Bước tiến mới phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam
Toàn cảnh diễn đàn SEMI SEA TalentCONNECT ngày 28/9 tại Trường Đại Học Công Nghệ - Đại Học Quốc Gia Hà Nội.
SEMI là một tổ chức đại diện cho chuỗi cung ứng thiết kế và sản xuất điện tử, kết nối hơn 2.500 thành viên và 1.3 triệu chuyên gia trên toàn thế giới. Mục tiêu của Hội nghị VBS 2023 là giới thiệu tiềm năng của Việt Nam trong chuỗi giá trị công nghiệp vi mạch bán dẫn, đồng thời tạo điều kiện để các cơ quan nhà nước, các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử và vi mạch có cơ hội trao đổi, thảo luận về chính sách và giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ Hội nghị VBS 2023, diễn đàn "SEMI SEA TalentCONNECT" do SEMI SEA - thành viên của SEMI toàn cầu, cùng Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông - Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), và Trường Đại Học Công Nghệ - Đại Học Quốc Gia Hà Nội đồng tổ chức. Diễn đàn này nhằm mục đích tạo cơ hội kết nối tài năng, giúp sinh viên Việt Nam và những người trẻ tuổi có cái nhìn sâu hơn về ngành công nghiệp bán dẫn trong khu vực Đông Nam Á cũng như trên toàn thế giới. Đồng thời, diễn đàn cũng tập trung vào việc chia sẻ, thảo luận về cơ hội hợp tác giữa SEMI và các trường Đại Học Việt Nam để phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn trong tương lai.
Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT-TT, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam phát biểu tại hội nghị ngày 28/9.
Tại diễn đàn "SEMI SEA TalentCONNECT", Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT-TT, Bộ TT&TT Việt Nam cho biết: Việt Nam đang có những bước tiến lớn trong công cuộc phát triển nền kinh tế, trong đó đổi mới công nghệ bằng cách chuyển đổi kỹ thuật số được kỳ vọng sẽ là động lực chính cho việc tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thập kỷ này. Đồng thời, Việt Nam đã sẵn sàng cho sự mở rộng đột phá của ngành công nghiệp bán dẫn.
Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay được giao chịu trách nhiệm xây dựng Chiến lược Phát triển Công nghiệp Vi mạch Bán dẫn cho Việt Nam đến năm 2030, với tầm nhìn tới năm 2035 (Chiến lược). Chiến lược này sẽ đề ra tầm nhìn, mục tiêu, lộ trình, nhiệm vụ, giải pháp cùng với các chính sách ưu đãi đặc biệt nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp điện tử nói chung và ngành công nghiệp Vi mạch Bán dẫn Việt Nam nói riêng.
Để triển khai xây dựng Chiến lược này, Cục công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNICT), thuộc Bộ TT&TT, phối hợp cùng Hiệp hội Thiết bị và Bán dẫn Toàn cầu (SEMI), đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2023 (VBS 2023) với chủ đề "Kết nối Việt Nam với hệ sinh thái Bán dẫn Đông Nam Á".
Diễn đàn có sự tham dự của Tiến sĩ Trần Đức Lai - Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam cùng đông đảo các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Hội nghị thu hút hơn 200 đại biểu, bao gồm các diễn giả, doanh nghiệp Vi mạch Bán dẫn trong khu vực và quốc tế, đồng thời là thành viên của SEMI, cùng với các đại biểu đến từ Việt Nam.
Mục tiêu của Hội nghị VBS 2023 bao gồm: Giới thiệu tiềm năng của Việt Nam tham gia chuỗi giá trị công nghiệp Vi mạch Bán dẫn; Trao đổi, thảo luận giữa các cơ quan nhà nước và các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, Vi mạch trong nước và quốc tế, nhằm đề xuất các chính sách và giải pháp để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái Bán dẫn tại Việt Nam; Chia sẻ cơ hội hợp tác với các trường Đại học Việt Nam và SEMI để phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực Vi mạch Bán dẫn.
Ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nguồn nhân lực hiện nay chỉ đáp ứng chưa tới 20%. Đây là thông tin của Bộ Trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM và Bộ Thông tin và Truyền thông.