Hội nghị REV-ECIT 2024: Bứt phá trong nghiên cứu vi mạch bán dẫn
Phiên báo cáo đặc biệt sáng 14/12 về Phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Ảnh HC
Theo Ban tổ chức, REV-ECIT 2024 đã nhận được 159 công trình khoa học của các nhà nghiên cứu và chuyên gia. Sau quá trình xét duyệt nghiêm túc, kỹ lưỡng với sự tham gia của hơn 358 lượt phản biện, Ban tổ chức Hội nghị đã chấp nhận 128 công trình khoa học tiêu biểu (chiếm 80%) để trình bày và xuất bản trong Kỷ yếu Hội nghị.
Các chuyên đề của Hội nghị bao trùm toàn bộ các lĩnh vực điện tử, truyền thông và công nghệ thông tin cùng với phiên đặc biệt về Phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, sẽ mang đến những phân tích sâu sắc và chiến lược phát triển quan trọng cho những lĩnh vực công nghệ mũi nhọn của Việt Nam dưới góc nhìn của các nhà khoa học. Thu hút 81 bài được trình bày dưới dạng poster , 2 keynotes, 1 invited talk và 47 báo cáo. Cụ thể: Tiểu ban đặc biệt: Công nghệ Vi mạch bán dẫn; Tiểu ban đặc biệt: Công nghệ và ứng dụng của thiết bị bay không người lái (UAV); Tiểu ban Truyền thông và Vô tuyến; Tiểu ban Kỹ thuật Điện tử; Tiểu ban Xử lý tín hiệu; Tiểu ban Công nghệ Thông tin và Mạng máy tính.
Trong 128 công trình tiêu biểu được chấp nhận, có 05 công trình nghiên cứu xuất sắc, trong đó có 03 công trình nghiên cứu của các nhà khoa học và 02 công trình nghiên cứu của sinh viên đến từ các trường đại học trên toàn quốc. 03 công trình nghiên cứu xuất sắc của các nhà khoa học lần lượt là: Công trình: Hốc cộng hưởng tinh thể quang tử Silic sử dụng cấu trúc tô pô có hệ số phẩm chất cao ở dải sóng THz của nhóm tác giả Nguyễn Xuân Nhất, Lương Duy Mạnh, Mai Văn Tá, Trần Thị Thu Hương đến từ Khoa Vô tuyến điện tử, Trường Đại học Kỹ thuật Lê Quý Đôn và Phùng Ngọc Sơn đến từ Trung tâm 80, Cục tác chiến Điện tử; Công trình: Đề xuất mô hình phân tích tấn công mạng dựa trên các mô hình CKC, MITRE ATT&CK và UKC của tác giả Đặng Vũ Hùng đến từ Trung tâm Công nghệ thông tin và Giám sát an ninh mạng, Ban Cơ yếu Chính phủ; Công trình: Đánh giá hiệu năng hệ thống mmWave MIMO sử dụng định hướng búp sóng lai và các bộ ADC có độ phân giải thấp kết hợp lựa chọn ăng-ten phát của nhóm tác giả Nguyễn Đình Ngọc, Nguyễn Thạc Dũng đến từ Trường Đại học Thông tin liên lạc, Nha Trang, Khánh Hòa và nhóm tác giả Trần Đăng Luân, Nguyễn Thúy Anh đến từ Khoa điện tử, Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội.
02 công trình nghiên cứu xuất sắc của sinh viên lần lượt là: Công trình: Nhận diện cảm xúc khuôn mặt dựa trên kết hợp mô hình EfficientNet và CBAM của nhóm tác giả Nguyễn Việt Dũng, Bùi Ngọc Dũng đến từ Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học giao thông vận tải, Hà Nội; Công trình: Phân Tích Hiệu Năng Mạng CR-NOMA Hỗ Trợ Bởi Bề Mặt Phản Xạ Thông Minh Tích Cực (ARIS) của nhóm tác giả Nguyễn Ngọc Thùy Trang, Chu Hải Sinh, Bùi Nguyễn Minh Quân, Nguyễn Hồng Nhu đến từ Khoa Điện Tử Viễn Thông, Trường Đại Học Sài Gòn.
Lãnh đạo Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam, các vị đại biểu cùng các nhà khoa học trên toàn quốc tham dự Phiên báo cáo đặc biệt sáng 14/12. Ảnh HC
81 công trình khoa học được trình bày dưới dạng poster tại Hội nghị REV-ECIT 2024. Ảnh: HC
Các gian hàng triển lãm với nhiều công nghệ mới thu hút khách mời tham gia. Ảnh: HC
Theo GS. Trần Đức Tân, Trưởng ban tổ chức địa phương Trường Đại học Phenikaa, Hội nghị REV-ECIT 2024 các công trình khoa học tham dự bao phủ nhiều lĩnh vực quan trọng như công nghệ vi mạch bán dẫn, ứng dụng UAV, truyền thông 5G, IoT, trí tuệ nhân tạo, và xử lý tín hiệu. Điều này phản ánh xu hướng nghiên cứu hiện đại và nhu cầu thực tiễn của ngành công nghiệp.
"Các tiểu ban đặc biệt như "Công nghệ Vi mạch bán dẫn" và "Ứng dụng UAV" tập trung vào những vấn đề kỹ thuật chuyên biệt như thiết kế FPGA, điều khiển UAV bầy đàn, và tích hợp hệ thống. Những chủ đề này có tiềm năng ứng dụng rộng lớn trong công nghiệp và quốc phòng", GS. Trần Đức Tân nhấn mạnh.
GS. Trần Đức Tân nhận định rằng: "Các nghiên cứu trình bày tại hội nghị không chỉ mang tính lý thuyết mà còn định hướng ứng dụng thực tế, đặc biệt trong phát triển vi mạch bán dẫn – một lĩnh vực trọng điểm với tiềm năng phát triển ở Việt Nam".
REV-ECIT 2024 là hội nghị khoa học thường niên của Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam (REV), được bảo trợ bởi Bộ Thông tin và Truyền thông, bắt đầu từ năm 1990. Đây là một trong những diễn đàn khoa học tầm cỡ quốc gia hội tụ nhiều nhà khoa học hàng đầu cả nước trong các lĩnh vực Điện tử, Viễn thông, Công nghệ thông tin và các lĩnh vực liên quan.