Phó thủ tướng mời doanh nghiệp Nhật sớm đầu tư bán dẫn tại Việt Nam
Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho rằng Tập đoàn Kioxia nên tận dụng cơ hội, sớm đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam.
Sản xuất bán dẫn tại Việt Nam so với Đài Loan Bước tiến mới phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam Ngành công nghiệp điện tử: Nền tảng phát triển vi mạch bán dẫn tại Việt Nam |
Trong khuôn khổ chuyến công tác dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 30 tại Nhật Bản, Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng có cuộc gặp ông Wantanbe Tomoharu, Phó chủ tịch điều hành Tập đoàn Kioxia, ngày 27/5.
Phó thủ tướng cho rằng vai trò của Kioxia sẽ ngày càng quan trọng trong việc định hình hạ tầng công nghệ số toàn cầu. Ông đề nghị hai bên tăng hợp tác để mở trung tâm đào tạo quy mô lớn, xây dựng trung tâm dữ liệu, trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D).
Lãnh đạo Chính phủ cũng đề xuất tập đoàn này phối hợp với UBND thành phố Hà Nội sớm ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm hiện thực hóa dự án đầu tư sản xuất vi mạch bán dẫn công nghệ AI tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Theo ông, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm bán dẫn của khu vực và là "mắt xích" quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn. Nhà điều hành đã ban hành Chiến lược phát triển ngành bán dẫn, đang triển khai nhiều giải pháp phát triển hệ sinh thái bán dẫn như thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư, Đề án đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn, thu hút FDI và thúc đẩy hợp tác công-tư, tư-tư trong các công đoạn...
"Việt Nam đang hội tụ đầy đủ để phát triển ngành bán dẫn và Kioxia lựa chọn Việt Nam là một quyết định vô cùng đúng đắn", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
![]() |
Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tại cuộc gặp lãnh đạo Tập đoàn Kioxia, ngày 27/5. Ảnh: VGP |
Phản hồi lại đề nghị của Phó thủ tướng, ông Wantanbe Tomoharu cho biết Kioxia sẽ nghiên cứu, triển khai thực tiễn các ý kiến về việc mở rộng tiếp nhận kỹ sư Việt Nam, tham gia đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn và tăng hợp tác với các bộ ngành, doanh nghiệp Việt Nam.
Kioxia (tiền thân là Toshiba Memory Corporation) thành lập năm 2018, là doanh nghiệp sản xuất bộ nhớ hàng đầu của Nhật Bản với giá trị vốn hóa khoảng 8,1 tỷ USD. Tập đoàn này chuyên phát triển, sản xuất bộ nhớ flash (NAND) và ổ đĩa thể rắn (SSD) cho các lĩnh vực như điện toán đám mây, điện thoại thông minh, siêu máy tính và ôtô.
Kioxia đã tiếp nhận 50 lao động người Việt Nam, trong đó 9 người đang làm việc tại nhà máy thuộc tỉnh Mie, 3 kỹ sư làm việc Trung tâm nghiên cứu của tập đoàn. Lao động Việt Nam được hưởng đãi ngộ tốt, đóng góp tích cực cho tập đoàn và nền kinh tế Nhật Bản.
Phó thủ tướng gợi ý Kioxia nên lập cơ sở dữ liệu để kết nối những lao động đã và đang làm việc cho tập đoàn, hỗ trợ kỹ sư Việt có trình độ cao, nắm được công nghệ và kỹ thuật muốn khởi nghiệp, tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn. Ông cũng đề xuất tập đoàn này có chương trình hợp tác đào tạo và thực tập cho sinh viên Việt Nam.
ĐT&ƯD