GSMA: Chi phí băng tần cao 'cản trở' đầu tư mạng di động
Báo cáo mới của GSMA cho thấy chi phí băng tần chiếm 7% tổng doanh thu các nhà mạng toàn cầu, tăng 63% trong thập kỷ qua, tác động xấu đến khả năng đầu tư hạ tầng mạng di động.
Theo Báo cáo giá băng tần toàn cầu của GSMA, mặc dù giá băng tần trung bình đã giảm từ năm 2014, các nhà khai thác buộc phải tăng lượng băng tần sở hữu lên 80% để đáp ứng nhu cầu băng thông. Đồng thời, doanh thu trung bình từ mỗi MHz băng tần đã giảm 60% trong cùng thời kỳ, khiến mức chi phí tăng cao.
![]() |
Doanh thu định kỳ hàng tháng trung bình trên mỗi MHz trên mỗi kết nối (USD, đã điều chỉnh theo lạm phát). Nguồn: chụp báo cáo GSMA |
Báo cáo chỉ ra doanh thu trên mỗi GB dữ liệu của các nhà mạng đã giảm 96% trong giai đoạn 2014-2024. Chi phí mua băng tần cao chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu đã hạn chế khả năng đầu tư mở rộng và cải thiện mạng di động, đặc biệt với công nghệ 4G và 5G.
![]() |
GSMA nhấn mạnh mối tương quan trực tiếp giữa chi phí băng tần cao với việc giảm phạm vi phủ sóng và tốc độ mạng di động. Tại một số quốc gia, chi phí băng tần thậm chí chiếm đến 25% doanh thu của nhà mạng.
Ông Vivek Badrinath, Giám đốc GSMA, chia sẻ: "Ngành công nghiệp di động đóng vai trò trung tâm của nền kinh tế kỹ thuật số, nhưng một đồng chỉ có thể chi tiêu một lần. Chi phí băng tần cao sẽ làm nghẽn đầu tư vào thời điểm nhu cầu kết nối giá cả hợp lý, đáng tin cậy ngày càng lớn".
GSMA nhận định các chính sách công đã góp phần làm tăng chi phí băng tần, bao gồm việc đặt giá khởi điểm cao trong các cuộc đấu giá, tạo khan hiếm "ảo", và áp đặt các nghĩa vụ giấy phép quá khắt khe.
Ông Vivek Badrinath cho hay: "Các chính phủ và cơ quan quản lý cần ưu tiên chính sách giá băng tần phản ánh thực tế thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kỹ thuật số dài hạn. Bằng cách đảm bảo phổ tần có giá hợp lý, họ có thể thúc đẩy mở rộng mạng lưới nhanh hơn, chất lượng dịch vụ tốt hơn và hòa nhập kỹ thuật số lớn hơn cho tất cả người dân".
![]() |
GSMA kêu gọi các nhà hoạch định chính sách điều chỉnh giá băng tần phù hợp với điều kiện thị trường hiện tại. Với gần 1.000 giấy phép băng tần sẽ hết hạn trên toàn cầu vào năm 2030, đợt gia hạn sắp tới tạo cơ hội quan trọng để điều chỉnh chính sách giá nhằm thúc đẩy đầu tư vào thế hệ mạng di động tiếp theo.
![]() |
Doanh thu trung bình trên mỗi GB dữ liệu (USD, điều chỉnh theo lạm phát). Nguồn: chụp báo cáo GSMA |
Chi phí băng tần cao sẽ làm giảm khả năng đầu tư vào hạ tầng, ảnh hưởng đến tốc độ triển khai mạng 5G, đặc biệt ở các khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa. Điều này có thể làm gia tăng khoảng cách số và hạn chế khả năng tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật số của người dân.
Các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc kỹ khi thiết kế các cuộc đấu giá băng tần trong tương lai, khi các giấy phép băng tần sẽ dần hết hạn sau năm 2030, từ đó, tạo cơ hội quan trọng để điều chỉnh chính sách giá.
Với thực tế giá dịch vụ di động đang giảm trong khi chi phí đầu tư vẫn cao, các nhà mạng đối mặt với thách thức lớn trong việc duy trì lợi nhuận đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về kết nối tốc độ cao và độ trễ thấp.
Việc tìm ra điểm cân bằng giữa nguồn thu cho ngân sách và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành viễn thông sẽ là bài toán quan trọng đối với các nhà quản lý trong thời gian tới, đặc biệt khi các quốc gia đang phát triển đang đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển kinh tế số.
![]() Các nhà sản xuất thiết bị đang thống nhất về phương pháp chia sẻ băng tần đa truy cập vô tuyến nhằm tối ưu hóa ... |
![]() Trong bối cảnh nhiều quốc gia đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ 5G SA (Standalone), Việt Nam đang đứng trước câu hỏi về lộ ... |
![]() Triển khai 5G SA không chỉ là bài toán công nghệ, mà là chiến lược hợp tác hiệu quả. Các nhà mạng tại Việt Nam ... |
Công Trí