Tái chế rác thải điện tử trở thành vũ khí mới của Mỹ trong cuộc chiến đất hiếm với Trung Quốc

10:10 | 14/07/2025

Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc tranh giành quyền kiểm soát đất hiếm, rác thải điện tử đang nổi lên như một vũ khí chiến lược mới. Từ điện thoại cũ đến pin xe điện đã qua sử dụng, ngành tái chế công nghệ cao đang mở ra hướng đi khác cho Washington trong cuộc cạnh tranh tài nguyên đầy cam go này.

Kim loại quý trong rác thải điện tử, nguồn lợi khổng lồ bị lãng phí Trung Quốc siết đất hiếm, Nhật Bản bình thản Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ sẽ trở thành cổ đông lớn nhất của MP Materials
Các nhà sản xuất Hoa Kỳ thường mua các kim loại thiết yếu và đất hiếm từ các nhà sản xuất nước ngoài do Trung Quốc dẫn đầu, nhưng thuế quan và chính sách thương mại khó lường, cũng như địa chính trị, đã khiến các nguồn này trở nên không đáng tin cậy
Nhu cầu về kim loại đất hiếm đang ngày càng tăng và đóng vai trò quan trọng trong việc chế tạo mọi thứ, từ máy bay chiến đấu đến dụng cụ điện.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang, một cuộc chiến âm thầm đang diễn ra quanh quyền kiểm soát các kim loại đất hiếm. Đây là nhóm nguyên tố quan trọng trong sản xuất các thiết bị công nghệ cao, từ điện thoại thông minh, máy tính xách tay đến máy bay chiến đấu và tên lửa. Khi Trung Quốc chiếm lĩnh phần lớn chuỗi cung ứng toàn cầu về đất hiếm, Mỹ đang tìm hướng đi khác: tái chế rác thải điện tử.

Tuần qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã trở thành cổ đông lớn tại MP Materials, công ty đang vận hành mỏ đất hiếm duy nhất tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng cường khai thác trong nước, nhiều chuyên gia nhận định rằng việc tái chế sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc bảo đảm nguồn cung ổn định và bền vững cho các ngành công nghiệp thiết yếu.

Rác thải công nghệ có thể trở thành tài nguyên chiến lược

Ngành tái chế ngày nay không còn dừng lại ở việc thu gom lon, nhựa hay giấy báo. Các doanh nghiệp tái chế hiện đại, từ công ty truyền thống đến các doanh nghiệp khởi nghiệp, đang tận dụng nguồn rác công nghệ khổng lồ như máy tính, điện thoại, máy chủ, thiết bị gia dụng, thiết bị y tế và cả pin xe điện, tua bin gió hay tấm pin mặt trời để trích xuất các kim loại quý và nguyên tố hiếm.

Bên cạnh những kim loại phổ biến như vàng, bạc, đồng, niken, nhôm hay thép, các doanh nghiệp tái chế còn tập trung vào những nguyên tố ít người biết đến như neodymium, praseodymium, dysprosium và terbi. Đây là những thành phần then chốt trong sản xuất động cơ điện, thiết bị quốc phòng và năng lượng tái tạo.

Ông Kunal Sinha, giám đốc bộ phận tái chế toàn cầu của tập đoàn Glencore, nhận xét: “Cho đến gần đây, rác thải điện tử vẫn chưa được nhìn nhận đúng như một nguồn cung quan trọng. Nhiều người vẫn còn đánh giá thấp quy mô và tiềm năng thật sự của lĩnh vực này”.

Glencore, một trong những tập đoàn khai thác và phân phối kim loại lớn nhất thế giới, đã sớm nhìn thấy cơ hội từ rác điện tử. Tại Canada, Glencore vận hành một nhà máy luyện đồng lâu đời, trong đó khoảng 15 phần trăm nguyên liệu đầu vào đến từ rác tái chế thu gom từ hơn 100 nhà cung cấp toàn cầu.

Nhà máy này không chỉ sản xuất đồng mà còn tinh luyện các kim loại quý như vàng, bạc, bạch kim và palladium từ rác điện tử. Theo ông Sinha, mặc dù mảng tái chế chỉ đóng góp một phần nhỏ trong tổng doanh thu gần 14 tỷ đô la của tập đoàn, nhưng lại nhận được sự quan tâm chiến lược đặc biệt từ ban lãnh đạo.

Đầu tháng 7, giá đồng thế giới tăng mạnh sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế 50 phần trăm với đồng nhập khẩu. Mỹ hiện vẫn phải nhập gần một nửa lượng đồng sử dụng, và chính sách thuế mới được cho là nhằm khuyến khích sản xuất trong nước. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định rằng điều này cũng mở ra cơ hội lớn cho ngành tái chế.

Ông John Mitchell, Chủ tịch Hiệp hội Điện tử Toàn cầu, cho rằng: “Mỹ nhập khẩu rất nhiều thiết bị điện tử có chứa vàng, nhôm và đồng. Tận dụng rác công nghệ sẽ giúp chúng ta giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài và biến áp lực thuế quan thành động lực phát triển ngành tái chế nội địa”.

Giữa lúc cạnh tranh địa chính trị ngày càng căng thẳng, rác công nghệ không còn đơn thuần là chất thải. Đó đang trở thành một dạng tài sản chiến lược, giúp Mỹ giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời xây dựng một chuỗi cung ứng bền vững cho tương lai công nghệ.

Thế Kiên

Đường dẫn bài viết: https://dientuungdung.vn/tai-che-rac-thai-dien-tu-tro-thanh-vu-khi-moi-cua-my-trong-cuoc-chien-dat-hiem-voi-trung-quoc-10257.html

In bài biết

Bản quyền thuộc Tạp chí Điện tử và Ứng dụng.