Hà Nội: Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn 2,54% vào cuối năm 2024
Trong năm 2024, tình hình thị trường lao động của Hà Nội đã có những chuyển động tích cực, Thành phố đã đạt và vượt mục tiêu giải quyết việc làm. Để có được kết quả đó, Sở LĐTBXH tích cực chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động nhằm duy trì lực lượng lao động ổn định, góp phần phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo tổng hợp báo cáo của các quận, huyện, thị xã, năm 2024, Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 225.858 lao động (trong đó: tạo việc làm cho 53.826 lao động từ nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền là 3.990 tỷ đồng; số người lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm 19.008 lao động; đưa 4.898 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; số lao động được cung ứng giới thiệu việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác 148.126 lao động), đạt 139,9% KH năm, tăng 11.600 việc làm mới được tạo ra, tương đương tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Ảnh minh họa. |
Triển khai Nghị định số 70/2023/NĐ-CP ngày 18/9/2023 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Trong năm, thẩm duyệt, chấp thuận vị trí việc làm của người nước ngoài lao động tại Việt Nam cho 8.175 lượt doanh nghiệp với 9.522 vị trí. Cấp mới 7.995 giấy phép; cấp lại 1.168 giấy phép; gia hạn 2.823 giấy phép cho lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; thông báo miễn cấp 941 trường hợp người nước ngoài không phải cấp giấy phép lao động.
Hiện nay, Sở đã thực hiện việc ủy quyền giải quyết các thủ tục liên quan cấp giấy phép lao động người nước ngoài cho UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện. Nhìn chung, đội ngũ chuyên gia, người lao động có trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cao vào làm việc tại Hà Nội, Việt Nam đã đáp ứng một phần nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn.
Toàn ngành tiếp tục thực hiện, giải quyết tốt chế độ chính sách BHTN theo quy định, kịp thời giải quyết những phát sinh vướng mắc đảm bảo quyền lợi của người lao động. Trong năm, Sở tiếp nhận hồ sơ, thẩm và ra quyết định hưởng trợ cấp BHTN cho 76.840 trường hợp đề nghị hưởng BHTN với số tiền hỗ trợ 2.386 tỷ đồng, số lao động hưởng BHTN đã giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2023; 100% trường hợp đề nghị hưởng BHTN được tư vấn tìm việc làm mới, trong đó hỗ trợ đào tạo nghề cho 1.150 người để họ có cơ hội tiếp tục tham gia thị trường lao động với số tiền 4,6 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Thành phố: Ước đến 31/12/2024, số người tham gia BHXH là 2.257.823 người, tăng 111.829 người so với năm 2023, chiếm 48,9% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó: Số người tham gia BHXH bắt buộc là 2.150.823 người, tăng 93.125 người, tăng 4,5% so với năm 2023; chiếm 46% lực lượng lao động trong độ tuổi (vượt 1%); số người tham gia BHXH tự nguyện là 107.000 người (chưa bao gồm số người đã tham gia BHXH TN đang bảo lưu), tăng 18.704 người, tăng 21,2% so với năm 2023; chiếm 2,9% lực lượng lao động trong độ tuổi (vượt 0,4%).
Công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng được thành phố quan tâm; đời sống người có công không ngừng được nâng lên. Trong năm, Sở tiếp nhận và giải quyết 11.292 hồ sơ đề nghị giải quyết chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng.
Tổng kinh phí trong năm 2024 chi cho công tác ưu đãi người có công của Thành phố là 2.521 tỷ đồng (trong đó, thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời trợ cấp cho trên 78 nghìn người có công và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng với số tiền 2.169 tỷ đồng; chi trả trợ cấp một lần 185 tỷ đồng; chi quà lễ tết 71 tỷ đồng; chi điều dưỡng tập trung 95,9 tỷ đồng với trên 20 nghìn lượt người có công và thân nhân). Số người có công của Thành phố hiện giờ là trên 78 nghìn người trong tổng số 1.074.543 người có công của cả nước (chiếm 7,3%).
Đầu năm 2024 Hà Nội còn 690 hộ nghèo, tỷ lệ 0,03% và 15.835 hộ cận nghèo, tỷ lệ 0,7% tổng số hộ dân toàn thành phố. Đến nay, toàn Thành phố giảm 690/690 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn Thành phố là 0% theo chuẩn nghèo của Thành phố giai đoạn 2021-2025, chỉ tiêu về giảm nghèo đã về đích trước một năm kế hoạch đã đề ra giai đoạn 2021-2025; số hộ cận nghèo còn 9.928 hộ, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 0,43% (nếu so với chuẩn nghèo Trung ương thì số hộ cận nghèo của Hà Nội còn 890 hộ, tỷ lệ 0,04%).