Anh muốn siết chặt nhập cư, doanh nghiệp lo thiếu lao động
Chính phủ Anh vừa công bố kế hoạch siết chặt các quy định nhập cư đối với người lao động nước ngoài, nhấn mạnh mục tiêu ưu tiên người lao động trong nước. Tuy nhiên, quyết định này đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp, lo ngại rằng các ngành quan trọng như y tế và chăm sóc xã hội sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng.
![]() |
Các doanh nghiệp Anh đang cảnh báo chính phủ Anh rằng kế hoạch thắt chặt các quy định nhập cư đối với người lao động nước ngoài sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động và có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Getty. |
Thắt chặt quy định nhập cư
Theo kế hoạch mới, Anh sẽ nâng cao yêu cầu về tiếng Anh, kỹ năng và trình độ học vấn đối với người lao động nước ngoài. Chính phủ cũng quy định người lao động nhập cư phải sống tại Anh trong 10 năm trước khi có quyền xin ở lại vô thời hạn.
Thủ tướng Keir Starmer khẳng định chính sách mới sẽ “giành lại quyền kiểm soát biên giới” và “chấm dứt thí nghiệm thất bại về biên giới mở”, khi lượng người di cư vào Anh đạt mức kỷ lục 906.000 trong năm 2023. Ông cho biết cải cách này nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc ưu tiên tuyển dụng lao động người Anh.
Trong khi chính phủ khẳng định chính sách sẽ tạo điều kiện cho lao động trong nước, các doanh nghiệp lại lo ngại việc siết chặt nhập cư sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là trong các ngành như y tế và chăm sóc xã hội – vốn phụ thuộc nhiều vào lao động nhập cư.
Một quản lý viện dưỡng lão tại miền Nam nước Anh chia sẻ với CNBC rằng việc tuyển dụng lao động người Anh là “rất khó khăn” và phần lớn lực lượng lao động tại cơ sở của họ là người Ấn Độ. “Nếu không có những người này, cư dân của chúng tôi sẽ không có ai chăm sóc”, người quản lý nói.
Martin Green, giám đốc điều hành của Care England, cảnh báo rằng kế hoạch của chính phủ sẽ gây ra “hậu quả nghiêm trọng cho một lĩnh vực vốn đã chịu áp lực lớn”. Ông nhấn mạnh rằng chăm sóc xã hội không phải là công việc “kỹ năng thấp” như chính phủ đánh giá.
![]() |
Các ngành truyền thống phụ thuộc vào lao động nhập cư, chẳng hạn như y tế và chăm sóc xã hội, cảnh báo rằng những thay đổi về quy định sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt lao động vốn đã tồn tại trên thị trường lao động. Ảnh: Getty. |
Cân bằng giữa đào tạo trong nước và nhập cư
Giới lãnh đạo doanh nghiệp Anh cho rằng, trong khi việc đẩy mạnh đào tạo người lao động trong nước là cần thiết, một hệ thống nhập cư linh hoạt, kiểm soát được vẫn là yếu tố sống còn.
“Tình trạng thiếu hụt lao động không thể giải quyết chỉ bằng đào tạo. Với dân số Anh già đi, việc đảm bảo nguồn nhân lực ổn định là rất quan trọng”, Rain Newton-Smith, giám đốc điều hành của Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI), nhận định.
Phó giám đốc chính sách Phòng Thương mại Anh Jane Gratton cũng cảnh báo rằng tốc độ thay đổi trong chính sách nhập cư không nên vượt quá khả năng đáp ứng của thị trường lao động, tránh làm gián đoạn hoạt động kinh doanh.
Kế hoạch siết chặt nhập cư của chính phủ Anh đang đối mặt với bài toán cân bằng giữa nhu cầu bảo vệ người lao động trong nước và đảm bảo nguồn nhân lực cho nền kinh tế. Các doanh nghiệp kêu gọi chính phủ không chỉ tập trung vào việc kiểm soát nhập cư mà cần xây dựng một chiến lược toàn diện nhằm đào tạo, phát triển nhân lực trong nước, đồng thời duy trì khả năng thu hút tài năng quốc tế.
Bài toán giữa bảo vệ người lao động nội địa và đảm bảo nguồn nhân lực sẽ là thách thức không nhỏ với chính phủ Anh trong thời gian tới.
Thế Kiên