Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác quản lý
Quyết định 68 đặt ra nhiều nhiệm vụ, trong đó có yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ.
Chuyển đổi số để phát triển bền vững
Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, việc nghiên cứu và tạo ra các công nghệ tiên tiến sẽ giúp việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Quá trình chuyển đổi từ công nghệ thông tin (tin học hóa) sang công nghệ số và chạy đua với các quốc gia về chuyển đổi số của Việt Nam đặt ra nhiều thách thức cũng như cơ hội lớn. Đó là việc thiết lập cơ sở dữ liệu, phân tích, sử dụng dữ liệu, bảo mật, an toàn cũng như nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống hỗ trợ chuyển đổi và quan trọng hơn là tính phù hợp của giải pháp với từng loại hình doanh nghiệp.
Chuyển đổi số đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới. Xu thế này không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức lớn với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Đảng và Nhà nước ta coi phát triển khoa học kỹ thuật và chuyển đổi số là quốc sách hàng đầu nên Quốc hội đã ban hành Quyết định số 68/2022/QH15 ngày 10/11/2022 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Quyết định 68 đặt ra nhiều nhiệm vụ, trong đó có yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, điều hành, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; đẩy nhanh việc hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Mục tiêu về triển kinh tế số trong giai đoạn 2021-2030 được nhấn mạnh trong Nghị quyết là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển cũng như các nguồn lực và thế mạnh của Việt Nam. Phát triển kinh tế số sẽ là con đường tạo ra những bứt phá quan trọng để Việt Nam đạt mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Thời gian qua, mỗi người dân có lẽ đều chứng kiến hoặc trải qua quá trình chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số đã tạo ra trong nhiều mặt của đời sống xã hội. Vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số thể hiện qua nhiều lợi ích mà người dân được thụ hưởng, trong đó có việc tiếp cận một cách nhanh nhất, bình đẳng nhất với tất cả các dịch vụ của xã hội, tạo dựng một cuộc sống, môi trường sống hiện đại, văn minh và thông minh. Có thể điểm một số dấu ấn của quá trình chuyển đổi số như:
Trên 50% các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và bắt đầu triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch về chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã làm chủ các công nghệ cốt lõi, phát triển các nền tảng công nghệ cho chuyển đổi số, đã có khoảng 40 nền tảng “Make in Việt Nam” được ra mắt. Công tác ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, ứng dụng KHKT cho doanh nghiệp cũng được thúc đẩy.
Việt Nam đều đã có chủ trương, định hướng về thúc đẩy quá trình chuyển đổi số để hướng đến tăng trưởng xanh.
Chuyển đổi số trong quản lý, phát triển kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, từng khẳng định: Việt Nam đều đã có chủ trương, định hướng về thúc đẩy quá trình chuyển đổi số để hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Để thúc đẩy tăng trưởng xanh, một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thực hiện hóa Nghị quyết 68/2022/QH15, bằng cách sử dụng công nghệ số, nhà sản xuất có thể tối ưu hoá quy trình, từ đó giảm thiểu lượng chất thải, hàng tồn kho, thất thoát vận chuyển, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, phát hiện sớm và ngăn chặn các nguy cơ môi trường.
Việt Nam đã xây dựng khoảng 13.000 tiêu chuẩn và gần 800 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho cùng mục đích “xanh”. Doanh nghiệp cùng người tiêu dùng vừa là chủ thể, vừa là đối tác - đều có thể tìm hiểu và thực hiện sản xuất, tiêu dùng bền vững đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn này.
Điều quan trọng nhất ở giai đoạn hiện tại, theo các chuyên gia, vẫn là tăng cường ý thức, trách nhiệm xã hội của tất cả các bên liên quan – vẫn là thay đổi nhận thức trước. Khi hành động xanh được thực thi từ sản xuất đến tiêu dùng, lợi thế tăng trưởng sẽ hiện hữu, tăng trưởng xanh mới có thể đạt được như kỳ vọng.
Thúc đẩy tăng trưởng xanh - dù đã đạt những bước tiến quan trọng, Việt Nam vẫn cần vượt qua nhiều thách thức, trong đó, sự phối hợp nguồn lực giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa khu vực công và tư, cũng như bản thân khu vực tư là then chốt. Việt Nam xác định các nhiệm vụ xuyên suốt là phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế sô, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức để tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Đồng bộ hóa các quy định, quy chế, chính sách có liên quan; có cơ chế thí điểm, đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro nhằm tháo gỡ các nút thắt, rào cản, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; khuyến khích đặt hàng, công nhận sản phẩm, dịch vụ mới để tạo niềm tin cho thị trường.