Ngành công nghiệp điện tử: Nền tảng phát triển vi mạch bán dẫn tại Việt Nam
Vai trò của công nghiệp điện tử
Năm 2023, các sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện sử dụng tới 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất lớn nhất khu vực. Không chỉ là ngành độc lập, công nghiệp điện tử mà còn là bàn đạp để phát triển các lĩnh vực khác như IoT, trí tuệ nhân tạo (AI) và đặc biệt là bán dẫn.
Tỷ trọng giá trị xuất khẩu của mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện liên tục tăng lên trong những năm qua. Nguồn: Tổng cục Thống kê
Ngành Công nghiệp điện tử không chỉ là lĩnh vực độc lập mà còn tạo nền cho sự phát triển của các ngành công nghiệp công nghệ cao khác, đặc biệt là bán dẫn. Các sản phẩm điện tử như điện thoại, máy tính, ô tô đều cần sử dụng các chip bán dẫn, tạo nhu cầu lớn vể sản xuất bán dẫn tại chỗ.
Sự phát triển của các công nghệ như Internet of Things (IoT) và Trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở ra những triển vọng để phát triển ngành điện tử và bán dẫn, thúc đẩy nhu cầu về linh kiện điện tử tiên tiến. Điều này không chỉ tạo ra một thị trường tiềm năng cho cả ngành điện tử và bán dẫn mà còn cung cấp sự đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cho công nghệ quốc gia.
Chip bán dẫn có thể coi là ‘bộ não” của mọi thiết bị điện tử, là thành phần không thể thiếu trong hầu hết các sản phẩm công nghệ, từ điện thoại, máy tính, tivi thông minh đến ô tô điện và các thiết bị IoT. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), 5G, blockchain, và Internet vạn vật (IoT) đang tạo ra nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành bán dẫn. Ngoài ra nó còn có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, và Đài Loan trong ngành bán dẫn thể hiện tầm quan trọng chiến lược của lĩnh vực này đối với an ninh kinh tế và công nghệ.
Thách thức lớn của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam
Ngành công nghiệp bán dẫn được xem là "trái tim" của nền công nghệ hiện đại, song hành trình phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn, từ nhân lực, chi phí đầu tư đến cạnh tranh quốc tế và chuỗi cung ứng.
TS. Bùi Việt Sơn, Chuyên gia Công nghệ Bán dẫn, Tập đoàn Viettel chia sẻ tại Hội nghị. Ảnh: HC
Tại Hội nghị Quốc gia về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin lần thứ XXVII (REV-ECIT 2024) được tổ chức ngày 14/12/2024 tại Trường Đại học Phenikaa, TS. Bùi Việt Sơn, Chuyên gia Công nghệ Bán dẫn, Tập đoàn Viettel đã chỉ ra 04 thách thức lớn của Việt Nam trong phát triển công nghiệp bán dẫn.
Thứ nhất, thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên sâu: Nguồn nhân lực được xem là một trong những bài toán khó nhất. Hiện tại, số lượng kỹ sư có khả năng thiết kế và phát triển chip tại Việt Nam còn rất hạn chế. Các chương trình đào tạo trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của ngành. Nhiều kỹ sư chủ yếu tham gia các khâu sản xuất cơ bản, trong khi những công đoạn đòi hỏi kỹ năng cao như thiết kế và sản xuất công nghệ cao vẫn còn khoảng cách lớn về trình độ.
Thứ hai, chi phí đầu tư cao, rủi ro lớn: Ngành bán dẫn không chỉ yêu cầu vốn đầu tư khổng lồ mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để xây dựng một nhà máy sản xuất chip hiện đại, doanh nghiệp cần hàng tỷ USD, từ khâu xây dựng, nhập khẩu thiết bị đến vận hành. Đây là con số vượt ngoài khả năng của phần lớn doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, việc đầu tư vào bán dẫn cần thời gian dài để sinh lợi, đòi hỏi các nhà đầu tư phải kiên trì và chấp nhận rủi ro lớn.
Thứ ba, cạnh tranh quốc tế gay gắt: Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các quốc gia hàng đầu trong ngành bán dẫn như Đài Loan, Hàn Quốc, và Singapore. Các quốc gia này không chỉ sở hữu công nghệ hiện đại mà còn có hệ thống hạ tầng hoàn thiện và nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này đặt Việt Nam vào tình thế bất lợi khi gia nhập thị trường.
Thứ tư, hạn chế trong chuỗi cung ứng: Một điểm yếu khác là sự phụ thuộc vào nhập khẩu các vật liệu và thiết bị quan trọng như silicon wafer, hóa chất xử lý, và thiết bị quang khắc. Điều này làm tăng chi phí sản xuất và giảm tính cạnh tranh của ngành bán dẫn trong nước. Việt Nam cũng chưa phát triển được mạng lưới doanh nghiệp nội địa tham gia sâu vào các giai đoạn của chuỗi cung ứng, gây khó khăn cho việc xây dựng nền tảng công nghiệp bền vững.
Dù đối mặt với nhiều thách thức, ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ nếu có chiến lược đầu tư bài bản, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng hệ sinh thái công nghiệp đồng bộ. Đây không chỉ là bài toán của doanh nghiệp mà còn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, các trường đại học, và các tập đoàn công nghệ lớn. Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi đầu tư, định hướng chiến lược từ Chính phủ và sự tham gia của các trường đại học, viện nghiên cứu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nguồn nhân lực và phát triển năng lực nghiên cứu, sản xuất trong ngành bán dẫn.
Viettel và chiến lược phát triển bán dẫn
Nhận thức rõ vai trò chiến lược của ngành công nghiệp bán dẫn, Viettel đã tiên phong khởi động các dự án nghiên cứu và thiết kế chip từ năm 2017, đạt được những thành tựu quan trọng. Đây được xem là bước đi chiến lược nhằm đưa Việt Nam gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu.
Dòng Chip 5G DFE đầu tiên của Việt Nam thuộc hệ sinh thái sản phẩm 5G do kỹ sư Viettel làm chủ hoàn toàn thiết kế. Ảnh: Viettel
Sau gần một thập kỷ nỗ lực, Viettel đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực bán dẫn. Về sản phẩm, doanh nghiệp này đã phát triển thành công hai chip dành cho trạm thu phát sóng 5G và một chip chuyên dụng phục vụ lĩnh vực quốc phòng. Đây là những sản phẩm tiên phong, khẳng định khả năng làm chủ công nghệ cốt lõi của doanh nghiệp. Đồng thời, về công nghệ, Viettel đã làm chủ quy trình thiết kế chip toàn trình, đăng ký hơn 10 bằng sáng chế quốc tế và công bố hàng loạt bài báo khoa học tại các hội nghị công nghệ uy tín trên thế giới. Những thành quả này không chỉ minh chứng cho tiềm lực của Viettel mà còn mở ra cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam khác tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn.
Viettel đã xây dựng tầm nhìn chiến lược dài hạn cho ngành bán dẫn, dựa trên công thức C = SET + 1 (trong đó: C: Chip (chip bán dẫn); S: Specialized (chuyên dụng, chip chuyên dụng); E: Electronics (điện tử, công nghiệp điện tử); T: Talent (nhân tài, nhân lực); +1: Việt Nam (Việt Nam là điểm đến mới an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghiệp bán dẫn).
Không chỉ tập trung vào phát triển sản phẩm và công nghệ, chiến lược của Viettel còn mang tầm nhìn lớn hơn: nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu. Những bước đi bài bản và đầu tư mạnh mẽ của doanh nghiệp không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn đáp ứng nhu cầu công nghệ ngày càng cao của thế giới.