zalo, ứng dụng nội địa, cũng cung cấp các tính năng tương tự với giao diện thân thiện và tuân thủ đầy đủ quy định Việt Nam.

Việt Nam trở thành quốc gia thứ 9 thực hiện biện pháp hạn chế hoặc chặn Telegram. Trước đó, Tây Ban Nha, Pakistan, Na Uy, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Thái Lan, Indonesia đã có động thái tương tự vì lý do an ninh mạng.

Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) đánh giá Telegram là nền tảng "kém hợp tác nhất" với các cơ quan chức năng. Ngay tại Nga - quê nhà của Telegram, ứng dụng này cũng từng bị chặn năm 2018 do bị tổ chức khủng bố sử dụng.

Nhiều chuyên gia nhận định quyết định chặn Telegram thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc làm sạch không gian mạng và bảo vệ an ninh quốc gia. Đây cũng là thông điệp mạnh mẽ gửi tới các nền tảng công nghệ quốc tế về việc cần tuân thủ pháp luật khi hoạt động tại Việt Nam.

Phạm Anh

Đường dẫn bài viết: https://dientuungdung.vn/nhieu-nguoi-dung-viet-nam-khong-the-truy-cap-telegram-ly-do-va-goc-nhin-da-chieu-9407.html

In bài biết

Bản quyền thuộc Tạp chí Điện tử và Ứng dụng.