Pin EV mới: Sạc đầy trong 20 phút, chấm dứt nỗi lo về phạm vi hoạt động
Đột phá về pin EV cho phép sạc đầy chỉ trong 20 phút, chịu được hơn 1.500 chu kỳ sạc, xóa bỏ nỗi lo phạm vi hoạt động, mở ra tương lai tiện lợi cho xe điện.
![]() |
Các thử nghiệm nghiêm ngặt đã xác nhận hiệu suất vượt trội của pin lithium-ion với cực dương mới. Ảnh: iStock |
Trong bối cảnh nhu cầu về xe điện (EV) và hệ thống lưu trữ năng lượng (ESS) quy mô lớn ngày càng gia tăng, các nhà khoa học Hàn Quốc đã công bố một bước tiến mang tính đột phá trong công nghệ pin.
Theo đó, một vật liệu âm cực mới, được phát triển bởi nhóm nghiên cứu từ Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang (POSTECH) và Viện Nghiên cứu Năng lượng Hàn Quốc (KIER), hứa hẹn giải quyết hai thách thức lớn nhất của pin lithium-ion hiện nay: thời gian sạc kéo dài và tuổi thọ pin hạn chế.
Với khả năng sạc đầy trong 20 phút và duy trì hiệu suất qua hơn 1.500 chu kỳ sạc, công nghệ này không chỉ xóa tan nỗi lo về phạm vi hoạt động của xe điện mà còn mở ra tiềm năng cho lưới điện bền vững tích hợp năng lượng tái tạo.
Vật liệu âm cực mới: Sự kết hợp hoàn hảo giữa carbon cứng và hạt nano thiếc
Pin lithium-ion hiện tại chủ yếu sử dụng âm cực graphite, một vật liệu vốn bị hạn chế bởi tốc độ sạc chậm và khả năng lưu trữ năng lượng thấp. Những nhược điểm này từ lâu đã cản trở sự phổ biến của xe điện cũng như hiệu quả của các hệ thống lưu trữ năng lượng quy mô lưới điện. Để khắc phục, nhóm nghiên cứu từ POSTECH và KIER đã phát triển một giải pháp sáng tạo: kết hợp carbon cứng với các hạt nano thiếc siêu nhỏ.
Carbon cứng: Với cấu trúc xốp đặc trưng, carbon cứng cho phép các ion lithium, chất mang năng lượng di chuyển nhanh hơn đáng kể so với graphite, tạo điều kiện cho quá trình sạc nhanh.
Hạt nano thiếc: Thiếc có khả năng lưu trữ năng lượng vượt trội, nhưng trước đây việc ứng dụng nó gặp khó khăn do hiện tượng phồng lên và xuống cấp trong quá trình sạc.
Nhóm nghiên cứu đã vượt qua thách thức này bằng cách sử dụng quy trình sol-gel kết hợp khử nhiệt, nhúng thành công các hạt nano thiếc có kích thước dưới 10 nm phân bố đồng đều trong ma trận carbon cứng. Giải pháp này không chỉ ngăn chặn sự phồng lên gây hư hỏng mà còn tạo ra hiệu ứng hiệp đồng: thiếc nâng cao hiệu suất của carbon cứng, đồng thời bổ sung khả năng lưu trữ năng lượng thông qua các phản ứng hóa học.
Hiệu suất vượt trội của pin lithium-ion
Trong các thử nghiệm nghiêm ngặt, pin lithium-ion sử dụng âm cực mới đã chứng tỏ hiệu suất ấn tượng, cụ thể:
Về Sạc nhanh, pin có thể đạt trạng thái đầy trong vòng 20 phút, trong khi đó tuổi thọ cao, duy trì hoạt động ổn định qua hơn 1.500 chu kỳ sạc nhanh. Đáng chú ý, mật độ năng lượng pin lithium-ion sử dụng âm cực mới cao hơn 1,5 lần so với pin sử dụng âm cực graphite truyền thống, giúp xe điện đạt phạm vi di chuyển xa hơn mà không cần tăng kích thước pin.
Những đặc tính này không chỉ mang lại lợi ích cho xe điện mà còn đáp ứng nhu cầu của các hệ thống ESS quy mô lớn, vốn đòi hỏi pin có tuổi thọ dài và khả năng sạc nhanh để hỗ trợ lưới điện tích hợp năng lượng tái tạo.
Tiềm năng ứng dụng trong pin natri-ion
Ngoài pin lithium-ion, vật liệu âm cực mới còn mở ra triển vọng cho pin natri-ion (SIB), một giải pháp thay thế tiềm năng với chi phí thấp hơn và tính bền vững cao hơn.
Thông thường, ion natri phản ứng kém với các vật liệu âm cực truyền thống như graphite hay silicon. Tuy nhiên, cấu trúc nano-composite carbon cứng-thiếc đã chứng minh độ ổn định vượt trội và động học nhanh trong môi trường natri. Điều này nhấn mạnh tính linh hoạt của vật liệu, cho phép ứng dụng trên nhiều nền tảng pin khác nhau.
Ý nghĩa và triển vọng
Giáo sư Soojin Park từ POSTECH nhận định: “Nghiên cứu này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong phát triển pin hiệu suất cao thế hệ tiếp theo, với tiềm năng ứng dụng trong xe điện, hệ thống hybrid và ESS quy mô lưới điện.” Trong khi đó, Tiến sĩ Gyujin Song từ KIER nhấn mạnh: “Việc hiện thực hóa một âm cực có đồng thời công suất cao, độ ổn định và mật độ năng lượng, cùng với khả năng tương thích với hệ thống pin natri-ion, là một bước ngoặt trong thị trường pin sạc.”
Dù vẫn cần thêm nghiên cứu và mở rộng quy mô sản xuất, vật liệu âm cực mới mang đến một viễn cảnh hấp dẫn: xe điện có thể sạc nhanh như đổ xăng, trong khi pin sở hữu tuổi thọ vượt trội. Công nghệ này không chỉ giải quyết nỗi lo về phạm vi hoạt động của người dùng xe điện mà còn góp phần xây dựng lưới điện thông minh, hỗ trợ hiệu quả việc tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời.
Phạm Anh