Việt Nam sau Hội nghị Thượng đỉnh kinh tế xanh
Với sự góp mặt của hơn 100 công ty từ Úc và Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh tế Xanh để cùng nhau thảo luận về năng lượng xanh, công nghệ, giáo dục và tài chính. Hội nghị không chỉ đánh dấu quan hệ hợp tác quan trọng đầu tiên giữa Úc và Việt Nam trong lĩnh vực này, mà dựa trên cam kết mới đây của Thủ tướng Úc Anthony Albanese về việc đầu tư 2 tỷ đô la Úc vào Đông Nam Á, tập trung vào công nghệ sạch. Đây chính là kết tinh của quá trình làm việc cùng Trung tâm Năng lực Châu Á Quốc gia của Úc nhằm tăng cường sự thịnh vượng trong khu vực đồng thời giảm lượng khí thải.
Hội nghị cũng đề cập đến các chuỗi cung ứng công nghệ sạch và tài chính xanh, với mục tiêu tăng cường sự thịnh vượng trong khu vực đồng thời giảm lượng khí thải. Thủ tướng Albanese nhấn mạnh rằng: “Úc và Việt Nam chia sẻ cùng các mục tiêu đầy tham vọng về vấn đề biến đổi khí hậu và tính bền vững”. Đồng thời ông cũng khẳng định “tiềm năng to lớn có thể được hiện thực hóa thông qua mối quan hệ chặt chẽ hơn” giữa hai nước.
Một trong những trọng tâm chính của Hội nghị lần này còn phải kể đến công nghệ năng lượng sạch và các khoáng sản quan trọng, nơi chuỗi cung ứng hiện tại tập trung nhiều ở Trung Quốc. Với năng lực sản xuất pin mặt trời hiện có của Việt Nam, chúng ta là một trong số ít quốc gia ngoài Trung Quốc có năng lực đáng kể trong sản xuất tấm wafer (tấm bán dẫn), sản xuất tế bào quang điện và lắp ráp module. Điều này khiến Việt Nam trở thành đối tác quan trọng đối với các công ty Úc đang muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng và mở rộng sang khu vực này.
Vậy Việt Nam có vai trò gì trong Kinh tế Xanh? Đại diện trưởng nhóm khu vực Đông Nam Á, Trung tâm Climateworks, Đại học Monash, bà Trang Nguyễn nhận định: “Các chính sách thu hút đầu tư xanh của Việt Nam, kết hợp với chuỗi cung ứng khu vực đã được thiết lập và thị trường tiêu dùng đang phát triển, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các công ty Úc trong nền kinh tế xanh tại đây. Lực lượng lao động có trình độ học vấn và tay nghề ngày càng tăng của đất nước là một tài sản khác, góp phần thương mại hóa và mở rộng quy mô công nghệ sạch.”
Với mức độ hấp thụ năng lượng mặt trời mạnh mẽ của Việt Nam, chúng ta trở thành thị trường xuất khẩu chiến lược cho các công ty Úc. Điều này tạo cơ hội cho Úc xuất khẩu tấm pin năng lượng mặt trời sang Việt Nam, có khả năng cạnh tranh thị phần với Trung Quốc.
Bà Trang Nguyen (ngoài cùng bên phải), trong buổi tọa đàm về việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch tại Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt về ASEAN gần đây tại Melbourne.
Tuy nhiên vấn đề xử lý phát thải xuyên biên giới như thế nào? Theo bà Trang Nguyễn chia sẻ: “Các công ty Úc sẽ sớm cần tính đến không chỉ lượng khí thải nhà kính trực tiếp và lượng khí thải gián tiếp từ điện mà còn cả lượng khí thải gián tiếp phát sinh trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp, nhưng không nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp hay sở hữu của doanh nghiệp (hay "phát thải phạm vi 3"). Sự thay đổi này có thể khuyến khích các công ty lớn đầu tư vào công nghệ xanh và năng lượng tái tạo, tác động đến mối quan hệ của họ với các nhà cung cấp nước ngoài, bao gồm cả các nhà cung cấp ở Việt Nam.”
Như vậy với khoản đầu tư trị giá 2 tỷ đô-la Úc vào Đông Nam Á nhằm hỗ trợ các công ty đầu tư ra nước ngoài, với các "bãi đáp" trong khu vực đóng vai trò là trung tâm thúc đẩy xuất khẩu công nghệ và đầu tư trong khu vực. Điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sự hợp tác giữa Úc và Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế xanh.
Cho đến nay, các công ty Úc rất hạn chế tham gia vào các dự án năng lượng sạch tại Việt Nam. Ngoại trừ sự hợp tác của tập đoàn đầu tư xanh Corio Generation của Macquarie với FECON để phát triển một trang trại gió ngoài khơi ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Hiện tại, thị trường tái tạo này đang tập trung vào các công ty Đông Nam Á và Đông Á, đặc biệt là từ Thái Lan, Philippines, Singapore và Nhật Bản.
Mặc dù tiềm năng của Việt Nam trên thị trường năng lượng tái tạo là rất lớn, nhiều nhà đầu tư Úc vẫn chưa quen với thị trường nước ngoài, dẫn đến chi phí vốn cao hơn do họ nhận thức được rủi ro. Chính vì thế, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh tế Xanh đã đưa ra phương án giải quyết những mối lo ngại này, bằng cách tăng cường kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp và giúp các nhà đầu tư Úc hiểu được cơ hội trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam. Điều này có thể làm giảm chi phí vốn và thúc đẩy hợp tác kinh tế xanh.
Đồng thời dựa trên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Úc - Việt Nam, được công bố vào tháng 3 vừa qua, cũng như các hiệp định thương mại đa phương sẽ giúp tạo nền tảng cho việc thúc đẩy thương mại và đầu tư vào các công nghệ mới. Bằng cách gắn kết các doanh nghiệp lại với nhau, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh tế Xanh sẽ giúp đẩy nhanh nỗ lực khử cacbon của cả hai nước. Trong bối cảnh nền kinh tế công nghiệp đang phát triển của Việt Nam và sự phụ thuộc của Úc vào xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch, sự hợp tác này có ý nghĩa rất quan trọng.
Khi thế giới hướng tới mức phát thải ròng bằng 0, Việt Nam có cơ hội đóng một vai trò quan trọng trong quá trình khử cacbon của khu vực. Tăng cường mối quan hệ chiến lược với Úc và tham gia vào nền kinh tế xanh có thể giúp Việt Nam xây dựng một tương lai bền vững hơn, đồng thời góp phần vào các nỗ lực rộng lớn hơn trong khu vực nhằm chống lại biến đổi khí hậu.