Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam: Năm 2024 nhiều dấu ấn khoa học và công nghệ
Quang cảnh Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 2 nhiệm kỳ VIII Hội Vô Tuyến - Điện Tử Việt Nam. Ảnh: HC
Ngay từ nhiệm kỳ VIII, Hội đã kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan Hội; đặc biệt nâng cao vai trò và trách nhiệm các thành viên trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, các Ban chức năng; Rà soát lại hoạt động của các tổ chức trực thuộc Hội, các chi hội, tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa Trung ương Hội với các chi hội và hội viên.
Cơ cấu tổ chức của Hội hiện nay:
- Ban Chấp hành: 56 ủy viên
- Ban Thường vụ: 18 ủy viên
- Ban Kiểm tra: 05 ủy viên
- Các đơn vị thuộc Hội gồm: Văn phòng, Ban Kiểm tra, Ban Hội nghị - Hội thảo và Hợp tác quốc tế, Ban Khoa học công nghệ và Tư vấn, Tạp chí Điện tử và Ứng dụng, Tạp chí JEC.
Điểm đáng chú ý là Hội đã ban hành 9 quy chế hoạt động chi tiết, bao gồm Quy chế làm việc, Quy chế Khen khen thưởng, Quy chế Chi tiêu Nội bộ và các quy chế chuyên môn khác. Đây được xem là bước đi chiến lược tăng tính chuyên nghiệp và minh bạch.
Trong năm 2024, Hội REV đã kết hợp thêm 06 Chi hội mới, nâng tổng số các Chi hội thuộc Hội REV là 29 chi Hội với 789 hội viên đây là nội dung quan trọng trong công tác vận động tri thức khoa học và công nghệ. Các chi hội mới đến từ các trường đại học danh tiếng như Chi hội VTĐT trường Đại học Điện lực, Chi hội VTĐT trường Đại học PHENIKAA, Chi hội VTĐT trường Đại học Thủy lợi, Chi hội VTĐT trường Đại học CNTT và TT Việt Hàn-Đại học Đà nẵng, Chi hội VTĐT Học viện CNBCVT, Chi hội Trường ĐH Quốc tế - ĐH QG TPHCM với tổng số là 182 hội viên tham gia.
Những sự kiện khoa học lớn
Hai sự kiện khoa học quốc tế nổi bật của Hội là Hội nghị quốc tế về các Công nghệ Truyền thông tiên tiến (International Conference on Advanced Technologies for Communications - ATC 2024) và Hội nghị Quốc gia về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin lần thứ XXVII, REV-ECIT 2024). Tại ATC 24 diễn ra từ 17-19/10 tại TP. Hồ Chí Minh, Ban tổ chức đã tiếp nhận 307 bài báo từ 21 quốc gia, với 176 bài được chấp nhận và sự tham gia của 682 tác giả, trong đó có 132 tác giả quốc tế.
Quang cảnh Hội nghị ATC 2024. Ảnh: HC
Hội nghị REV-ECIT 2024 diễn ra vào 14/12 với 159 bài nộp, 128 công trình khoa học được chấp nhận, quy tụ gần 300 nhà khoa học đến từ 61 trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức khoa học trên toàn quốc. Đặc biệt, Hội nghị có phiên toàn thể với 2 báo cáo chính (keynote) và diễn đàn về "Phát triển công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo".
Phiên báo cáo đặc biệt sáng 14/12 về Phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Ảnh HC
Vai trò tư vấn và phản biện
Công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội được đẩy mạnh nhất là hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội mà Hội có thế mạnh vì có một đội ngũ đông đảo chuyên gia trong ngành. Huy động các cán bộ khoa học uy tín, có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm tham gia hoạt động tư vấn phản biện.
Xây dựng những kiến nghị, đề xuất của Hội trình các các cơ quan có liên quan về những vấn đề cấp bách, mang tính thời sự, những dự báo có tầm quan trọng trong việc hoạch định chiến lược phát triển và ứng dụng ở tầm vĩ mô thông qua các Hội nghị ATC, Hội nghị REV-ECIT thường niên và các hội thảo chuyên ngành.
Hội đã tích cực tham gia thẩm định và góp ý cho nhiều dự án quan trọng. Trong năm, Hội đã cử chuyên gia tham gia thẩm định dự án Luật Công nghiệp công nghệ số và góp ý cho nhiều bộ luật, nghị định liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.
Công tác truyền thông và tuyên truyền phổ biến kiến thức
Hội đã tập trung chỉ đạo Tạp chí Điện tử và Ứng dụng thực hiện công tác truyền thông và tuyên truyền phổ biến kiến thức thông qua Tạp chí phiên bản in, Tạp chí phiên bản online (dientuungdung.vn), Trang thông tin điện tử tổng hợp (dientungaynay) và duy trì tốt các trang Web của Hội, Trang Web ATC và REV-ECIT, cụ thể:
Tạp chí bản in: đã có những cải tiến đáng kể cả về nội dung và hình thức. Các số báo được xuất bản đều đặn - 2 tháng/số. Nội dung luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của Ngành, của Hội phản ánh sinh động góc nhìn và tư duy của người làm báo.
Tạp chí online và Trang tin điện tử của Tạp chí ngày càng được quan tâm, chú trọng nâng cấp phát triển, nội dung ngày càng được cập nhật nhanh hơn, lượng tin bài nhiều hơn, phong phú hơn, nội dung bao quát được sâu rộng các hoạt động Bộ, ban, ngành... về sự phát triển của Điện - Điện tử, Viễn thông, Công nghệ thông tin, chuyển đổi số, kinh tế vĩ mô,... được bạn đọc đánh giá cao.
Phiên bản tiếng Anh của tạp chí (REV Journal on Electronics and Communications; ISSN: 1859-378X) luôn nằm trong nhóm đầu các tạp chí khoa học uy tín tại Việt Nam và quốc tế, được Hội đồng giáo sư Nhà nước đánh giá là một trong những tạp chí uy tín nhất tại Việt Nam. Năm 2024, Tạp chí được được tính điểm khoa học 01 điểm của Hội đồng Giáo sư liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hóa, 0,75 điểm của Hội đồng Giáo sư liên ngành Công nghệ thông tin, Tạp chí được phát hành ổn định 04 số/năm với số lượng bài được chấp nhận trung bình 20 bài/năm. Thu hút sự quan tâm của giới khoa học, nhà nghiên cứu và các nghiên cứu sinh...
Trong năm 2024, Tạp chí của Hội đã thực hiện công tác truyền thông chính sách (do Bộ TTTT giao) nhằm giới thiệu các luật, dự án luật, Nghị định, thông tư của Chính phủ, của ngành cụ thể như: Quy định đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021-2030; Phổ cập bộ nhận diện Chuyển đổi số quốc gia; Chiến lược hạ tầng số; Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030...
Các hoạt động nổi bật
Một trong những điểm nhấn là hội thảo về "Chương trình Đào tạo cho ngành Công nghiệp vi mạch bán dẫn đến năm 2030" vào 26/4, thu hút sự quan tâm của lãnh đạo các bộ như Giáo dục-Đào tạo, Thông tin và Truyền thông.
Hội thảo "Chương trình đào tạo cho ngành Công nghiệp Vi mạch bán dẫn đến năm 2030 - Thách thức và giải pháp". Ảnh: HC
Các chi hội doanh nghiệp như VNPT, Viettel, MobiFone cũng triển khai những dự án lớn trong lĩnh vực 5G, chuyển đổi số và phát triển AI. Đáng chú ý là các doanh nghiệp nhỏ như OSB và Sapient đã có những dự án đột phá trong giáo dục và giao thông thông minh.
Hướng phát triển năm 2025
Cho năm 2025, Hội REV tiếp tục phát huy các hoạt động khoa học công nghệ mang tính học thuật cao, bám sát sự phát triển của khoa học công nghệ về điện tử, viễn thông , phát thanh-truyền hình và công nghệ thông tin thông qua việc tổ chức Hội nghị quốc tế hàng năm, các hội thảo chuyên ngành và xuất bản tạp chí chất lượng cao bằng tiếng Anh (JEC) với sự hợp tác của các phân hội chuyên ngành. Xem xét ra Nghị quyết chuyên đề hoặc Chương trình hành động để đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, phát triển nguồn nhân lực… trong các lĩnh vực công nghệ mới đang có nhu cầu cao cho sự phát triển KT-XH VN như IoT, AI,, nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chíp bán dẫn, điện toán lượng tử…
Với những hoạt động tích cực trong năm 2024, Hội Vô Tuyến - Điện Tử Việt Nam đã khẳng định vị thế quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ tại Việt Nam.