Tìm giải pháp trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh
Được sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chiều 17/4, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các bên liên quan tổ chức tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp 2025: Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Diễn đàn góp phần gợi mở các giải pháp, kiến nghị để nhận diện những trợ lực quan trọng cho doanh nghiệp vượt qua những khó khăn thách thức; đồng thời nêu ra những cơ hội, các bài học kinh nghiệm để giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới.
Theo số liệu công bố mới đây của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tăng trưởng kinh tế quý I/2025 đạt 6,93% là mức tăng trưởng rất tích cực. Con số này đạt được đã thể hiện sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị trước những biến động nhanh, bất thường của khu vực và trên thế giới.
![]() |
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng phát biểu tại Hội nghị |
Tính chung quý I/2025, cả nước có hơn 72,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 18,6% so cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có hơn 24,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Tuy nhiên, theo khảo sát của VCCI trên quy mô toàn quốc cho thấy chỉ 32% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tiếp theo. Mặc dù đã có gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng với số lượng không nhỏ doanh nghiệp đang suy giảm niềm tin vào thị trường như hiện nay, mục tiêu đạt 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2023 đang là thách thức rất lớn.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho biết, diễn đàn doanh nghiệp năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, tác động mạnh mẽ đến kinh tế, thương mại, đầu tư và thị trường tài chính toàn cầu, cũng như Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh do chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, xung đột địa chính trị, đứt gãy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào.
Do đó, để có thể bứt phá trong năm 2025, việc cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp sẽ giúp nâng cao khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh để từng bước làm chủ công nghệ lõi, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu là yêu cầu quan trọng được đặt ra thời gian tới, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
![]() |
Diễn đàn góp phần gợi mở các giải pháp, kiến nghị để nhận diện những trợ lực quan trọng cho doanh nghiệp vượt qua những khó khăn thách thức |
Thực tế thời gian qua, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều quyết sách để phát triển doanh nghiệp, hướng tới bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước. Tuy vậy, trong một thế giới biến động, các doanh nghiệp cũng cần thêm nhiều trợ lực hơn nữa từ cơ chế, chính sách.
Theo các diễn giả tại Diễn đàn, sự phát triển của nền kinh tế và khu vực doanh nghiệp được hỗ trợ rất lớn từ các động lực tăng trưởng mới, mở ra không gian phát triển bền vững. Trong đó, phải kể đến việc thực hiện hiệu quả hai chủ trương rất lớn của Đảng và Nhà nước là đột phá về thể chế và tinh gọn tổ chức bộ máy. Tập trung triển khai chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh bên ngoài thách thức, rủi ro về địa chính trị còn cao; căng thẳng thương mại có nguy cơ leo thang, kéo theo xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng trên toàn cầu.
Bên cạnh đó là động lực quan trọng từ việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia, cùng một số chính sách mới được ban hành giúp hình thành khung thể chế tốt hơn cho phát triển kinh tế.
![]() |
Tại diễn đàn, nhiều ý kiến tham luận cho rằng, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết với nhau nhằm mở rộng và đa dạng hóa thị trường, kết nối và hiện thực hóa các mô hình kinh doanh mới, chia sẻ và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực |
Để tháo gỡ khó khăn và trợ lực cho các doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, các chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp có mặt tại Diễn đàn cho rằng cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu.
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.
Thứ ba, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hoàn thiện thể chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thứ tư, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước; kết nối đối tác mới, mở rộng thị trường.
Thứ năm, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần nỗ lực thực hiện các giải pháp, đột phá, sáng tạo và nắm bắt thời cơ, không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước...
Nam Giang