Ghi nhận hiệu quả từ Dự án Chăm sóc mắt học đường mở rộng
Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ GDĐT, Bộ Y tế, Quỹ Fred Hollows Foundation (FHF) và các đơn vị thụ hưởng dự án bao gồm Ban Quản lý Dự án các tỉnh Hải Dương, Quảng Nam, Bến Tre, Tiền Giang và TP. Đà Nẵng. Hội thảo cũng có sự tham dự của đại diện các nhà tư vấn, các tổ chức phi chính phủ ECF-ORBIS.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án Bộ GDĐT Nguyễn Ngọc Dũng nhấn mạnh, các bệnh về mắt là vấn đề lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe được các quốc gia, đặc biệt là Việt Nam quan tâm. Tỷ lệ tật khúc xạ: cận thị, viễn thị, loạn thị và các bệnh về mắt các chấn thương đối với mắt… đã đến mức báo động. Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, các bệnh mắt dẫn đến biến chứng nặng gây ra mù lòa là minh chứng cho sự quan tâm sai cách của phụ huynh.
“Các nghiên cứu cho rằng hơn một nửa bệnh mắt có thể ngăn ngừa và chữa trị thành công nếu được phát hiện sớm. Do vậy, việc phát hiện và can thiệp sớm giúp trẻ tránh được mù lòa và đảm bảo chất lượng cuộc sống giảm ghánh nặng cho gia đình” - ông Nguyễn Ngọc Dũng khẳng định.
Ông Nguyễn Tiến Dũng – Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ GD&ĐT phát biểu tại hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe các báo cáo, tham luận về triển khai hoạt động Dự án trong năm 2022 đến tháng 6/2023 tại 5 tỉnh/ thành phố. Trong đó, Dự án đã đạt được những thành tựu nổi bật trong việc triển khai tài liệu hướng dẫn chăm sóc mắt học đường mở rộng. Các nội dung chăm sóc mắt cũng đã được đưa vào nhiệm vụ năm học 2022-2023. Ngoài ra, các tài liệu chăm sóc mắt và phòng chống mù lòa cũng đã được chuyển thể sang ngôn ngữ ký hiệu, được nhân rộng mô hình tại tỉnh Tiền Giang và TP. Đà Nẵng. Đặc biệt, Dự án đã tổ chức khám sàng lọc các bệnh về mắt cho 210.101 học sinh; khám chuyên khoa các vấn đề liên quan đến mắt cho 10.720 học sinh; cấp kính thuốc cho 3.466 em học sinh. Dự án đồng thời tổ chức các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi (IEC/BCC) cho 500.148 học sinh, góp phần thay đổi nhận thức hành vi chăm sóc mắt của các em học sinh và phụ huynh.
Các địa phương hưởng thụ Dự án cũng đánh giá tích cực kết quả Dự án đạt được ngoài mong đợi. Các địa phương hoàn thành tốt mục tiêu của Dự án, góp phần giảm tỷ lệ suy giảm thị lực ở trẻ em các huyện, thành phố tham gia dự án. Tiêu biểu như Hải Dương, 87% học sinh hài lòng đối với dịch vụ khám mắt (trong đó 16% rất hài lòng, 71% hài lòng); 90% trẻ hài lòng đối với kính thuốc Dự án cấp (trong đó có đến 60% trẻ rất hài lòng).
Tại TP. Đà Nẵng đã thực hiện hoạt động khám, chữa các bệnh tật về mắt cho học sinh các trường trung tâm trẻ khuyết tật trên địa bàn thành phố. Qua đó, phát hiện các trẻ khuyết tật ít có cơ hội nhận được các dịch vụ chăm sóc mắt do các em thiếu kiến thức và vốn ngôn ngữ để giao tiếp. Đã có 100% trẻ điếc được giáo viên tập huấn sàng lọc thị lực bằng công cụ 4m để xác định dấu hiệu suy giảm thị lực, tổ chức đoàn khám cho 168 em học sinh có dấu hiệu suy giảm thị lực và cấp 105 đôi kính cho học sinh tại 4 trường/ Trung tâm chăm sóc trẻ điếc. Các tài liệu video chuyển ngữ tài liệu chăm sóc mắt phù hợp đã giúp cho 100% giáo viên tham gia tập huấn và dạy thí điểm đều đánh giá là phù hợp trong đó có 33,3 % giáo viên cho là rất phù hợp.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Bộ GD&ĐT Tạ Ngọc Trí cho biết, tài liệu tổ chức dạy học và chăm sóc mắt và phòng chống mù lòa đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, quản lý, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh. Tài liệu đã tạo cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động, tạo sự đồng bộ trong việc triển khai tài liệu cũng như mục tiêu của Dự án đối với các cơ sở giáo dục trên cả nước nói chung và các địa phương nói riêng. Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh các giải pháp để tiếp tục giới thiệu, triển khai, tập huấn hướng dẫn bộ tài liệu Chăm sóc mắt và phòng chống mù lòa cho học sinh tiểu học” một cách linh hoạt, đa dạng hóa hình thức” – ông Tạ Ngọc Trí đề nghị.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - Bộ GD&ĐT Đỗ Đức Quế cho biết Bộ GD&ĐT đã ban hành chương trình giáo dục, phổ biến đến tất cả Sở GD&ĐT việc đưa nội dung chăm sóc mắt và phòng chống mù lòa tích hợp vào trong chương trình giáo dục phổ thông, trong các tiết học, bài dạy, hoạt động giáo dục từ mầm non cho tới cấp trung học. “Ngành GD&ĐT đã phối hợp với ngành Y tế thông qua các văn bản, chương trình hợp tác trong việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh tại nhà trường và tích cực phối hợp chặt chẽ giữa các Sở Y tế và Sở GDĐT, Phòng Y tế trường và Phòng Giáo dục, các Sở Y tế xã/phường/ bệnh viện với nhà trường để lồng ghép tổ chức các hoạt động liên quan đến chăm sóc mắt và phòng chống mù lòa” – ông Đỗ Đức Quế chia sẻ thêm.
Dự án “Chăm sóc mắt học đường mở rộng” là giai đoạn tiếp theo sau dự án “Mắt sáng học hay” đã triển khai có hiệu quả trong giai đoạn 2017-2019. Dự án được Qũy Fred Hollows Foundation cùng Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc viện trợ không hoàn lại với kinh phí gần 400.000 đô la Úc. Dự án “Chăm sóc mắt học đường mở rộng” triển khai từ tháng 9/2021 đến tháng 12/2024, thực hiện tại Bộ GD&ĐT và 5 tỉnh/thành phố tham gia dự án bao gồm: Đà Nẵng, Hải Dương, Tiền Giang, Quảng Nam, Bến Tre. |