Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương tăng nhẹ khi nhà đầu tư chờ diễn biến từ Mỹ - Trung - Nhật
Thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương chủ yếu tăng điểm trong phiên giao dịch sáng 23/5 khi giới đầu tư đánh giá một loạt dữ liệu kinh tế quan trọng từ Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand, đồng thời theo sát tín hiệu đối thoại mới giữa Mỹ - Trung - Nhật giữa lúc bối cảnh địa chính trị và lạm phát toàn cầu đang trở nên phức tạp.
![]() |
Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương tăng nhẹ khi nhà đầu tư chờ diễn biến từ Mỹ - Trung - Nhật. Citi dự kiến tăng trưởng sẽ yếu đi vào nửa cuối năm 2025. |
Thị trường chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương chủ yếu tăng vào thứ Sáu 23/5, khi các nhà đầu tư đánh giá hàng loạt dữ liệu kinh tế từ khu vực.
Chứng khoán khu vực đồng loạt tăng nhẹ
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,04%, còn Topix nhích 0,89%, dẫn dắt đà tăng trong khu vực. Kospi của Hàn Quốc tăng 0,36%, tuy nhiên Kosdaq giảm nhẹ 0,34% phản ánh sự phân hóa trong nhóm vốn hóa nhỏ.
S&P/ASX 200 của Úc ghi nhận mức tăng 0,33%, trong khi Hang Seng của Hồng Kông và CSI 300 của Trung Quốc đại lục mở cửa đi ngang.
Theo dữ liệu do chính phủ Nhật công bố, lạm phát cơ bản (không bao gồm giá thực phẩm tươi sống) trong tháng 4 tăng lên 3,5%, vượt kỳ vọng và đạt mức cao nhất kể từ tháng 1/2023. Áp lực chính đến từ đà tăng mạnh của giá gạo, khiến giới phân tích nghiêng về khả năng Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) sẽ thận trọng hơn với các quyết định tăng lãi suất sắp tới.
“Chúng tôi coi giai đoạn hiện tại là sự bình lặng trước cơn bão. Tăng trưởng trong nửa cuối năm có thể yếu đi rõ rệt,” nhà kinh tế trưởng toàn cầu Nathan Sheets của Citi cảnh báo.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Hàn Quốc tháng 4 chỉ tăng 0,9% so với cùng kỳ, giảm so với mức 1,3% của tháng 3. Trên cơ sở hàng tháng, PPI thậm chí còn giảm 0,1%, cho thấy áp lực giá đầu vào với các nhà sản xuất đã dịu lại.
Trong khi đó, doanh số bán lẻ tại New Zealand trong quý I/2025 giảm nhẹ, củng cố thêm lo ngại về triển vọng tiêu dùng nội địa giữa lúc chi phí sinh hoạt vẫn neo cao.
Mỹ - Trung đồng thuận duy trì liên lạc, ám chỉ đối thoại thương mại tiếp diễn
Một tín hiệu tích cực đến từ Bắc Kinh khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận Thứ trưởng Mã Triều Húc đã điện đàm với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Christopher Landau, thống nhất duy trì liên lạc thường xuyên. Dù không công bố chi tiết nội dung, động thái này được hiểu là đàm phán thương mại Mỹ - Trung đang dần được khởi động lại trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều đang chịu sức ép từ thuế quan và lạm phát.
Trái ngược với tiến triển Mỹ - Trung, Eurasia Group đánh giá khả năng Mỹ - Nhật đạt thỏa thuận thương mại toàn diện tại Hội nghị G7 giữa tháng 6 đã giảm từ 65% xuống còn 55%. Nguyên nhân chính là thuế nhập khẩu ô tô Nhật Bản vẫn là “nút thắt” chưa có lời giải.
“Nếu Mỹ đồng ý đàm phán sâu hơn về thuế xe hơi, cửa đạt thỏa thuận sẽ rộng mở hơn,” ông David Boling, Giám đốc thương mại Nhật - châu Á của Eurasia Group nhận định.
Ở chiều ngược lại, thị trường Mỹ khép lại phiên đêm qua với diễn biến lình xình. Chỉ số S&P 500 giảm nhẹ 0,04%, Dow Jones gần như đi ngang trong khi Nasdaq tăng 0,28%, được hỗ trợ bởi nhóm cổ phiếu công nghệ.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 30 năm của Mỹ lên mức cao nhất kể từ năm 2023 sau khi Quốc hội thông qua một dự luật bị lo ngại sẽ làm trầm trọng thêm thâm hụt ngân sách Hoa Kỳ.
Ngân hàng Citi cảnh báo nền kinh tế Mỹ và toàn cầu có thể bước vào giai đoạn khó khăn trong nửa cuối năm 2025. Việc các doanh nghiệp và người tiêu dùng chi tiêu sớm để né thuế quan có thể khiến nhu cầu suy giảm mạnh trong các quý tới.
“Tăng trưởng sẽ suy yếu khi tác động của thuế quan ngấm vào giá cả thực tế. Mọi thứ chỉ vừa mới bắt đầu,” Citi dự báo.
Dù thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương khởi sắc nhẹ, giới đầu tư vẫn đang “nín thở” chờ các dữ liệu then chốt sắp công bố từ Singapore (lạm phát tháng 4) và Đài Loan (sản lượng công nghiệp) trong ngày.
Bức tranh hiện tại cho thấy niềm tin tăng trưởng đang dần khôi phục, nhưng những rủi ro về lạm phát, thuế quan và đàm phán thương mại đình trệ vẫn đang đè nặng lên các quyết định đầu tư.
Citi dự đoán triển vọng kinh tế sẽ tệ nhất trong nửa cuối năm. Ngân hàng này cho rằng một phần nguyên nhân là do người tiêu dùng và các công ty Hoa Kỳ tăng chi tiêu trước để hưởng thuế quan. “Khi toàn bộ tác động của thuế quan được đưa vào thực tế - có thể là trong vài tháng tới - nhu cầu có thể phải đối mặt với một đòn kép. Thuế quan có thể làm giảm sức mua thực tế và ngoài ra, các giao dịch mua trước sẽ được ‘trả lại’”, nhà kinh tế trưởng toàn cầu Nathan Sheets đã viết trong một lưu ý vào thứ Tư. “Do đó, chúng tôi coi giai đoạn hiện tại vẫn là ‘sự bình lặng trước cơn bão’ và chúng tôi dự kiến tăng trưởng trong nửa cuối năm sẽ yếu đi”. |