Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, sáng 2.6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Sau đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).
Tiếp đó, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).
Theo dự thảo tờ trình, việc xây dựng dự án Luật nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý giải quyết thủ tục hành chính như cư trú, hộ tịch, bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế, đất đai, lao động; trên cơ sở sử dụng xác thực, chia sẻ bằng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Dự án luật cũng là căn cứ ứng dụng chip điện tử trên thẻ căn cước đối với các lĩnh vực tài chính, ngân hàng; tích hợp ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán, điện, nước lên ứng dụng VNeID, mã QR của thẻ căn cước gắn chip.
Căn cước gắn chip giúp công dân xác thực thông tin thiết yếu trên ứng dụng VNeID hoặc qua thẻ căn cước như thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, giấy phép lái xe, đăng ký xe, từng bước thay thế các giấy tờ của người dân trong một số giao dịch theo quy định pháp luật.
Nguồn ảnh: rfd.gov.vn
Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú...
Việc thay đổi, cải tiến như trên để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân; các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước.
Việc cấp đổi thẻ căn cước thực hiện theo nhu cầu của người dân. Khi chưa có điều kiện đổi thẻ căn cước mới, công dân có thể tích hợp thông tin vào căn cước điện tử (miễn phí trên ứng dụng VNeID) để làm thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại.
Thẻ căn cước đã cấp vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trên thẻ. Các giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.
Việc xây dựng dự án Luật Căn cước là cần thiết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta.
Việc xây dựng dự án Luật Căn cước nhằm mục đích: phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.