Thị trường châu Á trái chiều trước đàm phán Mỹ - Trung
Thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương khởi đầu tuần mới trong trạng thái trái chiều khi giới đầu tư tập trung theo dõi cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, diễn ra tại Stockholm vào cuối ngày hôm nay 28/7.
![]() |
“Chúng tôi cho rằng các đợt biến động sắp tới chủ yếu mang tính ngắn hạn,” Bà Ulrike Hoffmann-Burchardi, Giám đốc đầu tư tại UBS Global Wealth Management nhận định. |
Cuộc gặp được dẫn dắt bởi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent và Phó Thủ tướng Trung Quốc He Lifeng. Trả lời phỏng vấn Fox Business, ông Bessent kỳ vọng hai bên sẽ gia hạn thỏa thuận đình chiến thương mại và mở rộng thảo luận sang các vấn đề mới như việc Trung Quốc mua dầu từ Nga và Iran.
Đàm phán Mỹ - Trung diễn ra ngay sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thông báo đã đạt thỏa thuận với Liên minh châu Âu vào cuối tuần qua. Trước đó, ông Trump từng đe dọa áp thuế 30% lên phần lớn hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, mức thuế áp dụng với EU đã được điều chỉnh giảm xuống 15%, góp phần hạ nhiệt lo ngại căng thẳng thương mại lan rộng.
Chứng khoán khu vực phân hóa
Tính đến 8:10 sáng giờ Singapore, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,85%, trong khi Topix mất 0,44%. Ngược lại, Kospi của Hàn Quốc tăng 0,15% và Kosdaq giữ nguyên. Tại Úc, chỉ số S&P/ASX 200 nhích nhẹ 0,2%.
Ở mảng cổ phiếu riêng lẻ, Samsung Electronics tăng 3,49% sau khi công bố ký hợp đồng cung cấp chip trị giá 16,5 tỷ USD, dù không tiết lộ tên đối tác. Ngược lại, Advantest Corp – nhà sản xuất thiết bị bán dẫn Nhật Bản – lao dốc 10,35% sau khi bán ra gần 56.000 cổ phiếu quỹ với tổng giá trị hơn 598 triệu yên.
Phố Wall lạc quan, nhưng rủi ro vẫn rình rập
Ba chỉ số chính tại Mỹ đều khép lại tuần trước trong sắc xanh. S&P 500 tăng 0,40% lên 6.388,64 điểm, Nasdaq Composite tăng 0,24% và Dow Jones tăng 0,47% lên gần 44.902 điểm.
Tuy nhiên, giới phân tích vẫn tỏ ra thận trọng. Bà Ulrike Hoffmann-Burchardi, Giám đốc đầu tư tại UBS Global Wealth Management, cảnh báo nguy cơ biến động từ các yếu tố chính trị như sức ép lên Fed, hạn chót thương mại ngày 1/8 mà Nhà Trắng đưa ra, hay tác động từ thuế quan có thể tạo ra những đợt rung lắc tạm thời trên thị trường.
Đức Thuận