Việt Nam đặt mục tiêu tự chủ về công nghệ bán dẫn trong chiến lược dài hạn
Tọa đàm khoa học “Chiến trường bán dẫn: Tương lai của các trung tâm bán dẫn toàn cầu” và ra mắt sách là cơ hội để giao lưu, tìm hiểu về các vấn đề liên quan chuỗi giá trị ngành bán dẫn và quy trình sản xuất chip.
Bên cạnh đó, đọc giả có cơ hội hiểu rõ hơn về cuộc đua bán dẫn toàn cầu; hiểu rõ hơn với nguồn lực khổng lồ có thể giúp Trung Quốc đi xa đến đâu trong lĩnh vực tự chủ công nghệ bán dẫn; Sức mạnh thực sự của Mỹ khi theo đuổi chiến lược phát triển bán dẫn? Cùng với đó là các xu hướng tự chủ chiến lược về công nghệ; tác động của một cuộc chiến bán dẫn trong bối cảnh cạnh tranh địa - chính trị của các cường quốc đối với sự phát triển của ngành bán dẫn.
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Giám đốc NXB TT&TT Ngô Thị Mỹ Hạnh cho biết; những năm gần đây, công nghệ đang phát triển và đổi mới với tốc độ nhanh chóng, mạnh mẽ. Các doanh nghiệp, thậm chí là các quốc gia đều đang tiến hành đầu tư cho khoa học công nghệ (KHCN) để tìm kiếm lợi thế cạnh tranh cho mình. Đặc biệt là hoạt động đầu tư cho đổi mới sáng tạo (ĐMST) và các công nghệ đột phá nhằm tăng cường tính tự chủ chiến lược; tính dẻo dai cho hoạt động sản xuất của quốc gia trước những thách thức của bối cảnh mới.
Bà Ngô Thị Mỹ Hạnh cũng nhận định, chương trình tọa đàm nhằm tuyên truyền về tầm quan trọng của KHCN nói chung và việc phát triển ngành bán dẫn nói riêng đối với nền kinh tế Việt Nam hiện tại và tương lai. Đặc biệt, cuốn sách “Chiến trường bán dẫn: Cạnh tranh chiến lược và tự chủ đổi mới sáng tạo của Trung Quốc thế kỷ 21” của 2 tác giả Phạm Sỹ Thành và Nguyễn Tuệ Anh sẽ mang đến cho đọc giả những nghiên cứu, phân tích tỉ mỉ về cuộc đua bán dẫn toàn cầu. Qua đó, nhắc nhở chúng ta cần phải nắm bắt thời cơ để không bị bỏ lại trên con đường phát triển của thế giới.
“Thực trạng này đang gióng lên một hồi chuông nhắc nhở với tất cả các quốc gia rằng cuộc đua về KHCN đang thực sự diễn ra trên toàn cầu. Trong đó, vị trí ưu tiên cao nhất trong chính sách phát triển KHCN của một số quốc gia và vùng lãnh thổ là nghiên cứu, phát triển, sản xuất vi mạch tích hợp” - bà Ngô Thị Mỹ Hạnh khẳng định.
Đặc biệt, trong buổi tọa đàm, 2 tác giả cuốn sách “Chiến trường bán dẫn: Cạnh tranh chiến lược và tự chủ đổi mới sáng tạo của Trung Quốc thế kỷ 21” đã chia sẻ những chính sách về bán dẫn của hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Theo 2 tác giả Phạm Sỹ Thành và Nguyễn Tuệ Anh, sự cạnh tranh là không khoan nhượng giữa Trung Quốc, Mỹ cũng như các quốc gia khác trên thị trường bán dẫn toàn cầu. “Thông qua nghiên cứu, phân tích, tỉ mỉ những chính sách, chiến lược mà chính phủ Trung Quốc và một số quốc gia khác ban hành, đã chứng minh những nỗ lực vươn lên để chiếm lĩnh thị trường bán dẫn thế giới giữa các quốc gia, tập đoàn, đặc biệt là hai cường quốc đối trọng Trung Quốc và Mỹ” – 2 tác giả cuốn sách chia sẻ.
Tại tọa đàm, các diễn giả chia sẻ những chính sách về bán dẫn của hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc.
Trên thực tế, thông qua cuốc sách, 2 tác giả Phạm Sỹ Thành và Nguyễn Tuệ Anh đã phân tích một cách hệ thống và cặn kẽ về những chiến lược, chính sách mà Trung Quốc và Mỹ đã áp dụng để xây dựng, củng cố vị thế cho ngành sản xuất bán dẫn của mình. Đồng thời, 2 tác giả Phạm Sỹ Thành và Nguyễn Tuệ Anh còn đưa ra những suy nghĩ về việc xây dựng một hệ sinh thái công nghệ tự chủ, ĐMST, để thích ứng với bối cảnh toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng. Không chỉ thế, cuốn sách còn phân tích những thất bại và bài học lớn mà cả Mỹ và Trung Quốc đã trải qua trong hành trình 70 năm qua thông qua những câu chuyện về sự trỗi dậy, sự sụp đổ của các tập đoàn công nghệ lớn. Đây là lời nhắc nhở mạnh mẽ về sự cần thiết của chiến lược dài hạn, tầm nhìn xa và sự đầu tư liên tục vào nghiên cứu và phát triển.
Trong khi đó, Giám đốc Việt Nam của Tập đoàn Intel Phùng Việt Thắng nhận định, lịch sử phát triển của ngành bán dẫn luôn luôn có đóng góp quan trọng từ những viện nghiên cứu quốc phòng về dân dụng và những mục tiêu phát triển về công nghệ của quốc gia. “Việt Nam đã đưa ra chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó đặt mục tiêu tự chủ về công nghệ, để giữ vị thế trên trường quốc tế” - ông Phùng Việt Thắng chia sẻ.
Việc tìm hiểu về chính sách phát triển ngành bán dẫn từ thực tiễn đa dạng của các quốc gia và vùng lãnh thổ không chỉ giúp đưa ra các hàm ý chính sách về ngành, mà còn giúp trả lời các câu hỏi thiết yếu cho việc nhận diện bức tranh công nghệ toàn cầu trong thập kỷ kế tiếp, và từ đó nhìn ra những cơ hội cũng như thách thức của mỗi quốc gia.
Tác giả Phạm Sỹ Thành
Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Học viện Kinh tế, Đại học Nam Khai (Trung Quốc). Từ năm 2012 đến năm 2020, ông là Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội; từ tháng 8 năm 2020 đến tháng 7 năm 2021: Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong - Trung Quốc (MCSS) trực thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA). Từ năm 2022 đến nay, ông là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS). Nghiên cứu của ông tập trung vào các vấn đề kinh tế vĩ mô và chiến lược của Trung Quốc, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Ông còn là Cố vấn quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về Chương trình Nghiên cứu BRI từ tháng 6 năm 2018 đến tháng 6 năm 2019. Ông đã tham gia Chương trình IVLP có tựa đề “Dự án khu vực: Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - Dự án chung cho các khu vực Đông Á, Nam và Trung Á” do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức năm 2020.
Tác giả Nguyễn Tuệ Anh
Tiến sĩ Nguyễn Tuệ Anh là chuyên gia nghiên cứu cao cấp về chính sách công tại Vương Quốc Anh. Tại Đại học Tổng hợp London (UCL). Bà phụ trách nghiên cứu về chính sách đổi mới của Hoa Kỳ, tập trung vào các chính sách điều kiện tham vấn cho Đạo luật CHIPS, các cơ quan đổi mới và Ban cố vấn kinh tế của Chính phủ Mỹ. Trước đó, bà là chuyên gia thỉnh giảng về chính sách công và chính sách năng lượng tại trường Blavatnik School of Government, Đại học Oxford và Trung tâm Phát triển Quốc tế, Đại học Harvard. Hiện bà đang tham gia nghiên cứu về mối quan hệ giữa nhà nước và cộng đồng tại Đại học Greenwich London.
Bà tốt nghiệp tiến sĩ với Giải thưởng Luận văn xuất sắc nhất, Sinh viên xuất sắc nhất, Giải nhất thuyết trình luận văn của Đại học Greenwich, London. Bà còn nhận giải thưởng và học bổng nghiên cứu trong đó có Hiệp hội Năng lượng Quốc tế (IAEE), Viện Toán của Đại học Oxford, Giải thưởng của Khối các quốc gia dầu mỏ (OPEC) cho Sinh viên từ các nước đang phát triển và Giải Bài nghiên cứu xuất sắc của Mạng lưới Jean Monet của Liên minh châu Âu.