Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ sẽ trở thành cổ đông lớn nhất của MP Materials
Ấn Độ khai thác đất hiếm, kỳ vọng trở thành đối trọng với Trung Quốc Trung Quốc siết đất hiếm, Nhật Bản bình thản Myanmar là mảnh ghép quan trọng trong thế thượng phong đất hiếm của Trung Quốc |
![]() |
MP Materials sở hữu mỏ đất hiếm duy nhất đang hoạt động tại Hoa Kỳ ở Mountain Pass, California. Công ty sẽ xây dựng cơ sở sản xuất nam châm thứ hai tại Hoa Kỳ với sự hỗ trợ của Lầu Năm Góc. Đất hiếm là thành phần quan trọng trong nhiều hệ thống vũ khí quân sự. |
Thông tin trên được MP thông báo ngày 10/7. Khoản đầu tư này đánh dấu bước ngoặt chiến lược trong nỗ lực của Washington nhằm tái thiết chuỗi cung ứng đất hiếm trong nước, vốn đang phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc.
Ngay sau thông tin được công bố, cổ phiếu MP Materials đã tăng gần 50%, đóng cửa ở mức 45,23 USD, giúp vốn hóa thị trường của công ty tăng thêm khoảng 2,5 tỷ USD, đạt 7,4 tỷ USD.
MP hiện khai thác mỏ đất hiếm tại Mountain Pass, bang California cách Las Vegas khoảng 100 km, nơi cung cấp nguồn tài nguyên thiết yếu để sản xuất nam châm vĩnh cửu, thành phần then chốt trong các hệ thống vũ khí hiện đại như tiêm kích F-35, máy bay không người lái và tàu ngầm hạt nhân.
Theo Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, tính đến năm 2023, Mỹ gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ nước ngoài, trong đó Trung Quốc chiếm tới 70% lượng nhập khẩu. Đây là một trong những lĩnh vực nhạy cảm nhất trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt dưới thời Tổng thống Donald Trump, người đang theo đuổi chiến lược “nội địa hóa” các chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng.
“Tôi muốn nói rõ ràng rằng đây không phải là quốc hữu hóa,” CEO MP Materials, ông James Litinsky khẳng định trên CNBC. “Chúng tôi vẫn là một công ty đại chúng, đang phát triển mạnh mẽ. Giờ đây, chúng tôi có một đối tác mới tuyệt vời là Lầu Năm Góc, nhưng chúng tôi vẫn kiểm soát công ty.”
Bộ Quốc phòng sẽ nắm giữ khoảng 15% cổ phần MP Materials sau khi thực hiện quyền chuyển đổi cổ phiếu ưu đãi và lệnh mua cổ phiếu phổ thông với giá 30,03 USD/cổ phiếu trong vòng 10 năm, gấp đôi phần sở hữu 8,61% của CEO Litinsky và cao hơn cả BlackRock Fund Advisors (8,27%).
Đổi lại, MP Materials sẽ mở rộng chuỗi cung ứng đất hiếm trong nước, bao gồm việc xây dựng nhà máy sản xuất nam châm thứ hai tại Mỹ. Cơ sở này sẽ có tên mã là “10X” đồng thời sẽ khởi công trong vài năm tới và dự kiến đi vào hoạt động năm 2028 với công suất 10.000 tấn nam châm/năm.
Trong một động thái chưa từng có, Lầu Năm Góc cam kết sẽ mua 100% sản lượng nam châm của nhà máy mới trong vòng 10 năm kể từ khi đi vào hoạt động. Đây là cam kết giúp MP Materials có nguồn thu ổn định lâu dài để đầu tư mạnh mẽ hơn vào công nghệ và hạ tầng.
Bên cạnh đó, JPMorgan và Goldman Sachs sẽ hỗ trợ khoản tài chính lên đến 1 tỷ USD cho dự án.
Bộ Quốc phòng cũng đồng ý mua oxit neodymium-praseodymium (NdPr), một hợp chất đất hiếm dùng để sản xuất nam châm với giá tối thiểu 110 USD/kg trong vòng 10 năm. Nếu giá thị trường giảm xuống dưới ngưỡng này, chính phủ sẽ bù khoản chênh lệch hàng quý cho MP Materials. Ngược lại, nếu giá vượt 110 USD/kg, Bộ Quốc phòng sẽ nhận 30% lợi nhuận vượt ngưỡng.
“Bộ Quốc phòng đã đàm phán một thỏa thuận rất khó khăn. Người nộp thuế sẽ kiếm được rất nhiều tiền,” ông Litinsky nói.
Litinsky cũng cho rằng mô hình đối tác công - tư lần này có thể là hình mẫu cho các ngành khoáng sản chiến lược khác, trong bối cảnh các công ty Mỹ đang chịu sức ép lớn từ “chủ nghĩa trọng thương của Trung Quốc.”
“Đây là cách mới để thúc đẩy thị trường tự do,” ông nói. “Chúng ta không chỉ bảo vệ chuỗi cung ứng của mình mà còn định hình lại vai trò của chính phủ trong việc hỗ trợ ngành công nghiệp chiến lược.”
MP Materials cũng kỳ vọng sẽ nhận thêm khoản vay 150 triệu USD từ Lầu Năm Góc trong vòng 30 ngày tới để mở rộng năng lực tách đất hiếm tại Mountain Pass, đây là trung tâm khai thác đất hiếm duy nhất tại Mỹ.
Có thể bạn quan tâm


Figma nộp hồ sơ IPO tại NYSE
Giao dịch số
Tesla bốc hơi 68 tỷ đô la sau khi Elon Musk công bố thành lập Đảng Hoa Kỳ
Giao dịch số
Jeff Bezos bán 737 triệu đô la cổ phiếu Amazon: Tín hiệu gì từ đế chế thương mại khổng lồ?
Giao dịch số