Doanh nghiệp Viêt Nam sẽ tham gia sâu vào chuỗi cung ứng năng lượng sạch trong tương lai
Diễn đàn nhằm góp phần nhận diện xu hướng, thách thức và đưa ra các giải pháp cho Việt Nam thúc đẩy phát triển ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới.
Việt Nam là một trong những nước Đông Nam Á có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh hàng năm. 9 tháng đầu năm 2024, GDP tăng 6,82% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này khẳng định nhu cầu sử dụng năng lượng cũng tăng cao, tạo ra nhiều cơ hội mới cho ngành năng lượng, đặc biệt là nguồn năng lượng tái tạo nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển xanh và bền vững.
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng, Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ từ xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam có đặc điểm địa lý, khí hậu lý tưởng để sản xuất năng lượng tái tạo, điều này có ý nghĩa quan trọng trong định hướng an ninh năng lượng để phát triển nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại diễn đàn.
Ông Hoàng Quang Phòng cho biết, tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định quyết tâm thực hiện cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050. “Đây là động thái rất rõ ràng và trực tiếp để đảm bảo với các nhà đầu tư nước ngoài rằng Việt Nam cam kết và quyết tâm thực hiện, tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút các khoản đầu tư lớn hơn nữa, đầu tư chất lượng hơn trong phát triển xanh, chuyển dịch năng lượng” - ông Hoàng Quang Phòng khẳng định.
Giám đốc Dịch vụ tư vấn Dự án Đầu tư và Cơ sở hạ tầng PwC Việt Nam Abhinav Goyal cho rằng, hiện nay Việt Nam đang đứng trước nhu cầu cấp thiết về chuyển dịch năng lượng, với tham vọng và mục tiêu rõ ràng về phát triển năng lượng tái tạo bền vững. Ông Abhinav Goyal dự đoán, công suất nhiệt điện than sẽ đạt đỉnh vào năm 2030 và sau đó giảm dần về 0 trong giai đoạn 2030-2050. Dự kiến năng lượng tái tạo sẽ chiếm phần lớn, 31% và 62% trong tổng năng lượng vào năm 2030 và 2050. Chuỗi cung ứng trong nước sẽ ngày càng được củng cố để đáp ứng được nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo đang gia tăng nhanh chóng. “Khi nhu cầu năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh mẽ, cơ hội đang trở nên rõ ràng hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng” - Abhinav Goyal nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Abhinav Goyal, vẫn có một số thách thức đáng kể do việc dịch chuyển sang phát triển năng lượng tái tạo mang lại. Những hạn chế về mặt tài chính sẽ hạn chế các dự án lớn mở rộng quy mô. Cũng như sự không chắc chắn về một số quy định gây gián đoạn chuỗi cung ứng, hoặc biến động chi phí nguyên vật liệu có thể dẫn đến các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng. “Để thúc đẩy hơn nữa chuỗi cung ứng dịch chuyển năng lượng ở Việt Nam, cần giải quyết các thách thức về tài chính; thúc đẩy liên doanh và chuyển giao công nghệ, kiến thức giữa các công ty trong nước và các công ty nước ngoài; cung cấp ưu đãi cho doanh nghiệp khác đầu tư. Đặc biệt, cải thiện các nút thắt về quy định, bao gồm đơn giản hóa và đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các dự án; xây dựng cơ chế đặc biệt để thí điểm các dự án đổi mới sáng tạo ở quy mô hợp lý.
Toàn cảnh diễn đàn.
Ông Nguyễn Sĩ Đăng - Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, việc chuyển dịch sang năng lượng tái tạo không chỉ đem đến cơ hội tốt cho Việt Nam, mà còn có thể biến Việt Nam trở thành trung tâm về chuyển đổi năng lượng ít nhất là khu vực Đông Nam Á. Và một trong những yêu cầu để Việt Nam có thể đạt được những mục tiêu này là phải đảm bảo tự chủ công nghệ. “Trong quá trình chuyển đổi, cần dựa vào những ưu thế Việt Nam đang có. Các nguồn điện đã làm chủ về công nghệ cần duy trì, không nên thay đổi một cách quá chóng vánh” - ông Nguyễn Sĩ Đăng chia sẻ.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc B.Grimm Power Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng tái tạo trở thành xu hướng tất yếu trên toàn thế giới, Việt Nam đang nỗ lực bắt kịp với cam kết đạt mục tiêu net-zero vào năm 2050 với nhiều dự án năng lượng tái tạo đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, để phát triển bền vững, cần có các giải pháp quyết liệt hơn trong thời gian tới. Theo đó, phải tiếp tục phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường và gia tăng tính bền vững. Khuyến khích đầu tư tư nhân vào năng lượng sạch; xây dựng cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng đồng bộ; đào tạo và nâng cao chất lượng nhân lực trong lĩnh vực năng lượng xanh; có cơ chế giá hợp lý nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo. Đặc biệt, phát triển thị trường tín chỉ carbon, kiểm soát và quản lý chặt chẽ chất lượng năng lượng.
Có thể bạn quan tâm
![CEO của Singapore Airlines chia sẻ cách ông luôn đi trước đối thủ cạnh tranh](https://dientuungdung.vn/stores/news_dataimages/2025/022025/06/11/tong-giam-doc-dieu-hanh-cua-singapore-airlines-chia-se-cach-ong-luon-dan-dau-doi-thu-canh-tranh20250206113625.jpg?rt=20250206113626?250206023351)
![Schneider Electric tiếp tục được vinh danh là Tập đoàn bền vững nhất thế giới](https://dientuungdung.vn/stores/news_dataimages/2025/022025/06/10/1-schneider-electric-vinh-danh-top-1-global100-202520250206104858.jpg?rt=20250206105140?250206021944)
Schneider Electric tiếp tục được vinh danh là Tập đoàn bền vững nhất thế giới
Kết nối![Thăng hạng cùng laptop AI đến từ ASUS](https://dientuungdung.vn/stores/news_dataimages/2025/022025/05/15/zenbook-duo-2520250205151910.jpg?rt=20250205151911?250205034005)
Thăng hạng cùng laptop AI đến từ ASUS
Văn phòng![FPT Nhật Bản hướng tới mục tiêu 1 tỷ USD vào năm 2027](https://dientuungdung.vn/stores/news_dataimages/2025/022025/05/15/picture120250205153153.jpg?rt=20250205153153?250205033825)
FPT Nhật Bản hướng tới mục tiêu 1 tỷ USD vào năm 2027
Doanh nghiệp số![TP-Link lọt Top 10 thương hiệu công nghệ tốt nhất năm 2025](https://dientuungdung.vn/stores/news_dataimages/2025/022025/04/15/tp-link-top-10-best-brands-pcmag-120250204152647.jpg?rt=20250204152648?250204052516)