Tư tưởng của Bác Hồ về giáo dục tiếp tục soi sáng kỷ nguyên vươn mình

16:22 | 13/05/2025

Ngày 12/5 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ”.

Bắc Giang tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Rạng Đông kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm nhà máy Quận Nam Từ Liêm: Phát động 'Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ' Xuân Ất Tỵ năm 2025

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc Việt Nam, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Người cha kính yêu của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Người đã để lại cho Đảng ta, Dân tộc ta, Nhân dân ta, các thế hệ hôm nay và mai sau một di sản vô cùng cao quý, đó là: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đạo đức, Phong cách Hồ Chí Minh và Thời đại Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo, phương pháp, phong cách giáo dục hiện đại mà đậm đà giá trị truyền thống của Người, thực sự là nền tảng, kim chỉ nam định hướng, dẫn dắt tiến trình xây dựng, phát triển nền giáo dục, văn hóa, đất nước và con người Việt Nam.

a-nghia
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Hội thảo. Ảnh Trần Hiệp

Năm 1987, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết số 24C/18.65 về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghị quyết khẳng định: “Những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, trong chặng đường 80 năm kể từ ngày thành lập nước, nhất là gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn nhận thức sâu sắc, kiên định quán triệt và thực hiện tư tưởng, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh về giáo dục và đào tạo. Nền giáo dục và đào tạo Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước.

a-tuan
Hiệu trường Trường ĐH KHXH&Nhân văn, ĐHQGHN Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhấn mạnh hội thảo nhằm tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn những giá trị tư tưởng, sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đối với sự nghiệp giáo dục Việt Nam.

Đây là dịp để ôn lại, nghiên cứu và trao đổi về những nội dung cốt lõi trong bức thư Bác Hồ gửi học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo cách đây 80 năm, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn: “Những vấn đề cốt lõi của tư duy giáo dục hiện đại đang được bàn thảo hôm nay, về bản chất được thể hiện trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục cách đây hơn nửa thế kỷ, với cách biểu đạt giản dị, rất Việt Nam và vô cùng sâu sắc”.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Hội thảo hôm nay một lần nữa tiếp tục khẳng định vai trò to lớn của giáo dục trong việc rèn luyện nhân cách, phát triển con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tư tưởng quan trọng về nhân tính, thể hiện cái nhìn rất nhân bản về con người: “Hiền dữ đâu phải là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên”.

hoi-thao
Quang cảnh hội thảo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người anh hùng dân tộc, nhà chính trị, nhà văn hóa lớn, mà với tất cả ý nghĩa đầy đủ và tiêu biểu nhất, Hồ Chí Minh là nhà giáo dục vĩ đại nhất trong thời hiện đại. Phương diện đầu tiên của nhà giáo dục vĩ đại đó chính là ở chỗ truyền cảm hứng và lập chí hướng cho cả một dân tộc và cho mỗi người.

Nhìn chung, các đại biểu tham dự hội thảo nhấn mạnh trong bối cảnh mới, để đưa đất nước vươn mình tiến vào kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, cần học tập tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xác định lấy giáo dục - đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu. Đảng và Nhà nước đã và đang có nhiều chính sách quan trọng, đột phá để giáo dục tiếp tục phát triển, đạt được nhiều kết quả to lớn hơn nữa, tạo điều kiện và tiền để để phát triển con người trước yêu cầu thời đại mới và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển đất nước.

La Giang

Đường dẫn bài viết: https://dientuungdung.vn/tu-tuong-cua-bac-ho-ve-giao-duc-tiep-tuc-soi-sang-ky-nguyen-vuon-minh-9195.html

In bài biết

Bản quyền thuộc Tạp chí Điện tử và Ứng dụng.