Nhiều người Việt quan tâm tìm kiếm về công cụ AI trong năm 2024
Bà Hà Lâm Tú Quỳnh, Giám đốc Truyền thông Google Châu Á - Thái Bình Dương phụ trách Việt Nam. Ảnh: HN |
Trong danh sách những công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) được tìm kiếm nhiều nhất, “Gemini” và “ChatGPT” vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu nhờ khả năng hỗ trợ toàn diện từ giao tiếp, tạo nội dung đến lập kế hoạch công việc. Bên cạnh đó, các công cụ mới như “Viggle” hay “Character AI” cũng nhanh chóng thu hút sự chú ý với những tính năng độc đáo, như tạo video và nội dung 3D.
Xu hướng tìm kiếm công cụ AI nổi bật năm 2024 |
Theo Google, sự gia tăng đột biến về lượt tìm kiếm các công cụ AI tạo video như Viggle, PixVerse và Luma cho thấy người Việt đang ngày càng quan tâm đến việc ứng dụng AI trong lĩnh vực sáng tạo. Điều này cũng phù hợp với Báo cáo Nền Kinh Tế Số Việt Nam 2024 do Google, Bain và Temasek công bố, nhấn mạnh xu hướng tải về các ứng dụng AI liên quan đến chỉnh sửa hình ảnh và sản xuất nội dung video.
AI và vai trò trong nền kinh tế sáng tạo
AI không chỉ là công cụ hỗ trợ mà đang trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo tại Việt Nam. Từ các doanh nghiệp, nhà sáng tạo nội dung đến người dùng phổ thông, AI giúp tối ưu hóa quy trình làm việc, đồng thời mở ra cơ hội mới trong việc sáng tạo sản phẩm số.
Tại Lễ công bố chiến lược chuyển đổi AI Tập đoàn Công nghệ CMC ngày 11/09/2024, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: “AI dù có thông minh hơn, nhiều thông tin, nhiều tri thức hơn nhưng cũng chỉ là để giúp cho con người ra quyết định, làm việc của mình tốt hơn”.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: CMC |
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý rằng, chúng ta không có lý do gì để đi sau. Xuất phát điểm của chúng ta cũng như các nước khác. Chỉ có đi đầu ngay từ đầu thì Việt Nam mới có thể thay đổi thứ hạng để trở thành nước phát triển. Việt Nam có thể và cần thiết phải trở thành một trung tâm toàn cầu về chuyển đổi AI, về ứng dụng AI, về nhân lực AI. Chưa bao giờ người Việt Nam chúng ta đi đầu về công nghệ, hay dám nghĩ đến chinh phục thế giới bằng công nghệ, bằng ứng dụng công nghệ, thì nay là lúc chúng ta, những doanh nghiệp công nghệ sô phải làm việc đó. Vì AI mang lại giá trị cho con người chủ yếu là qua các ứng dụng, và chính ứng dụng lại hoàn thiện công nghệ AI, cho nên, ứng dụng AI, chuyển đổi AI có thể là lựa chọn để chúng ta từ Việt Nam đi ra toàn cầu. Bước đi thì nhỏ nhưng tầm nhìn thì phải lớn lao, khát vọng thì cháy bỏng, lao động thì quên mình - đó là những đặc trưng của các doanh nghiệp công nghệ sô thế hệ mới.
Chia sẻ tại Chương trình “Kiến tạo tương lai AI Việt Nam” do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Google khởi động ngày 11/7/2024, ông Marc Woo, Giám đốc điều hành Google Châu Á - Thái Bình Dương cho biết, kinh tế số của Việt Nam dự kiến tăng trưởng gấp 11 lần, đạt 220 tỷ USD vào năm 2030, tương đương gần một nửa GDP hiện tại. AI sẽ đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra giá trị này, từ tự động hóa sản xuất, tối ưu hóa quy trình cho đến phát triển các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo.
Top 10 công cụ AI phổ biến nhất năm 2023 Mới đây, công ty Writterbudy.ai, chuyên viết nội dung trực tuyến, đã công bố kết quả khảo sát về 10 công cụ trí tuệ nhân ... |
Báo cáo của Google cũng chỉ ra rằng các ngành như thương mại điện tử, truyền thông kỹ thuật số và dịch vụ sáng tạo đang tăng trưởng nhờ vào các công cụ AI. Cụ thể, các ứng dụng như Gemini, PixVerse hay Luma không chỉ hỗ trợ cá nhân hóa nội dung mà còn tạo ra các sản phẩm chất lượng cao với chi phí thấp. AI đang đóng vai trò chuyển đổi trong sự phát triển của Nền kinh tế sáng tạo, hỗ trợ người dùng tốt hơn ở những công việc mang tính sáng tạo.
Ông Marc Woo, Giám đốc điều hành, phụ trách Việt Nam, Google Châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ về triển vọng của nền kinh tế số Việt Nam. |
AI đã thay đổi cách thức sáng tạo và sản xuất nội dung trong nhiều ngành nghề tại Việt Nam. Các công cụ như Gemini, ChatGPT, và PixVerse hỗ trợ từ việc soạn thảo văn bản, tạo hình ảnh, chỉnh sửa video đến việc phát triển các ý tưởng sáng tạo. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của thị trường.
Ví dụ, trong lĩnh vực truyền thông, các nhà báo và biên tập viên sử dụng AI để phân tích dữ liệu, cá nhân hóa nội dung cho độc giả và tự động hóa quy trình xuất bản. Trong ngành công nghiệp giải trí, các công cụ AI như Luma hỗ trợ tạo video 3D sống động, từ đó mang đến trải nghiệm mới lạ và độc đáo cho người xem.
Thúc đẩy đổi mới và sáng tạo
Việc người Việt ngày càng quan tâm đến AI cho thấy sự cởi mở với công nghệ mới và tinh thần sẵn sàng thử nghiệm. AI không chỉ là xu hướng mà đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống và công việc của nhiều người.
Google và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cũng khởi động chương trình hỗ trợ phát triển AI tại Việt Nam với hai tâm tâm chính: đào tạo nhân tài và hỗ trợ doanh nghiệp. Chương trình sẽ cung cấp 40.000 suất học bổng cho 10 khóa học về AI cho sinh viên và học viên từ hơn 80 trường đại học, cao đẳng trên cả nước.
Trong tương lai, với sự phát triển không ngừng của công nghệ, các công cụ AI sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng, giúp người Việt khai thác tối đa tiềm năng sáng tạo và góp phần xây dựng một nền kinh tế số hiện đại, năng động.
Microsoft bổ sung phím Copilot cho bàn phím Windows sau gần 3 thập kỷ |
OpenAI ra mắt công cụ AI 'Sora' chuyển văn bản thành video |
Người Việt tìm kiếm gì nhiều nhất năm qua? |