Người Việt tìm kiếm gì nhiều nhất năm qua?
Danh sách này phản ánh những xu hướng, thông tin mà người Việt quan tâm và tìm kiếm nhiều nhất trong năm qua. Trong đó đáng chú ý về mức độ quan tâm của người dùng Việt đối với các công cụ AI, Du lịch nội địa và các sự kiện âm nhạc trong và ngoài nước.
Như thường lệ, chủ đề thể thao chiếm ưu thế trong xu hướng tìm kiếm chung. Lý giải cho điều này, đại diện Google cho biết, năm 2024 đã có rất nhiều sự kiện thể thao quốc tế lớn diễn ra, thu hút sự chú ý đặc biệt từ người hâm mộ tại Việt Nam và toàn cầu. Các giải đấu theo chu kỳ 4 năm như "Euro", "Asian Cup", "Olympics", "Copa" và "Paralympics" đã giúp cho chủ đề Thể thao chiếm lĩnh top “Xu hướng tìm kiếm chung nổi bật nhất”, thể hiện mức độ quan tâm lớn của người Việt Nam đối với thể thao.
Từ khóa "Tiến trình biến đổi khí hậu" và "Bão Yagi" cũng nằm trong danh sách TOP 10 xu hướng tìm kiếm chung đã cho thấy sự quan tâm của người dân đến thảm họa môi trường và biến đổi khí hậu, đặc biệt từ sau những thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra trong nước gần đây.
Một điểm rất mới trong năm 2024 vừa qua đó chính là mức độ quan tâm của người dùng Việt về các công cụ AI ngày càng tăng và đa dạng. Bên cạnh “Gemini”, “Viggle”, “Character AI” và “ChatGPT” là những công cụ AI nổi bật trong chủ đề “Công cụ AI”, thì cũng có rất nhiều công cụ AI mà chỉ có người dùng Việt mới quan tâm nhiều tới nhu vậy, đó là những công cụ AI tạo video hay nội dung video 3D như Viggle, PixVerse, Luma. Điều này cũng khá tương đồng với Báo cáo 2024 về Nền Kinh Tế Số Việt Nam, của Google, Bain và Temasek trong đó nêu rõ sự gia tăng trong việc tải các ứng dụng AI liên quan đến chỉnh sửa hình ảnh hay tạo nội dung video tại Việt Nam. Xu hướng tìm kiếm tăng cao cũng thể hiện người Việt đang cởi mở hơn với việc thử nghiệm các giải pháp và dịch vụ công nghệ mới. AI đang đóng vai trò chuyển đổi trong sự phát triển của Nền kinh tế sáng tạo, hỗ trợ người dùng tốt hơn ở những công việc mang tính sáng tạo. Đồng thời nhóm người dùng trẻ tuổi, yêu thích công nghệ, dễ tiếp cận với xu hướng mới cũng được phản ánh rất rõ qua xu hướng tìm kiếm này.
Du lịch nội địa "lên ngôi" có thể được xem là một tín hiệu đáng mừng. Trong đó có đến 8 /10 điểm đến du lịch nội địa xuất hiện trong chủ đề “Du lịch’’ đã cho thấy người dùng ngày càng quan tâm đến du lịch trong nước, phản ánh tiềm năng tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam. Người Việt có xu hướng tìm kiếm thông tin về các địa điểm sở hữu cảnh quan tự nhiên đặc sắc, mang lại sự bình yên và thư thái như: vịnh biển Vĩnh Hy, phố cổ Hội An, làng du lịch cộng đồng Cồn Sơn Cần Thơ… bên cạnh 2 điểm đến có mặt trong xu hướng tìm kiếm về chủ đề Du lịch của người Việt đó chính là “Du lịch Malaysia” và “Du lịch Châu Âu”. Hai từ khóa lọt vào danh sách này với vị trí lần lượt ở top 1 và top 6.
Trong lĩnh vực giải trí, chủ đề “concert’’ và phim quốc tế tăng mạnh đã phần nào phàn ánh rõ nhu cầu của người Việt. Hai xu hướng tìm kiếm nổi bật là “concert” cả trong nước lẫn quốc tế, và phim ngoại đã thật sự lên ngôi. Trong đó, hai “concert” đình đám nhất mà gần như người Việt nào cũng biết đến đó chính là "Anh Trai Say Hi" và "Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai". Top 2 /10 “concert” được tìm kiếm nhiều nhất năm qua đã cho thấy sự kiện âm nhạc trong nước đã được người Việt quan tâm hơn. Sự yêu mến ngày càng lớn từ người hâm mộ cho thấy thị trường âm nhạc Việt Nam đang trở nên sôi động và đầy tiềm năng.
Ở chủ đề phim truyện thì phim truyền hình Hàn Quốc vẫn còn rất nhiều ảnh hưởng đối với khu vực, trong đó có Việt Nam. Không chỉ có mặt ở bảng xếp hạng 10 phim được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam, “Queen of Tears” cũng nằm trong bảng xếp hạng này ở Singapore, Indonesia và Philippines. Ngoài các tựa phim quốc tế xuất hiện áp đảo trong danh sách tìm kiếm về “Phim” nói chung, thì điện ảnh Việt Nam cũng góp mặt với hai bộ phim tạo khá nhiều ý kiến ủng hộ và cả tranh luận là phim “Mai” và “Quỷ Cẩu”.
Người Việt cũng tìm đến công cụ “Tìm Kiếm” để học hỏi những kỹ năng mới và phát triển bản thân. Trong đó từ khóa “Kỹ năng” là một trong những chủ đề mới của năm nay. Sự quan tâm và tìm kiếm tăng cao về các kỹ năng mềm như “Kỹ năng đàm phán trong kinh doanh”, “Kỹ năng lãnh đạo quản lý”, cho thấy người Việt ngày càng chú trọng đến việc trang bị và nâng cao thêm các kỹ năng mới cho bản thân. Thú vị hơn, sự xuất hiện của "Kỹ năng sống cho học sinh tiểu học" ở vị trí thứ hai trong danh sách này đã cho thấy nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của giáo dục toàn diện cho trẻ em đang ngày càng tăng.
Ở chủ đề “Cách làm”, các từ khóa về “Cách làm kẹo chip chip”, “Cách làm hoa bằng kẽm nhung” và “Cách làm da mặt căng bóng” đứng ở ba vị trí đầu tiên, theo sau đó là “Cách làm Căn cước công dân cho trẻ dưới 14 tuổi” và “Cách làm Căn cước cho trẻ dưới 6 tuổi”. Năm 2024 là năm Việt Nam phát động nhiều đợt làm thẻ Căn cước, chứng kiến nhiều cải cách và từ 01/07/2024, Bộ Công An cho phép trẻ em từ 6 đến 14 tuổi được đăng ký làm thẻ Căn cước. Điều này dẫn đến sự tăng cao trong lượt tìm kiếm liên quan đến chủ đề đặc biệt này. Cùng theo xu hướng đang làm mưa làm gió về “túi mù” tại Việt Nam, đặc biệt là đối với giới trẻ, nhiều người dùng đã tìm hiểu "Cách làm túi mù" khiến chủ đề này nổi lên ở vị trí thứ tám trong danh sách “Cách làm’’.
Danh sách TOP tìm kiếm trên Google trong năm 2024 có tại đây google.com.vn/trends.