Thiết lập hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động đa tầng, đa lĩnh vực
Tập trung phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập.
Duy trì một thị trường lao động linh hoạt đảm bảo sự bền vững
Những năm vừa qua, các doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, đơn hàng bị cắt giảm, người lao động bị mất việc làm hoặc giảm việc làm, để lại hệ lụy rất lớn. Vì vậy, tìm lời giải bài toán cho thị trường lao động là vấn đề cấp thiết đặt ra. Các ngành chức năng hiện đang đề xuất nhiều giải pháp nhằm ổn định thị trường lao động để phục hồi nhanh kinh tế - xã hội, bảo đảm cuộc sống cho người lao động. Trong đó ưu tiên hiện nay là duy trì một thị trường lao động linh hoạt để đảm bảo sự bền vững.
Do đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội. Nghị quyết số 06/NQ-CP chỉ rõ, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo hành lang pháp lý góp phần phát triển thị trường lao động. Đến nay, thị trường lao động đã từng bước vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từng bước tiệm cận với thị trường lao động khu vực và thế giới. Cơ hội việc làm tăng; hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp được chuẩn hóa và gắn kết chặt chẽ hơn với nhu cầu của thị trường lao động. Thị trường lao động trở thành động lực thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu rộng cùng với những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thị trường lao động ở nước ta đang bộc lộ một số tồn tại, hạn chế: Thị trường lao động chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chưa thích ứng đầy đủ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế…
Từ đó, trong giai đoạn phát triển mới, Chính phủ xác định ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành hài hòa, hợp lý, hiệu quả các chính sách tiền tệ - tài khóa; triển khai Chương trình phục hồi nhanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tập trung vào y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và đầu tư cơ sở hạ tầng; cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, minh bạch góp phần thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm để giảm tỷ lệ thất nghiệp, thúc đẩy thị trường lao động phát triển.
Chính phủ đặt ra mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động.
Đồng thời duy trì tỷ lệ thất nghiệp ở mức dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị ở mức dưới 7%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 6%. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 45%, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp…
Để thực hiện các mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả một số quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó luôn nhấn mạnh tính cấp thiết của việc xây dựng thiết lập hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động đa tầng, đa lĩnh vực trong bối cảnh cung cầu lao động có nhiều chuyển biến.
Thiết lập hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động giúp người lao động biết được diễn biến thị trường lao động đang ra sao để có sự chuẩn bị.
Chủ động nắm bắt, làm chủ diễn biến cung - cầu thị trường lao động
Theo các chuyên gia, việc đẩy nhanh xây dựng hệ thống thông tin phân tích, dự báo thị trường lao động là cần thiết. Nó sẽ giúp kết nối thông tin thị trường lao động ở cấp trung ương với cấp địa phương; Cải thiện hệ thống thông tin của Trung tâm Quốc gia dự báo và thông tin thị trường lao động và các trung tâm dịch vụ việc làm cấp tỉnh; Mở rộng phạm vi và tăng cường chất lượng của thông tin thị trường lao động hiện có, bao gồm các số liệu thống kê thị trường lao động một cách cụ thể; Nâng cao năng lực phân tích và sử dụng thông tin để lập kế hoạch và xây dựng chính sách; Phổ biến và trao đổi thông tin thị trường lao động nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm.
Việt Nam có không ít trung tâm dự báo về nhu cầu lao động, trung tâm phân tích và dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực, trung tâm dự báo quốc gia, viện nghiên cứu thuộc các bộ, ngành... Tuy nhiên, các đơn vị thiếu sự thống nhất trong triển khai mô hình phân tích, dự báo. Mỗi nơi thực hiện theo phương thức khác nhau, dẫn tới kết quả khác nhau.
Hiện nay, Cục Việc làm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) đang nghiên cứu, xây dựng một mô hình dự báo cung - cầu lao động chung, phù hợp với bối cảnh trong nước. Hướng tiếp cận của mô hình này là thông qua hệ thống thông tin phân tích dự báo thị trường lao động do Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh cùng xây dựng dữ liệu, cung cấp thông tin thị trường lao động một cách kịp thời, chi tiết nhất có thể.
Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Vai trò của trung tâm dịch vụ việc làm trong việc thúc đẩy phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả", do báo Dân trí đồng hành cùng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội) tổ chức, ông Nguyễn Văn Huế - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang cho rằng, hiện nay, trong xu thế chuyển đổi số nhanh chóng, mạnh mẽ, việc xây dựng hệ thống thông tin phân tích dự báo thị trường lao động có ý nghĩa lớn trong dự báo ngắn hạn, trung và dài hạn.
Theo ông, điều này sẽ giúp doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị, cơ sở đào tạo nghề hoạch định sớm về chiến lược đào tạo lao động có tay nghề. Qua đó, người lao động có cơ hội sở hữu công việc mang tính bền vững.
"Nhờ hệ thống thông tin phân tích dự báo thị trường lao động cùng những tác động tích cực của chuyển đổi số, số người mất việc được kỳ vọng sẽ có xu hướng giảm đi. Bởi doanh nghiệp, người lao động đã có sự chuẩn bị từ sớm. Do đó, việc các cấp bộ ngành khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống này là cấp thiết", ông Huế nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, hệ thống thông tin phân tích dự báo thị trường lao động nếu thực hiện thành công sẽ cung cấp thông tin dự báo thị trường lao động kịp thời.
Nhờ đó, người lao động biết diễn biến thị trường để có sự chuẩn bị, tham gia đào tạo phù hợp. Doanh nghiệp cũng xác định được chi phí lao động từng vùng, khu vực để đánh giá nguồn nhân lực sẵn sàng cho việc mở rộng đầu tư. Các địa phương cũng chủ động hơn trong việc điều tiết lao động.
Mô hình này cũng giúp giải quyết vấn đề xã hội, bởi kết nối trên thị trường lao động hiệu quả. Các địa phương có thông tin rõ ràng, giảm chi phí. Người lao động dễ tìm việc. Doanh nghiệp không mất thời gian, chi phí tuyển dụng, có lao động đảm bảo sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở xác định mô hình phân tích, dự báo phù hợp, Trung tâm Dịch vụ việc làm có thể biết rõ thông tin đầu vào và từ đó tổ chức mạng lưới cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời. Đây là yếu tố then chốt, quyết định đến đầu ra của hoạt động phân tích, dự báo. Thông tin đầu vào càng cụ thể, chi tiết, kịp thời và chính xác thì thông tin đầu ra cũng có giá trị tương tự.