Tìm lại nguyên bản 'Tuyên ngôn độc lập' của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong cuốn Hồ Chí Minh tuyển tập, tập 1 của Nhà xuất bản (NXB) Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2002, văn bản "Tuyên ngôn độc lập" từ các trang 699, 700, 701,702 giống với văn bản "Tuyên ngôn độc lập" trong sách Ngữ Văn 12, tập 1 xuất bản năm 2023 của NXB Giáo dục Việt Nam và không giống văn bản "Tuyên ngôn độc lập" trong sách Ngữ Văn 12, tập 2 bộ Cánh diều của NXB Đại học Huế.
Cùng là bản tuyên ngôn khai sinh nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng các văn bản trong sách Ngữ văn lớp 12 tập 1 (NXB Giáo dục Việt Nam, 2023) và tập 2 bộ Cánh diều (NXB Đại học Huế, 2024) có những điểm khác nhau đắng chú ý, khiến giáo viên và học sinh phân vân.
Sự khác biệt giữa hai bản in
Theo đối chiếu, nội dung văn bản “Tuyên ngôn độc lập” trong cuốn Hồ Chí Minh tuyển tập, tập 1 (NXB Chính trị Quốc gia, 2002), giống với bản in trong sách Ngữ văn 12 tập 1 (NXB Giáo dục Việt Nam, 2023). Tuy nhiên, văn bản trong sách Ngữ văn 12 tập 2 bộ Cánh diều (NXB Đại học Huế, 2024) lại khác biệt ở nhiều chi tiết.
Nội dung văn bản "Tuyên ngôn độc lập" trong cuốn Hồ Chí Minh tuyển tập, tập 1 của NXB Chính trị Quốc gia năm 2002, giống văn bản sách Ngữ Văn 12, tập 1 năm 2023 của NXB Giáo dục Việt Nam. |
Hai cuốn sách Ngữ Văn 12 của NXB Giáo dục Việt Nam và bộ Cánh diều của NXB Đại học Huế. |
Khởi đầu văn bản
Trong sách Ngữ văn 12 tập 1 (NXB Giáo dục Việt Nam, 2023), văn bản mở đầu bằng câu: “Hỡi đồng bào cả nước”. Trong khi đó, sách Ngữ văn 12 tập 2 bộ Cánh diều lại không có câu này.
Các điểm khác biệt trong nội dung
-
Câu: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng” (đã nhắc tới quyền) được ghi trong sách NXB Giáo dục Việt Nam, trong khi sách NXB Đại học Huế ghi: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng” (không nhắc tới quyền).
-
Các chi tiết như: “chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào” được thay bằng: “chúng tuyệt đối không cho dân ta một chút tự do dân chủ nào”.
Khác biệt về dấu câu
-
Trong bản in của NXB Giáo dục Việt Nam, Bác Hồ không sử dụng dấu gạch ngang (“-”) mà chỉ sử dụng dấu phẩy (“,”).
Trong khi đó, bản in của bộ Cánh diều thay dấu phẩy bằng dấu gạch ngang ở một số nơi, chẳng hạn: “Về chính trị – Chúng tuyệt đối không cho dân ta một chút tự do dân chủ nào”
Còn nội dung văn bản bản "Tuyên ngôn độc lập" trong sách Ngữ Văn 12 bộ Cánh diều của NXB Đại học Huế có nhiều chỗ in khác khiến giáo viên, học sinh rất băn khoăn. |
Ý kiến từ giáo viên và người học
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, một giáo viên nghỉ hưu, chia sẻ: “Bản Tuyên ngôn độc lập là văn kiện lịch sử vô giá. Các điểm khác biệt giữa hai bộ sách là không hợp lý, nhất là việc loại bỏ câu mở đầu ‘Hỡi đồng bào cả nước’.”
Có chung quan điểm, anh Trần Ngọc Hải (TP. Sóc Trăng) cho biết: “Tôi đã học kỹ lưỡng bài này khi còn là học sinh lớp 12. Việc thay đổi nội dung như vậy thật không thể hiện đúng tinh thần nguyên bản của Bác Hồ.”
Câu hỏi về sự khác biệt giữa các bản in “Tuyên ngôn độc lập” cần được cơ quan chức năng và nhà xuất bản làm rõ. Nguyên tác tôn trọng nguyên bản lịch sử và đảm bảo tính thống nhất trong việc trích dẫn là yêu cầu đặt lên hàng đầu, nhất là đối với tác phẩm có ý nghĩa vị đại như “Tuyên ngôn độc lập”.