REV và HaUI: Cầu nối học thuật và thực tiễn trong lĩnh vực công nghệ
Nền tảng hợp tác và triển vọng tương lai
Tại buổi làm việc, TS. Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam, đánh giá cao nền tảng hợp tác tốt đẹp đã được thiết lập giữa hai bên trong thời gian qua. Ông nhấn mạnh rằng việc thành lập chi hội tại Đại học Công nghiệp Hà Nội chính là cầu nối quan trọng, giúp hai bên phát triển mối quan hệ một cách hiệu quả hơn trong thời gian tới.
REV đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam. Hằng năm REV đang chủ trì nhiều Hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế có tầm ảnh hưởng lớn.
Hai sự kiện nổi bật trong số này là Hội nghị Quốc tế về các Công nghệ Truyền thông Tiên tiến (ATC) và Hội nghị Quốc gia về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin (REV-ECIT). Những hội thảo này không chỉ là diễn đàn học thuật đơn thuần mà còn là nơi quy tụ đa dạng các thành phần trong ngành, từ các nhà khoa học hàng đầu, giảng viên đại học, đến học viên cao học, sinh viên và đại diện doanh nghiệp trong và ngoài nước.
TS. Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam.
Điều đáng chú ý là các nghiên cứu và thảo luận tại các hội thảo này không tách rời thực tiễn. Ngược lại, chúng được định hướng chặt chẽ để phù hợp với mục tiêu phát triển của đất nước. TS. Lai nhấn mạnh rằng Hội luôn chú trọng đến việc bám sát các chủ đề mà Chính phủ Việt Nam đang ưu tiên. Cách tiếp cận này đảm bảo rằng các kết quả nghiên cứu không chỉ có giá trị học thuật mà còn có thể áp dụng trực tiếp vào thực tiễn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao.
Thông qua việc tổ chức các hội thảo này, Hội Vô tuyến-Điện tử Việt Nam đang tạo ra một cầu nối quan trọng giữa nghiên cứu học thuật và nhu cầu thực tế của xã hội, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác giữa các nhà khoa học, giáo dục và doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao.
TS. Kiều Xuân Thực, Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Về phía Đại học Công nghiệp Hà Nội, TS. Kiều Xuân Thực, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ về lịch sử phát triển nhà trường và khẳng định tiềm năng to lớn của sự hợp tác này, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử - viễn thông và công nghệ thông tin. Hiện Dư địa và tiềm năng của hai bên còn rất lớn, chúng ta phải biến điều đó thành hợp tác chặt chẽ để cùng phát triển vượt bậc, TS. Kiều Xuân Thực nhấn mạnh.
Thông tin thêm về chiến lược phát triển của trường trong thời gian tới, TS. Kiều Xuân Thực cho biết: "Hiện nay, tại Việt Nam có xu hướng đào tạo chất lượng cao ở một số chuyên ngành riêng biệt. Tuy nhiên, tại HaUI, chúng tôi cam kết đào tạo với chất lượng cao nhất cho tất cả các chuyên ngành. Chúng tôi nhận thức rằng phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang ở giai đoạn gia công lắp ráp là chủ yếu. Vì vậy, việc kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp trong đào tạo và nghiên cứu khoa học mang lại nhiều lợi ích:
- Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng trực tiếp nhu cầu của doanh nghiệp.
- Tạo cơ hội gắn kết giữa thực tiễn và nghiên cứu khoa học.
- Thúc đẩy sự hợp tác trong việc phát triển và sản xuất các sản phẩm mới.
- Hướng tới tự chủ một số công nghệ lõi theo định hướng Make in Vietnam.
Thông qua việc kết nối chặt chẽ, chúng tôi không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo mà còn góp phần tối ưu hóa, tự động hóa và thông minh hóa dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp. Đây là bước đi quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế."
TS. Kiều Xuân Thực, Hiệu trưởng HaUI, trân trọng trao tặng kỷ niệm chương cho TS. Trần Đức Lai, Chủ tịch REV, đánh dấu mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa hai tổ chức.
Hợp tác đa lĩnh vực
Cả hai bên đã nhất trí mở rộng hợp tác trong ba lĩnh vực chính:
-
Kết nối Trường – Trường: Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam với hơn 1.000 hội viên từ 50 trường đại học và viện nghiên cứu sẽ tạo cơ hội giao lưu, trao đổi học thuật cho sinh viên và giảng viên của Đại học Công nghiệp Hà Nội. Sự hợp tác này hứa hẹn nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn nhân lực.
-
Kết nối Trường – Doanh nghiệp: Với mạng lưới quan hệ hợp tác nhiều năm chặt chẽ với các doanh nghiệp lớn như LG, Samsung, Viettel, và Mobifone, Đại học Công nghiệp Hà Nội sẽ chia sẻ nguồn lực và kết nối với các doanh nghiệp trong Hội. Điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội thực tập, việc làm và nghiên cứu ứng dụng cho sinh viên.
-
Kết nối chuyên gia, nhà khoa học quốc tế: Cả hai tổ chức sẽ cùng nhau tổ chức các Hội nghị Quốc tế ATC, hội nghị Quốc gia REV ECIT cùng các hội thảo khoa học để trao đổi học thuật với các chuyên gia trong nước và quốc tế, nhằm tiếp cận và nắm vững những xu hướng nghiên cứu hiện đại nhất.
Chủ tịch Trần Đức Lai, bày tỏ hy vọng rằng các tập đoàn lớn của Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam như: OSB Group và Sapient sẽ đóng vai trò dẫn dắt, hợp tác chặt chẽ với các trường đại học trong tương lai.
Đây cũng là bước đi cần thiết để tạo ra những liên kết vững chắc giữa giới học thuật và doanh nghiệp, giúp sinh viên và giảng viên tiếp cận gần hơn với nhu cầu thực tế của thị trường, từ đó đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đặc biệt, REV mong muốn được phối hợp với HaUI để tổ chức các hội thảo khoa học trong các lĩnh vực về điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin, đặc biệt trong nghiên cứu, thiết kế vi mạch bán dẫn hiện nay.
Một số hình ảnh tham quan và trao đổi tại buổi làm việc
Trong khuôn khổ buổi làm việc, đoàn công tác đã tham quan phòng truyền thống, Khoa Công nghệ thông tin và Khoa Điện tử của HaUI. Những trao đổi tại buổi làm việc đã củng cố thêm niềm tin về sự hợp tác hiệu quả và bền vững giữa hai bên, hứa hẹn đem lại nhiều thành quả trong tương lai.
Thăm phòng truyền thông của HaUI, TS. Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam đánh giá rất cao về lịch sử và các bước phát triển của Nhà trường.
Đoàn thăm quan phòng Lab và môi trường đào tạo sinh viên của trường HaUI
Các sinh viên được tiếp cận các loại máy móc hiện đại trong quá trình học tập.
Chủ tịch Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam động viên các sinh viên nắm vững thật chắc kiến thức và có những hướng đi đúng đắn kiên trì với đam mê sẽ có những kết quả tốt đẹp trong tương lai.
Sự hợp tác giữa Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam và Đại học Công nghiệp Hà Nội không chỉ là bước đi chiến lược trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu trong nước mà còn mở ra cánh cửa kết nối Việt Nam với những chuyển động công nghệ trên thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu hoá và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, sự hợp tác này sẽ không chỉ dừng lại ở phạm vi quốc gia mà còn vươn tầm ra quốc tế. Việc cùng nhau xây dựng những diễn đàn khoa học, những dự án nghiên cứu đột phá, sẽ là cầu nối quan trọng đưa trí tuệ Việt Nam vào dòng chảy phát triển chung của thế giới. Đây chính là lời cam kết cho một tương lai mà ở đó, Việt Nam không chỉ tham gia mà còn là một phần tích cực trong những tiến bộ khoa học và công nghệ toàn cầu.