Nhiệt điện LNG Nghi Sơn - Động lực mới cho ngành năng lượng Thanh Hóa
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa chính thức thống nhất chủ trương đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn.
Theo thông tin từ Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa, vào ngày 29/2/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 2678/KL-TU, chính thức thống nhất chủ trương đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn tại Khu kinh tế Nghi Sơn, Thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa.
Dự án này bao gồm xây dựng một nhà máy điện LNG công suất 1.500MW, một bến cảng nhập khí LNG, đê chắn sóng dài khoảng 1 km và các công trình hạ tầng phụ trợ như kho chứa LNG, trạm tái hóa khí, hệ thống đường ống dẫn khí từ trạm tái hóa khí đến nhà máy điện LNG, v.v.
Diện tích đất thực hiện dự án khoảng 68,2 ha, với tổng vốn đầu tư dự kiến là khoảng 58.026 tỷ đồng (tương đương hơn 2,4 tỷ USD). Dự án sẽ triển khai tại khu vực phía Nam cảng Nghi Sơn (xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn) và dự kiến hoạt động trong 50 năm, với tiến độ thực hiện trước năm 2030.
Đây là dự án lớn thứ ba của tỉnh Thanh Hóa, sau dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và dự án Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn. Việc lựa chọn nhà đầu tư cho dự án dự kiến sẽ được thực hiện trong quý II/2024.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã giao Ban Cán sự Đảng Ủy Ban nhân dân tỉnh này lãnh đạo UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo thực hiện các công việc tiếp theo để đảm bảo tiến độ, hiệu quả và minh bạch theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế.
Trước khi ra kết luận thống nhất chủ trương đầu tư dự án, vào ngày 28/2, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt kinh phí tổ chức lựa chọn nhà đầu tư dự án này với tổng số là hơn 2,443 tỷ đồng.
Hiện Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (Thanh Hóa) đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn của 5 nhóm nhà đầu tư đến từ trong nước và quốc tế.
Trong đó, tổ hợp nhà đầu tư thứ nhất gồm JERA Co.Inc (nhà sản xuất nhiệt điện lớn nhất tại Nhật Bản, cũng là nhà nhập khẩu sử dụng LNG lớn nhất trên thế giới) và Công ty CP Tập đoàn Sovico; Tổ hợp nhà đầu tư thứ hai có sự góp mặt của Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO), Tổng Công ty khí Hàn Quốc (KOGAS), Tập đoàn xây dựng và kỹ thuật Daewoo (Daewoo E&C) và Tổng công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát - CTCP (APT).
Tổ hợp nhà đầu tư thứ ba là Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power) và CTCP Tập đoàn T&T; nhà đầu tư thứ 4 là Gulf Energy Development Public Company Limited (doanh nghiệp sản xuất điện tư nhân lớn nhất Thái Lan) và nhà đầu tư thứ 5 là SK E&s Co., Ltd (thuộc SK Group - SK là một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc hoạt động trong nhiều lĩnh vực như hóa chất, chất bán dẫn, viễn thông và công nghệ sinh học).
Liên quan đến các doanh nghiệp trong nước cùng tham gia "đường đua", trong đó đáng chú ý có một doanh nghiệp địa phương là Tổng Công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát - CTCP. Doanh nghiệp này có địa chỉ trụ sở tại Số 306 đường Bà Triệu, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hoá.
Tổng Công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát - CTCP có tiền thân là Công ty TNHH Anh Phát hoạt động cách đây gần 20 năm với giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 2800846807 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cấp ngày 22/6/2005.
Hệ sinh thái kinh doanh của Anh Phát, dưới sự lãnh đạo tài tình của doanh nhân Trịnh Xuân Nghiệm, đã và đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực như Thương mại và Dịch vụ, Khách sạn Nhà hàng, Đầu tư Cơ sở hạ tầng, Xây dựng, Bất động sản Du lịch và là một trong những nhà phân phối hàng đầu về xăng dầu.