Điện Quang tập trung tái cấu trúc theo mô hình tập đoàn công nghệ
Ông Hồ Quỳnh Hưng - Chủ tịch HĐQT DQC. Ảnh: Tiến Vũ
Một số định hướng chính 2023, Công ty tập trung tái cấu trúc theo mô hình tập đoàn công nghệ với các công ty thành viên hoạt động theo mô hình tự chủ, chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất kinh doanh. Hoạt động trong 5 lĩnh vực: chiếu sáng, điều khiển thông minh, gia dụng, thiết bị điện và năng lượng mặt trời, với ba mảng kinh doanh chính: B2C phục vụ người tiêu dùng, B2B phục vụ doanh nghiệp và tổ chức, B2O – mảng công nghiệp hỗ trợ và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Công ty tái định vị thương hiệu Điện Quang với một cụm từ duy nhất, đó là chất lượng. "Ở đâu có điện, ở đó có Điện Quang. Ở đâu có Điện Quang, ở đó có chất lượng. Chất lượng không chỉ là chất lượng của sản phẩm, giải pháp, dịch vụ mà còn là chất lượng của nguồn nhân lực, thực thi văn hóa doanh nghiệp, quy trình và hoạt động của tập đoàn", Chủ tịch Hồ Quỳnh Hưng cho biết.
Chiến lược 2023 – 2027, Điện Quang xác định tốc độ tăng trưởng doanh thu và thị phần, doanh thu dự kiến tăng bình quân từ 20 - 25% mỗi năm, duy trì thương hiệu uy tín chất lượng 50 năm, tiếp tục chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ phục vụ khách hàng…
Tỷ lệ cổ tức 2023 trình cổ đông là 5%, đổi tên Công ty
DQC đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 2023 đạt 1,200 tỷ đồng, lãi trước thuế đạt 20 tỷ đồng, tăng lần lượt 21% và 27% so với thực hiện năm 2022. Cổ tức 2023 dự kiến ở mức 5%.
Mục tiêu được đặt ra dựa trên dự báo tình hình kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam năm nói riêng năm 2023 sẽ vẫn còn nhiều rất khó khăn và thách thức, đặc biệt là thị trường bất động sản (BĐS).
Từ giữa năm 2022, thị trường BĐS Việt Nam gặp khó khăn do áp lực tăng lãi suất, tồn kho và dư nợ vay của các doanh nghiệp rất lớn. Trong bối cảnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của những doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của ngành BĐS bị tác động nặng nề với việc tồn kho và công nợ tăng cao. Là một doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm, giải pháp chiếu sáng và thiết bị điện cho ngành BĐS, do đó DQC cũng không nằm ngoài những khó khăn này đặc biệt là việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Đáng chú ý, DQC cho biết nhằm tạo thuận lợi trong quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường và giao dịch trình kết nối với các đối tác, khách hàng, HĐQT trình cổ đông xem xét thông qua việc thay đổi tên Công ty thành CTCP Tập đoàn Điện Quang.
Tại đại hội, DQC tiến hành bầu HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2023 – 2027 với các ứng viên trúng cử HĐQT: Ông Hồ Quỳnh Hưng, bà Nguyễn Thái Nga, ông Hồ Vĩnh Phương, ông Dương Hồ Thắng, bà Trần Thị Ngà Huế - Thành viên HĐQT độc lập. Danh sách Thành viên BKS gồm bà Nguyễn Hoàng Anh, ông Ngô Đức Thọ, ông Tô Hiếu Thuận.
HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới của DQC ra mắt cổ đông
Trên cơ sở đó, để đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh các ngành hàng kinh doanh mới như mảng ODM và công nghiệp phụ trợ, chiếu sáng công trình công nghiệp và hạ tầng giao thông, chiếu sáng mỹ thuật vốn không bị ảnh bởi thị trường BĐS, DQC sẽ không chia cổ tức năm 2022 và giữ lại lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cuối năm 2022 để năm sau quyết định.
Nêu lý do không chia cổ tức, Chủ tịch cho biết, khó nhất năm nay là dòng tiền, không riêng gì DQC mà dòng tiền chung của xã hội rất khó khăn.
B2C hiện DQC bán thông qua các đại lý, tạm thời đang đi ngang, B2B gần như đứng trong giai đoạn quý 4/2022, khi các chủ đầu tư BĐS đang đứng lại, BĐS khu công nghiệp dù không gặp khó nhưng bị ảnh hưởng dây chuyền từ nhà thầu, nhà cung cấp vật tư, nên BĐS công nghiệp cũng khó mặc dù không khó bằng BĐS dân dụng.
Do đó, mảng công nghiệp hỗ trợ, liên quan kỹ thuật, điện tử sẽ là trọng tâm của DQC năm nay. Khi làm với đối tác xuất khẩu, Công ty có thể phải đầu tư thêm máy móc thiết bị liên quan chất lượng để sản xuất các bo mạch đòi hỏi kỹ thuật cao, cho nhân viên đi học để lấy các chứng chỉ ngành hàng. Công ty cũng phải đầu tư thêm máy móc kiểm tra chất lượng để duy trì tăng trưởng trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Chưa có chủ trương thoái vốn ở khoản đầu tư vào Vinatex
Chia sẻ về khoản đầu tư vào Vinatex ông Dương Hồ Thắng - Thành viên HĐQT DQC cho biết, khoản đầu tư vào Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) tính đến cuối 2022, Công ty đã trị trích lập dự phòng 5 tỷ đồng, việc trích lập này là đảm bảo nguyên tắc thận trọng theo Thông tư 48. Còn đến thời điểm cuối 2023, nếu có thay đổi thì Công ty sẽ trích lập tiếp tục hoặc sẽ hoàn nhập dự phòng quy định.
Chủ tịch Hồ Quỳnh Hưng chia sẻ thêm, liên quan đến 2 khoản đầu tư (tại Vinatex và CTCP Công nghệ Xelex – PV), Công ty hiện chưa có chủ trương thoái vốn.
Đối với kế hoạch bán cổ phiếu quỹ (tính đến cuối năm 2022 là 167 tỷ đồng) để huy động vốn đầu tư trong tương lai, ông Hưng cho biết, có những giai đoạn cổ phiếu xuống, tài chính tốt Công ty đã mua vào hỗ trợ nhà đầu tư và khi điều kiện thuận lợi thì Công ty bán bớt ra.
Ngoài ra, Công ty đặt mục tiêu mở rộng hợp tác với các đối tác chiến lược, trong đó, lựa chọn những đối tác có tiềm lực giúp Công ty mở rộng về thị trường và công nghệ.
Doanh thu quý 1 giảm 3-4% so cùng kỳ
Liên quan đến cơ cấu doanh thu lợi nhuận, Chủ tịch Hồ Quỳnh Hưng cho biết, từ xưa nay, DQC không công bố, ngành rất hẹp, nếu công bố sẽ tính được lãi gộp, ảnh hướng đến việc đấu giá.
Trong quý 1, doanh thu ước giảm 3-4% so với cùng kỳ, đây là kết quả Công ty đã rất cố gắng. Năm nay không thể chia đều 4 quý như mọi năm, quý 1-2 chắc chắn rất khó khăn và Công ty tập trung doanh thu từ quý 3.
Về chi phí bán hàng năm 2022 tăng đột biến, ông Dương Hồ Thắng - Thành viên HĐQT DQC cho biết là do liên quan đến chính sách bán hàng là hệ thống phân phối và đại lý. Xét về mức tăng giá trị tuyệt đối thì cao do doanh thu năm 2022 tăng, nhưng so với tỷ lệ trên doanh thu thì Công ty vẫn kiểm soát tốt, tương đương với năm trước.
Muốn hái quả thì phải đến 2025
Trả lời thắc mắc cổ đông về việc cổ tức 5% năm 2023 có thấp hay không, Chủ tịch DQC cho biết, giai đoạn này vẫn là giai đoạn đầu tư. Thời gian qua, kết quả kinh doanh có phần đi xuống, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến việc đầu tư năm 2019 không phát huy hiệu quả. Năm nay tiếp tục chịu ảnh hưởng từ thị trường BĐS, lãnh đạo công ty không muốn biện minh về hiệu quả kinh doanh.
Để đối tác nước ngoài đặt hàng của mình thì thường mất 1 – 1.5 năm, đánh giá 4-5 lần về năng lực và con người, buộc Công ty phải tốn các chi phí đầu tư máy móc. Khi đạt tiêu chuẩn rồi thì tiếp đến câu chuyện giá cả của Công ty có lợi thế cạnh tranh không để đối tác lựa chọn.
Khi tiếp cận Điện Quang, hầu hết các đối tác nước ngoài điều đánh giá cao về năng lực đầu tư bài bản. Do đó, hiện vẫn là giai đoạn đầu tư, nếu muốn hái quả thì phải đến 2025.
Còn về lý do Công ty bỏ trống ghế TGĐ từ năm 2019 đến nay, ông Hồ Quỳnh Hưng cho biết, Công ty đã có kế hoạch đào tạo và huấn luyện rồi nên sau đại hội sẽ tiến hành bầu ra TGĐ.