Đổi mới mạnh mẽ để phát triển kinh tế tư nhân
Liên quan đến vấn đề Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế nhập khẩu đối ứng với hơn 180 đối tác thương mại với mức thuế dao động từ 10-50%, Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế suất là 46%, ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Chính sách Thuế - Bộ Tài chính cho rằng, với mức thuế đó, nhiều ngành sản xuất của Việt Nam, nhất là các ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Hoa Kỳ như điện, điện tử, lĩnh vực nông nghiệp, dệt may, da giày… sẽ chịu ảnh hưởng.
Mặc dù Việt Nam đã chủ động để rà soát, điều chỉnh mức thuế các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ để tăng kim ngạch nhập khẩu, hướng tới cân bằng thương mại tốt hơn, nhưng việc áp thuế từ phía Mỹ phụ thuộc nhiều yếu tố khác chứ không riêng yếu tố thuế.
![]() |
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể trả lời phóng viên tại buổi họp báo. Ảnh: Ngọc Nam |
Trả lời câu hỏi của báo chí về nội dung dự thảo Nghị quyết về phát triển khu vực kinh tế tư nhân mà Bộ Tài chính đang được giao nghiên cứu, xây dựng, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể cho biết dự thảo có nhiều điểm đổi mới, mạnh mẽ và cụ thể hơn.
Điểm đột phá của chính sách phát triển kinh tế tư nhân đang được xây dựng là thiết kế chính sách theo hướng phân tầng, phù hợp với từng nhóm doanh nghiệp. Chính sách phát triển kinh tế tư nhân cũng tích hợp nhiều nội dung quan trọng như Đề án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Đề án phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
Để xây dựng Nghị quyết, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều hội thảo nắm bắt tình hình doanh nghiệp. Qua tổng hợp, nhiều vấn đề doanh nghiệp nêu đều liên quan đến tháo gỡ khó khăn về thể chế, pháp luật. Bên cạnh đó là niềm tin kinh doanh, mong muốn được bảo đảm về quyền tự doanh kinh doanh, quyền tài sản.
“Chúng tôi đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để lắng nghe ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, nhận diện rõ những khó khăn trong thể chế, pháp luật và đưa ra giải pháp tháo gỡ phù hợp. Bộ Tài chính cũng nghiên cứu thêm mô hình phát triển kinh tế tư nhân của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản để hoàn thiện khung chính sách”, bà Bùi Thu Thủy cho biết.
Đối với mục tiêu tăng trưởng, hoàn thành giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng. Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, đại diện Vụ Đầu tư cho biết đang khẩn trương, rà soát trình cấp có thẩm quyền để sửa đổi toàn diện Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công để sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân.
Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công trong quý I/2025 đạt thấp. Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Tiến Dũng - Vụ Đầu tư - Bộ Tài chính cho rằng: Tình hình giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/3 mới đạt 9,5% kế hoạch Chính phủ giao.
![]() |
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chủ trì họp báo. Ảnh: Ngọc Nam |
Một số nhóm nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm, trong đó có nguyên nhân do cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước và các nghị định hướng dẫn. Ngoài ra, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công còn thể hiện ở chỗ một số địa phương có nguồn thu ngân sách lớn nhưng chưa phân bổ được giải ngân vốn đầu tư công.
Bộ Tài chính đang trình cấp có thẩm quyền để xây các Nghị định hướng dẫn theo hướng đơn giản hóa các thủ tục, áp dụng tối đa việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Bộ Tài chính cũng đã và đang có các hướng dẫn về việc thực hiện các dự án chuyển tiếp trong quá trình sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính.
Làm rõ thêm, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho hay việc sắp xếp bộ máy không làm cản trở quá trình giải ngân. Mà trong quá trình sắp xếp bộ máy, các dự án cũng được rà soát lại. Nếu không hiệu quả, không phù hợp với quá trình sắp xếp thì phải tính toán lại. Do đó, đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân.
Để tạo thuận lợi cho giải ngân đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 6/3/2025 thành lập 7 tổ công tác do 7 Phó Thủ tướng làm Tổ trưởng, các tổ công tác này cũng đã làm việc với các địa phương để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025.
Liên quan đến sắp xếp bộ máy, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tài chính cho biết sau sắp xếp, Bộ Tài chính có 35 đầu mối đơn vị với gần 90.000 cán bộ, công chức, viên chức. Số lượng đầu mối đã giảm khoảng 3.600 đầu mối, tương ứng với 37,7%, giúp cải thiện hiệu quả hoạt động và tinh gọn bộ máy.
![]() |
Toàn cảnh họp báo |
Với đề nghị đánh giá về động thái rút vốn của khối ngoại và ảnh hưởng đến việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Hà Duy Tùng cho biết, việc bán ròng này có tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ. Xu hướng này có tiếp tục hay không tùy thuộc vào diễn biến triển khai thực tế và phản ứng chính sách của các nước, bao gồm Việt Nam.
Thực tế, việc bán ròng theo thống kê trong quý I chỉ chiếm 1,9% tổng danh mục, là con số tương đối nhỏ.
Thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có nhiều nỗ lực, động thái để nâng hạng thị trường. Về cơ bản, thị trường chứng khoán VN đã đáp ứng các tiêu chí về nâng hạng. Tuy nhiên, vẫn còn các yếu tố phụ thuộc vào trải nghiệm của nhà đầu tư… Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai các cuộc đối thoại, xúc tiến đầu tư, để các nhà đầu tư nước ngoài có những trải nghiệm tích cực hơn, từ đó đạt mục tiêu nâng hạng thị trường trong năm nay.
Có thể bạn quan tâm


Chính sách thuế quan mới của Trump với hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ cụ thể ra sao?
Thị trường
Các nhà sản xuất đồ gia dụng 'khủng hoảng' vì thuế quan của Trump
Kinh tế số
Du khách Việt thích lặn biển Thái Lan
Kinh tế số