Tìm giải pháp cân đối tài chính cho báo chí địa phương

Tìm giải pháp cân đối tài chính cho báo chí địa phương

Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ đặt vấn đề nghiên cứu cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho cơ quan báo chí giảm chi phí, tăng nguồn thu để phát triển. Điều này là cần thiết, góp phần giảm dần gánh nặng ngân sách nhà nước, tăng tính chủ động của các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, tự chủ như thế nào, có cơ chế gì để các cơ quan báo chí, nhất là cơ quan báo chí cấp tỉnh có thể tự chủ được tài chính là một bài toán không đơn giản.

Đa dạng nguồn thu cho cơ quan báo chí

Báo chí không hoạt động như những đơn vị kinh doanh thông thường và sản phẩm báo chí là loại sản phẩm đặc biệt, có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội. Sự tồn tại của báo chí không chỉ là vấn đề lợi nhuận hay thua lỗ của cơ quan chủ quản, khỏng chỉ là việc làm và đồng lương của nhà báo. Đó còn là nguồn cung cấp những thông tin, kiến thức chuẩn xác, hữu ích, quan trọng giúp cho người dân định hướng công việc và cuộc sống của mình. Chính vì vậy cần xác định rõ việc tự chủ tài chính của các cơ quan báo chí là thế nào? Làm thế nào để đa dạng các nguồn thu cho cơ quan báo chí địa phương?

Theo Giám đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh Mai Vũ Tuấn, trước hết căn cứ vào khả năng thu sự nghiệp, các cơ quan báo chí cũng giống như các đơn vị sự nghiệp khác phải đăng ký trình cấp có thẩm quyền phân loại đơn vị sự nghiệp theo mức tự chủ. Từ đó xây dựng Đề án tự chủ, đảm bảo hoạt động của đơn vị mình. Việc đăng ký mức độ tự chủ của cơ quan báo chí không có nghĩa là nhà nước không bố trí kinh phí cho hoạt động này, mà thay đổi phương thức từ cấp ngân sách để sản xuất chương trình sang đặt hàng, giao nhiệm vụ, nhằm nâng cao trách nhiệm của cơ quan báo chí và nâng cao chất lượng các sản phẩm báo chí.

Ông Mai Vũ Tuấn chia sẻ: “Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh là cơ quan báo chí được hợp nhất từ Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh truyền hình Quảng Ninh, Báo văn nghệ Quảng Ninh và bộ phận trang tin điện tử trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh. Để đảm bảo tài chính hoạt động, Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch tự chủ tài chính và được tỉnh giao kinh phí thực hiện nhiệm vụ truyền dẫn phát sóng phát thanh - truyền hình, xuất bản - phát hành báo in; sản xuất chương trình phát - truyền hình, báo in, báo điện tử. Bên cạnh đó, Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh cũng phải chủ động tổ chức các hoạt động sự nghiệp có thu để đảm bảo ổn định hoạt động của Trung tâm”.

Trên thực thế, để đảm bảo hoạt động, bên cạnh việc đặt hàng giao nhiệm vụ của nhà nước, Trung tâm truyền thông Quảng Ninh cũng như các cơ quan báo chí địa phương khách cần triển khai nhiều biện pháp đa dạng hóa nguồn thu để đảm bảo hoạt động. Các cơ quan báo chí địa phương cần xác định Nhà nước phải là khách hàng lớn nhất của các cơ quan báo chí. Nguồn kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ là nguồn thu quan trọng, ổn định nhất bởi nhiệm vụ chính của các cơ quan báo chí là thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương; xây dựng niềm tin của xã hội, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; truyền tải các thông điệp xây dựng xã hội tốt đẹp, an toàn, ổn định và phát triển, đúng với định hướng của Đảng, Nhà nước.

Thực tế cũng cho thấy rõ, hiện nay phần thu dịch vụ của báo chí, nhất là từ quảng cáo ngày càng bị mất vào tay các nền tảng mạng xã hội. Do nguồn thu suy giảm mạnh, khiến các cơ quan báo chí rất khó khăn. Điều này cho thấy, nguồn thu từ quảng cáo là một nguồn thu quan trọng để đảm bảo “nâng cao tiểm lực tài chính”, đảm bảo mọi hoạt động của cơ quan báo chí. Do đó, đòi hỏi bộ phận quảng cáo của các cơ quan báo chí cũng cần phải đẩy mạnh hoạt động tiếp thị quảng cáo, cần nhiều giải pháp để mở rộng đối tượng khách hàng, tăng nguồn thư từ hoạt động này. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh trường hợp quảng cáo sai sự thật hay quảng cáo phản cảm; bởi trên thực tế khách hàng vẫn còn tin tưởng tính chính xác trung thực của các nội dung quảng cáo được đăng tải trên các nền tảng báo chí chính thống.

Mặt khác, báo chí hiện nay đang có sự thay đổi mạnh mẽ dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Quá trình chuyển đổi số đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, ở mọi lĩnh vực, và báo chí cũng không nằm ngoài quy luật đó. Thông qua việc xác định tâm lí, nhu cầu tiếp nhận thông tin, giải trí của công chúng đang dần thay đổi, nên nội dung, chất lượng các chương trình phát thanh, truyền hình, tác phẩm báo in, báo điện tử phải được đổi mới cả về nội dung và hình thức trên cơ sở nghiên cứu tổng hòa các yếu tố đó để thu hút khán giả. Những tác phẩm báo chí đích thực, thông tin chính thống, có giá trị, được đầu tư bài bản, được trình bày hiện đại, bắt mắt là điều mà công chúng luôn mong đợi. Rõ ràng, đây là cơ hội, cũng là thách thức đối với các cơ quan báo chí địa phương. “Việc thu tiền từ nội dung số còn có nhiều khó khăn, có thể chưa thực hiện được ngay, nhưng trên lộ trình phát triển thì đó sẽ là một trong những giải pháp để đa dạng nguồn thu mà các cơ quan báo chí hướng tới” - ông Mai Vũ Tuấn nhấn mạnh.

Giải pháp đặc thù

Với cơ sở vật chất được đầu tư, với đội ngũ hiện có, các cơ quan báo chí địa phương cũng phải quan tâm đến các hoạt động dịch vụ có thu phí. Các cơ quan báo chí địa phương cũng cần thúc đẩy việc thực hiện các dịch vụ truyền thông, hợp tác truyền thông cho các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp. Có thể kể đến như hoạt động sản xuất video clip để xúc tiến đầu tư; tổ chức hội nghị khách hàng; sản xuất các triler phục vụ quảng cáo; sản xuất sách, tài liệu, ấn phẩm phục vụ maketing quảng bá giới thiệu của các cơ quan đơn vị, tổ chức sự kiện theo đặt hàng... Đây là những hoạt động dich vụ trên cơ sở đặc thù nghề nghiệp của cơ quan báo chí mà thông qua đó cũng mang lại nguồn thu cho các cơ quan báo chí địa phương.

Biểu đồ doanh thu khối báo và đài phát thanh trong các năm 2020 và 2021.

Có thể nói, đa dạng hoá nguồn thu là yêu cầu tiên quyết cho sự phát triển bền vững của các cơ quan báo chí hiện nay. Để đảm bảo cho các cơ quan báo chí hoạt động ổn định, phát triển, thực hiện tốt sứ mệnh báo chí cách mạng của Đảng, cần có sự quan tâm hơn nữa về mặt cơ chế tài chính cho các cơ quan báo chí, thông qua việc Nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng; đặc biệt là không áp dụng chung cơ chế tài chính của cơ quan báo chí như là đơn vị sự nghiệp công lập, mà cần có chính sách riêng.

Ngoài ra, các địa phương, các cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý cần nghiên cứu, xem xét việc quy định chính sách thuế đối với báo chí hiện vẫn áp dụng theo mô hình đơn vị sự nghiệp, thực hiện việc thông tin, tuyên truyền theo nhiệm vụ chính trị, nhưng vẫn phải chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp tương đối cao (thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động báo in là 10%; đối với hoạt động báo nói, báo hình, báo điện tử là 20%).

Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) bên cạnh việc xắp xếp các cơ quan báo chí theo qui hoạch của Chính phủ cũng cần tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định về đơn vị sự nghiệp báo chí, qui định trách nhiệm của các cơ quan chủ quản báo chí; ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các Nghị định của chính phủ một cách khoa học, phù hợp thực tiễn hoạt động báo chí của Việt Nam. Bộ TT&TT cũng cần phối hợp với Bộ Tài chính để ban hành các đơn giá định mức hoạt động của đơn vị sự nghiệp báo chí như phương tiên đi lại, trang thiết bị phục vụ tác nghiệp; có chính sách miễn giảm nghĩa vụ tài chính nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí. Đặc biệt, cần ban hành các quy định về bản quyền báo chí trước thực trạng hiện nay nhiều tin tức báo chí được đưa lên mạng xã hội mà không trả bản quyền; phân định rõ cơ chế tài chính đối với báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền và báo chí chủ yếu phục vụ giải trí, thương mại.

Các cơ quan chủ quản báo chí phải tăng cường quản lý cơ quan báo chí do mình thành lập, phải quản lý tôn chỉ mục đích tờ báo mình quản lý và xác định được nguồn kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ hàng năm để thực hiện các nhiệm vụ chính trị bên cạnh việc giao thực hiện xã hội hóa nguồn lực để tăng cường tiểm lực tài chính cho cơ quan báo chí. Đồng thời, các cơ quan báo chí cũng cần chủ động, nỗ lực đa dạng hóa nguồn thu, mở rộng thị trường, phương thức quảng cáo, dịch vụ trên các loại hình báo chí; đổi mới công tác quản lý hoạt động quảng cáo, dịch vụ, nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác khai thác quảng cáo, dịch vụ; tăng cường công tác kiểm soát chi bảo đảm chi đúng, chi đủ theo chế độ hiện hành; tinh gọn bộ máy, tăng cường tiết kiệm chi phí. Các cơ quan báo chí cần thiết xác định phân đoạn thị trường cho mình và khai thác sâu thị trường đó; sự khác biệt của mỗi cơ quan báo chí sẽ là yếu tố quan trọng nhất để tồn tại, để có chỗ đứng trong lòng độc giả, từ đó có cơ hội để thực hiện kinh tế báo chí trong lĩnh vực của mình. Ngoài ra, các cơ quan báo chí cũng cần phải đáp ứng tốt yêu cầu về công nghệ, ứng dụng công nghệ hiện đại vào nghiệp vụ báo chí tạo ra những giá trị mới hơn cho báo chí và cho độc giả.