Chuyên gia năng lượng nguyên tử khuyến nghị ra sao việc tái khởi động điện hạt nhân Ninh Thuận?
Ông Lê Đại Diễn- nguyên Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo hạt nhân.
Để tìm hiểu thêm về tầm quan trọng của dự án điện hạt nhân với sự phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đại Diễn - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo hạt nhân, Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam.
PV: Thưa ông, việc Trung ương thống nhất chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu chương trình điện hạt nhân Việt Nam, ông nhìn nhận về vấn đề này thế nào?
Chuyên gia Lê Đại Diễn: Điện hạt nhân ngày nay trở thành xu thế tất yếu với nền kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, Net-zero, cho nên các nước trên thế giới đều coi phát triển điện hạt nhân như một giải pháp hữu hiệu. Trong khi đó, tại COP 26 chúng ta đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Như vậy thời gian còn rất ngắn.
Cùng với đó, Việt Nam đang đa dạng hóa các nguồn năng lượng, nhưng thực tế chúng ta rất khó đáp ứng nhu cầu điện cho tăng trưởng kinh tế trong vài chục năm tới đây. Để đảm bảo an ninh năng lượng, việc chúng ta cần cân đối tỷ trọng các nguồn năng lượng là rất quan trọng. Do vậy điện hạt nhân cần phải tính đến trong dài hạn và là tất yếu, không có cách nào khác.
Theo tôi, tuy không quá muộn nhưng cần xem xét chương trình điện hạt nhân này một cách mạnh mẽ, khẩn trương và quyết liệt.
Bài học Hàn Quốc: Hãy bắt đầu từ công nghiệp phụ trợ
PV: Theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam sẽ không xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030 và các nhà máy điện khí sau năm 2035. Vậy để điện hạt nhân đáp ứng kịp thời năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam cần có những bước cụ thể như thế nào, thưa ông?
Chuyên gia Lê Đại Diễn: Thứ nhất, nhanh nhưng không nghĩa làm vội, làm tắt, chúng ta không được bỏ qua một bước nào. Nếu làm thế sẽ không hiệu quả, làm đi rồi sẽ phải làm lại. Nhanh là đảm bảo đúng tiến độ, đi từng bước vững chắc.
Thứ hai, muốn hiệu quả thì phải nhanh, hiệu quả ở đây chúng ta phải chắc chắn từng bước theo tiến trình đã đề ra.
Thứ ba, an toàn chính là tuân thủ các yêu cầu pháp quy. Rất nhiều dự án trên thế giới vướng cái này khi đối tác không tuân thủ các yêu cầu pháp quy, dự án phải kéo dài thời gian dẫn đến chi phí tăng cao. Do vậy về mặt an toàn phải tuân thủ các yêu cầu pháp quy.
Những yếu tố cần thiết để dự án điện hạt nhân của Việt Nam triển khai nhanh, hiệu quả, an toàn theo tôi chúng ta cần có quyết tâm chiến lược từ lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng và nhà nước, quyết tâm đó là phải đảm bảo 2 yếu tố: Dài hạn và thống nhất. Thống nhất được hiểu là sự đoàn kết nhất trí cao với tiến trình đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa có nền kinh tế giàu mạnh.
Chúng ta phải có Ban chỉ đạo nhà nước, vì trước đó đối với tất cả các dự án lớn đều có. Nhưng tôi muốn nói việc xây dựng Ban chỉ đạo cần có cơ chế rõ ràng để hoạt động, tránh hình thức.
Ban chỉ đạo này cần thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước, thể hiện được “quyết tâm chiến lược” và chúng ta phải làm cho bằng được để đạt yếu tố nhanh, hiệu quả và an toàn.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra ngày 25/11, Trung ương Đảng cơ bản thống nhất chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận . Ảnh: TTXVN.
Phải có cơ chế cho thực thi, rất nhiều chuyên gia góp ý cần có lãnh đạo cấp cao để có thể chỉ đạo các Bộ, ban, ngành, địa phương…Còn lại là cơ chế cho Ban chỉ đạo triển khai hoạt động.
Ví dụ khi nói về chính sách, thì cần có người quản lý, khi nói về kinh tế thì cần có chuyên gia về tài chính, ngân hàng, khi nói về công nghệ thì phải có chuyên gia về công nghệ…Đó chính là các nhóm chuyên gia tư vấn.
Để đảm bảo an toàn, chúng ta phải hoàn thiện cơ sở pháp luật, các văn bản pháp quy, tiêu chuẩn, hướng dẫn…. Có hai Luật: Luật Điện lực (sửa đổi) và Luật Năng lượng nguyên tử. Luật Điện lực (sửa đổi) đã đưa năng lượng điện hạt nhân làm cơ sở phát triển nguồn điện này. Còn muốn lượng hóa, hay cụ thể thì nên đưa vào Luật Năng lượng nguyên tử, nếu cần thiết thì xem xét để sửa đổi luật này.
Đào tạo nguồn nhân lực nên đào tạo theo hướng nắm bắt làm chủ công nghệ trong các khâu quan trọng. Ví dụ điều khiển lò phản ứng, xử lý hoặc tái xử lý nhiên liệu đã cháy, sản xuất nhiên liệu...
Đơn cử như Hàn Quốc chỉ sau khi xuất khẩu thành công APR1400 sang UAE mới bắt tay nghiên cứu chế tạo bơm tải nhiệt chính cho lò phản ứng, trong lúc họ đã xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong nước. Do vậy, chúng ta hãy bắt đầu từ công nghiệp phụ trợ.
Bên cạnh đó, cần có sách lược trong khoảng thời gian ngắn hạn để chúng ta có khả năng duy trì các cơ hội, phát triển điện hạt nhân cũng như bất kỳ lĩnh vực nào khác cũng đều có cơ hội. Chúng ta có thể chọn được công nghệ tốt, an toàn và kinh tế, quan trọng hơn phải chọn được đối tác trong tầm ngắm chiến lược của mình. Được biết dự án điện hạt nhân kéo dài cả trăm năm nên chúng ta phải hết sức thận trọng trong chọn đối tác.
Nên làm gì trước ở Ninh Thuận?
PV: Những bài học, kinh nghiệm gì được rút ra từ dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã tạm dừng để có thể vận dụng trong chương trình điện hạt nhân sẽ được triển khai thời gian tới, thưa ông?
Chuyên gia Lê Đại Diễn: Thực tế đối với Ban chỉ đạo nhà nước, tránh hình thức hóa, cần nhấn mạnh đến năng lực chỉ đạo điều hành và chuyên môn thông qua hội đồng tư vấn.
Đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, không nên ồ ạt, dàn trải, hiệu quả, nhiều lãng phí nhỏ tạo ra lãng phí lớn.
Chúng ta đã trải qua thời gian triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cho nên cần đánh giá, nghiên cứu, xem xét lại các công việc đã làm tại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trước đây để tránh đầu tư dàn trải lãng phí tài chính, nguồn lực. Những gì chúng ta đã làm được, kết quả đáng tin cậy thì cần tiếp tục sử dụng, những gì chưa tốt thì rút kinh nghiệm.
Riêng đối với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, theo ý kiến cá nhân tôi nên xem xét ưu tiên Lò VVER-1200 (AES2006) cho dự án Ninh Thuận 1 ở Phước Dinh với đối tác Rosatom. Vì công nghệ này đang xây dựng và vận hành ở Nga, Belarus, Bangladesh…Để tránh lãng phí thời gian tìm hiểu từ đầu, sử dụng các kết quả hợp tác trong đánh giá địa điểm của đối tác và các đánh giá của phía Việt Nam trước đây. Dự án Ninh Thuận 1 có thể xem như “điểm đột phá chiến lược”.
Chiều 27/11, Chính phủ đã trình Quốc hội chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chính phủ đã đưa ra 3 quan điểm phát triển điện hạt nhân gồm: Vì mục đích hòa bình, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, gắn với mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; bảo đảm an toàn ở mức cao nhất, giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường; gắn với phát triển tổng thể hệ sinh thái công nghiệp năng lượng quốc gia.
4 mục tiêu cụ thể gồm: Cung cấp nguồn điện nền, đóng góp đáng kể trong cơ cấu sản xuất điện, đa dạng hóa năng lượng sơ cấp, bảo đảm an ninh năng lượng, ổn định hệ thống điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, sinh thái.
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thống nhất sự cần thiết về việc tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Theo cơ quan thẩm tra, trước bối cảnh nền kinh tế - xã hội toàn cầu có nhiều biến động; nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam được dự báo vẫn tiếp tục tăng cao, mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, việc tiếp tục triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là hết sức cấp thiết, bảo đảm mục tiêu cung cấp nguồn điện có quy mô công suất đủ lớn, ổn định, là nguồn năng lượng xanh và bền vững.
Theo Công Thương