Tìm giải pháp cho mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư vi mạch bán dẫn

Tìm giải pháp cho mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư vi mạch bán dẫn

Ngày 26/4, Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam (REV) và Đại học Bách Khoa Hà Nội (HUST) phối hợp tổ chức Hội thảo "Chương trình đào tạo cho ngành Công nghiệp Vi mạch bán dẫn đến năm 2030 - Thách thức và giải pháp".

Hiện Việt Nam đang đứng thứ 9 toàn cầu về xuất khẩu hàng điện tử, và được quốc tế đánh giá là nước có hệ sinh thái bán dẫn phát triển nhanh. Có thể khẳng định rằng Công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng, nó sẽ là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong vòng 30 – 50 năm tới vì khi con người còn phát triển dựa trên thông tin, dựa trên dữ liệu như một yếu tố đầu vào của sản xuất thì Chip bán dẫn sẽ vẫn còn đóng vai trò trọng yếu, còn có nhu cầu về xử lý dữ liệu tức còn có nhu cầu sử dụng Chip bán dẫn.

Chính vì vậy, Hội thảo nhằm tìm kiếm xây dựng và triển khai chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030.

Toàn cảnh Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Đức Lai – Chủ tịch REV cho biết: “Hiện nay, chúng ta đang thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, trong đó một số lĩnh vực công nghệ đang phát triển nhanh chóng như AI, IoT, Điện toán đám mây, Dữ liệu lớn, công nghệ 5G, 6G ... tất cả đều trên nền tảng quan trọng, không thể thiếu đó là vi mạch bán dẫn. Chính phủ Việt Nam cũng đã xác định phát triển ngành Công nghiệp vi mạch bán dẫn là mũi nhọn”.

Tại Hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước sẽ trao đổi về các chủ đề: Phát triển chương trình kỹ sư chuyên sâu đặc thù “Thiết kế vi mạch” dựa trên Ngành đào tạo Điện tử - Viễn thông; Thí điểm chương trình đào tạo ngành “Thiết kế vi mạch định hướng System-on-Chip”; Chương trình đào tạo liên quan đến thiết kế vi mạch ở một số nước; Chia sẻ về yêu cầu kỹ năng, kiến thức cho kỹ sư thiết kế vi mạch tại tập đoàn Viettel...

Hội thảo cũng là diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, thách thức và đưa ra các giải pháp thiết thực để xây dựng chương trình đào tạo hiệu quả. Tăng cường kết nối giữa nhà trường, cơ quan quản lý và doanh nghiệp nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam.